Việt Nam và Trung Quốc

Trong thế Chiến Lược Tòan Cầu

 

Bài của Luật Sư Ðào Tăng Dực

 

Dẫn nhập:

 

Sự kiện các quốc gia trong khối G20 họp mặt tại Luân Ðôn và tháng 4 vừa qua được nháiều người, kể cả những trí thức Việt Nam, quan tâm vì đây là một cuộc gặp gỡ quan trọng giữa những lãnh đạo của các quốc gia có tầm ảnh hưởng trên địa cầu. Báo chí VIỆT NAM, do CSVN độc quyền quản trị, cũng theo dõi và đề cập đến. Mọi người đều chấp nhận là VIỆT NAM, như một quốc gia, đương nhiên phải vắng mặt trong buổi gặp gỡ này.

Tuy nhiên đối với những người theo dõi thời cuộc và quan tâm đến vận mệnh đất nước thì phải coi sự vắng bóng của VIỆT NAM, một quốc gia có 4,000 năm văn hiến, với một dân số 84 triệu dân, với con người có bàn tay và khối óc không thua các dân tộc Trung Hoa, Nhật Bổn, Ðại Hàn và Ðài Loan, là một niềm tủi nhục lớn lao.

Niềm tủi nhục này căn bản phát xuất từ một diễn biến nằm ngoài khả năng kiểm soát của người VIỆT NAM. Ðó là sự thất bại của Trung Hoa Quốc Dân Ðảng dưới sự lãnh đạo của Tưởng Giới Thạch và sự chiến thắng của CSTQ dưới sự lãnh đạo của Mao Trạch Ðông năm 1949.

Tuy nhiên sau ngày 30 tháng 4, 1975, lịch sử đã trao cho CSVN một cơ hội mới để thực sự đoàn kết dân tộc, dân chủ hóa và hiện đại hóa đất nước. Tiếc rằng họ đã không đủ hùng tâm và lòng yêu nước chân chính để nắm bắt cơ hội này. Hơn 3 thập niên đi qua, các dân tộc khác đã vươn lên và chúng ta vẫn tiếp tục yếu hèn tủi nhục.

 

Sự chiến thắng nêu trên của họ Mao đã là yếu tố quyết định cho sự chiến thắng của CSVN dưới sự lãnh đạo của Hồ Chí Minh và sự thất bại của các đảng phái quốc gia. TQ dưới chế độ cộng sản bị tụt hậu khủng khiếp cho đến lúc Ðặng Tiểu Bình khai phóng cho nền kinh tế năm 1978.

VIỆT NAM còn tệ hại hơn vì CSVN không đủ sáng suốt và tinh thần tự lập dân tộc nên rập khuôn theo Liên Xô. Ðến khoảng1985 thì người CSVN mới chập chững đổi mới cũng theo chân Liên Xô. Ðến khi Liên Xô sụp đỗ thì CSVN hoàn toàn mất định hướng, và lại chạy theo gót TQ. CSVN chưa bao giờ biết suy nghĩ cho đất nước trên căn bản của người VIỆT NAM.

Quan hệ giữa TQ và những nước Ðông Á khác nằm trong vùng ảnh hưởng văn hóa TQ như Ðại Hàn, Nhật Bổn và Việt Nam là một quan hệ đã trải dài trên 4000 năm lịch sử.

Kinh nghiệm cho chúng ta thấy, những quốc gia khác chỉ có thể thực sự độc lập và giữ được chủ quyền đối với “Thiên Triều” khi quốc gia của họ vượt trên TQ bằng tư tưởng sáng tạo, xã hội lành mạnh và binh lực hùng cường.

Nhật Bổn nhờ Minh Trị Thiên Hoàng, Nam Hàn nhờ những cải cách quyết liệt của Tướng Phát Chính Hy, và Việt Nam thuỡ xưa nhờ vào sự lãnh đạo anh minh của các triều đại Lý và Trần.

Sự khác biệt giữa Việt Nam và Nam Hàn cũng như Nhật Bổn là hai quốc gia này vượt trội TQ trong hiện tại. Trong khi đó thời hoàn kim của dân tộc Việt Nam đã đi qua.

 

Tập thể đang lãnh đạo đất nước bây giờ là đảng CSVN đã vi phạm một sai lầm nghiêm trọng: đó là một mặt họ rất gian xảo với những con người và đảng phái chính trị quốc gia, nhưng mặt khác họ lại rất ngây thơ và phục tùng đối với đảng CSTQ mà họ cho là những bậc thầy khả kính, những anh em đồng chí môi hở răng lạnh, những láng giềng hữu nghị tốt bụng, ngay cả sau khi TQ không ngần ngại xâm chiến Hoàng Sa, Trường Sa, những lãnh địa và lãnh hải khác của VIỆT NAM.

 

Có thể kết luận rằng, trong cơn mê quyền lực, người CSVN đã cố tình quên đi một thực tế không thể chối cãi: đó là người đàn anh xã hội chủ nghĩa vĩ đại của phương bắc, đã từ lâu nuôi mộng bá quyền, âm mưu thôn tính lãnh địa và lãnh hải của kẻ đàn em hèn yếu tại phương nam hầu góp phần tiếp sức cho hoài bão trở thành đệ nhất siêu cường của thế kỷ 21.

 

 

Bản chất của quyền lực trong nội bộ đảng CSVN:

 

Một trong những lý do đưa đến thái độ bại hoại này của CSVN khi đất nước lâm nguy phát xuất từ bản chất của căn bản quyền lực nội bộ trong đảng CSVN.

Nên nhớ có một sự khác biệt căn bản về bản chất quyền lực nội bộ giữa hai đảng CS lớn là TQ và Liên Xô. Tại Liên Xô thì quyền lực nội bộ trong đảng nằm nơi bộ máy công an mật vụ. Khi một lãnh tụ qua đời thì nhân vật nào nắm được công an mật vụ sẽ có nhiều ưu thế để lên “nối ngôi”. Khi Lenin qua đời, Trotsky tuy là người sáng lập Hồng Quân Liên Xô vẫn phải mất quyền về tay của Stalin, vì Stalin nắm được mật vụ.

Trotsky sau đó phải lưu vong và bị Stalin cho mật vụ ám sát tại Mễ Tây Cơ..

Tình hình Trung Quốc thì khác hẳn. Mao Trach Ðông nắm được toàn quyền qua chức vụ Chủ Tịch Ủy Ban Quân Quản Trung Ương, đồng nghĩa với tham mưu trưởng quân lực.

Ngay cả sau khi Ðặng Tiểu Bình đã được suy tôn là lãnh tụ tối cao (paramount leader), chức vụ chính thức trong chính phủ của ông cũng chỉ là một phó thủ tướng khiêm nhường. Tuy nhiên không phải là chức vụ phó thủ tướng giúp cho ông đạt được sự suy tôn này. Trái lại chính là chức vụ Chủ Tịch Ủy Ban Quân Quản Trung Ương nằm bên trong đảng đã đưa ông lên vị trí tối cao này.

CSVN rập khuôn theo Liên Bang Xô Viết. Ngay cả sau khi LBXV sụp đổ và CSVN tôn sùng CSTQ thay thế cho Liên Xô, thì trong tương quan quyền lực nội bộ, họ vẫn tiếp tục theo mô hình công an trị của Liên Xô.

Tại VIỆT NAM  có hiện tượng kỳ quặc đưa đến việc Ðại Tướng Võ Nguyên Giáp lừng danh toàn nước và trên thế giới, cũng như những đàn em tướng lãnh khác, bị chèn ép mọi bề bởi những thành phần tương đối vô danh tiểu tốt. Tuy nhiên các tay này lại kiểm soát được bộ máy mật vụ công an như Lê Duẫn, Lê Ðức Thọ, Ðỗ Mười, và mới nhất là Nguyễn Tấn Dũng.

Kết quả là CSVN trở thành một đảng CS quái thai. Bản chất quyền lực nội bộ thì theo Liên Xô mà đối ngoại lại làm tay sai choTQ.

 

Ðây chính là bất hạnh lớn lao của dân tộc VIỆT NAM. Lý do là ở mức độ nào đó thì giới quân đội vẫn hy sinh trên chiến trường và trong lòng của những người lính CSVN, họ vẫn tự hào rằng họ hy sinh trên chiến trường để bảo vệ nền độc lập và sự vẹn toàn lãnh thổ. Họ tự hào rằng họ thiết tha với từng tấc đất của quê hương hơn là những công an mật vụ của chế độ.

Người công an mật vụ CSVN thì khác hẳn. Trách nhiệm của họ là kiểm soát không những quần chúng mà kiểm soát cả tư tưởng và hành vi của những đảng viên để bảo vệ cho các lãnh tụ đảng. Chính vì thế họ không quan tâm đến sự vẹn toàn lãnh thổ của cha ông để lại bằng các quân nhân. Công an thông thường là những thành phần yếu hèn, nhút nhát, chỉ để hù dọa và đàn áp dân chúng, không có khả năng và dũng khí đứng lên bảo vệ non sông được.

Sự kiện ông Nguyễn Tấn Dũng và phe công an đang cai trị đảng và nhà nước giải thích trọn vẹn tại sao CSVN lại phản ứng quá yếu hèn đối với những xâm chiếm trắng trợn của CSTQ.

 

Trung Quốc và VIỆT NAM trong thế chiến lược toàn cầu:

 

Vì được lãnh đạo bởi những công an hèn nhát, người CSVN chưa bao giờ có hùng tâm tráng chí và viễn kiến để ý thức một cách trọn vẹn hiểm họa TQ đối với VIỆT NAM. Từ ngàn xưa VIỆT NAM đã là mục tiêu quan trọng nhất của TQ chứ không phải là Nhật Bổn, Ðại Hàn hoặc Nga Sô.

 

Nhật Bổn hoặc họa Ðông Di đối với người TQ lúc xưa chỉ là những đám hải tặc quấy phá và cướp bóc tại những vùng duyên hải, khi thiên triều yếu thế. Họa Ðông Di chưa bao giờ đủ khả năng xâm chiếm TQ cả. Hơn nữa Nhật Bổn chỉ là một quần đảo nhỏ, so với vùng trung nguyên rộng lớn không đáng vào đâu.

Ðại Hàn hoặc Triều Tiên thì chỉ là một chư hầu, trên một bán đảo không còn lối thoát, chưa hề là một đe dọa lớn hoặc một cơ hội bành trướng rộng rãi cho TQ.

 

Việt Nam thì khác hẳn.

Ðất nước chúng ta nằm trong một vị trí chiến lược quan trọng. Ngay từ xưa chúng ta đã là cữa ngõ cho các thương thuyền duyên hải TQ buôn bán với các quốc gia Nam Á trong đó có Ấn Ðộ, các quốc gia Trung Ðông và Phi Châu. Chính vì thế miền Ðông Dương trong đó có Việt Nam còn có tên là Indo-China.

Hệ luận là nếu khống chế được Việt Nam thì sẽ khống chế được những đường giao thương quốc tế quan trọng nhất.

Ngày hôm nay, vị thế quan trọng này làm cho chúng ta trở thành mục tiêu chính của tham vọng bá quyền TQ. Tóm lại, nếu TQ ngày nào còn nuôi mộng đăng cơ lên ngôi bá chủ vào thế kỷ 21, sánh vai cùng Hoa Kỳ, thì việc kiểm soát toàn bộ Biển Ðông, chiếm giữ Hoàng Sa, Trường Sa và đường thủy lộ thông thương với Ấn Ðộ, vùng Trung Ðông, Phi Châu qua eo biển Malacca là một yếu tố căn bản. TQ không thể đạt được mục tiêu chiến lươc này nếu không khống chế và hoàn toàn vô hiệu hóa VIỆT NAM.

TQ không thể bành trướng về phương bắc vì Nga Sô, tuy suy yếu bây giờ và tiếp tục suy yếu hơn trong tương lai, vẫn là cường quốc quân sự thứ nhì của thế giới với võ khí nguyên tử. Trong tương lai gần và trung hạn thì TQ không có khả năng bắc tiến.

 

Tình hình tại Triều Tiên và Nhật Bổn cũng tương tự. Lý do là cả hai quốc gia này kinh tế và kỹ nghệ phát triển, khả năng quân sự rất cao. Nếu chỉ nói đến võ khí quy ước thì họ vượt lên trên phẩm chất vì võ khí của họ được chế tạo tại Hoa Kỳ. Võ khí TQ phẩm chất thấp hơn vì vốn vay mượn hoặc “copy” từ Nga Sô. Nếu TQ xử dụng võ khí nguyên tử thì Nhật Bổn và Triều Tiên lại được Hoa Kỳ bảo trợ vì nền kinh tế Hoa Kỳ rất lệ thuộc vào hai quốc gia này.

 

Ðối với VIỆT NAM, Trung Quốc ngày hôm nay nguy hiểm hơn Trung Quốc thời xưa gấp bội phần vì các yếu tố sau đây:

 

  1. Tính cách toàn cầu của quyền lực buộc TQ phải thôn tính đàn em VIỆT NAM để tránh một mầm móng đe đọa nguy hiểm nằm cạnh sườn mình, đồng thời cướp lấy tài nguyên để cạnh tranh với các siêu cường khác trên thế giới.
  2. Sự hiện diện của võ khí nguyên tử: Tuy xác xuất sử dụng võ khí nguyên tử rất thấp đối với VIỆT NAM, nhưng sự hiện diện của võ khí nguyên tử trong tay TQ luôn luôn là một đe dọa tâm lý đối với dân tộc và luôn luôn đặt chúng ta vào thế bị động.
  3. Sự băng hoại của đạo đức và văn hóa truyền thống trong xã hội Trung Quốc: Sự kiện này làm cho những lãnh đạo đương thời mất hẳn tính khách quan và sự tự chế trong các chính sách đối ngoại khi tranh chấp với nhũng quốc gia trong khu vực.
  4. Sự hiện diện của một chế độ CS toàn trị (communist absolutism) tại Trung Quốc: một chính quyền toàn trị luôn luôn có khuynh hướng gây ra những tranh chấp và những cuộc chiến bên ngoài, để có thể kêu gọi và lợi dụng lòng ái quốc, tự ái dân tộc và hy vọng rằng dân chúng của họ sẽ vì thế mà quên đi nhân quyền, dân quyền và những bất công xã hội khác.

 

Tuy nhiên trong các yếu tố trên, không yếu tố nào nguy hiểm cho chúng ta bằng yếu tố tư bản tập trung trong tay của người CSTQ.

 

Ðảng CS Trung Quốc đã và sẽ tiếp tục là tụ điểm của một tiến trình tập trung tư bản khôn tiền khoáng hậu trong lịch sử nhân loại, vượt lên trên các nhà tư bản Do Thái, Nữu Ước (Hoa Kỳ) và Luân Ðôn (Anh Quốc) . TQ không ngần ngại xử dụng tài chánh để khuynh loát các nước tây phương (lobby và gián điệp). Các nước nhược tiểu như VIỆT NAM thì càng dễ thao túng gấp trăm lần. Những nhượng bộ liên tục của CSVN về lãnh thổ, lãnh hải và các hiệp ước kinh tế với TQ cho thấy mức độ xâm nhập không những đi vào bộ chính trị CSVN mà còn đi xa xuống các cán bộ hạ tầng cơ sở trong đảng. TQ có đủ tài chánh để nuôi tất cả những thành phần quan trọng trong đảng CSVN miễn là trên thực tế họ có thể biến VIỆT NAM thành một quận huyện của TQ.

 

Các lãnh tụ CSVN đang suy nghĩ rằng, họ có thể tự tung tự tác và bán nước để nhận thù lao hậu hỹ từ TQ. Nếu có biến cố, họ vẫn có thể nương thân sống lưu vong trong xa hoa phú quý tại một nước Trung Hoa hùng mạnh và bất khả xâm phạm. Vấn đề họ không nhìn ra là một khi VIỆT NAM dân chủ hóa thì vận mệnh dân chủ của TQ cũng không còn bao xa như sẽ trình bày sau. Họ cũng sẽ không còn chỗ dung thân trên thế giới bao la này nữa.

 

Dĩ nhiên ai cũng biết ông Hồ Chí Minh và đảng CSVN nợ TQ rất nhiều, về tinh thần lẫn vật chất. Nếu CSTQ không chiến thắng tại TQ năm 1949 thì số phận của ông và CSVN sẽ rất là hẩm hiu. Việt Nam Quốc Dân Ðảng và các đảng phái quốc gia khác đã thống trị chính trường và chiến trường tại VIỆT NAM với sự trợ giúp của Trung Hoa Quốc Dân Ðảng.

Hơn ai hết ông Hồ luôn luôn tự nhận là một học trò tốt của các cụ Lê Nin, Xít Ta Lin và Mao Trạch Ðông. Xác xuất ông Hồ phản bội cụ Mao và TQ rất thấp. Tuy nhiên các đồ đệ của Ông, sau năm 1975, khi đã thống nhất đất nước dưới quyền của đảng CSVN, thì không nhất thiết trung thành với kẻ đã gia ơn cho mình như ông Hồ. Bằng cớ là họ đã ngang nhiên xử dụng Hun Sen để tiêu diệt đồ đệ của TQ là Pol Pot đồng thời tiếm đoạt ảnh hưởng của TQ tại Lào. Lãnh tụ tối cao Ðặng Tiểu Bình ra lệnh cho quân đội nhân dân Trung Quốc dạy cho VIỆT NAM một bài học năm 1979.

Tuy nhiên đó đã là quá khứ xa vời.

 

Từ đó đến nay, nhiều thập niên đã trôi qua. TQ từ một xã hội được nuôi dưỡng bằng ý thức hệ Mác Xít và tư tưởng Mao Trạch Ðông đã được cải tổ sâu rộng và biến thành kinh đô của tư bản đỏ, TQ đã học được bài học rằng sự biết ơn của CSVN không còn vô giới hạn. Chỉ có lòng tham của con người CSVN là vô giới hạn mà thôi.

 

Sau hơn 40 năm cải tổ kinh tế, và với sự làm việc cần cù cố hữu của dân TQ, người CSTQ đã tích tụ một số tư bản khôn tiền khoáng hậu trong lịch sử loài ngươi. Chỉ nói đến số tiền họ đầu tư vào các công phiếu của Hoa Kỳ đã lên trên ngàn tỷ Mỹ Kim. Những tài sản khác dưới quyền quản trị của CSTQ còn nhiều hơn thế nữa.

Trong chiến trường mới tại VN, họ ý thức sâu sắc rằng họ cần phải mua và giới lãnh đạo CSVN sẵn sàng bán quyền lợi đất nước nếu được trả đúng giá. Vấn đề ý thức hệ hoàn toàn không còn chỗ đứng trong tương quan giữa hai tập thể độc tài ngự trị trên hai dân tộc này.

 

Chúng ta phải làm gì?

 

Ðiểm then chốt có tính quyết định cho toàn dân Việt Nam hôm nay là phải thẩm định chính xác mức độ bị TQ mua chuộc của đảng CSVN. Hoặc mức độ chỉ còn tương đối và có thể xoay chiều hoặc mức độ đã quá đà không còn cứu vãn?  Hai mức độ đòi hỏi hai phản ứng khác nhau về Hoàng Sa, Trường Sa, TQ khai thác bốc xít tại Trung phần VIỆT NAM, thềm lục địa và sự vẹn toàn lãnh thổ.

 

Thời hạn sắp đến để CSVN phải chính thức đăng ký thềm lục địa mở rộng là ngày 13 tháng năm 2009 sắp tới. Cho đến giờ CSVN vẫn ởm ờ chưa bạch hóa lập trường của mình. Sự chậm trễ này tự nó đã nói lên sự ươn hèn và vị kỷ của họ và gây nhiều xôn xao bất ổn trong quần chúng. CSVN có những chọn lựa sau đây trước kỳ hạn:

 

  1. Nộp đơn đăng ký nghiêm chỉnh và chấp nhận xung đột với TQ
  2. Không nộp đơn và chấp nhận bán nước cho TQ
  3. Nộp đơn trễ và làm đơn cẩu thả để đơn bị xét là vô hiệu (incompetent). Sau đó vì quá trễ nên không thể nạp đơn khác để thay thế
  4. Nộp một đơn đã mà cả trước với TQ trong đó nhượng bộ cho TQ những điểm chiến lược và trọng yếu

 

Những vấn đề trên là những vấn nạn của đất nước mà nguyên cớ xuất phát từ rất lâu trong lịch sử. Tinh thần lệ thuộc TQ đã có từ thời đại Gia Long lệ thuộc và nọi gương nhà Mãn Thanh cho đến Hồ Chí Minh cam tâm làm đệ tử Mao Trạch Ðông.

Như đã phân tích phần trên, vì là một nước rất lớn có mộng bá quyền, ngoài vấn đề tích cực canh tân kinh tế và hiện đại hóa quân sự quy mô, TQ còn chú trọng rất nhiều vào xây dựng và củng cố vị trí của mình trên phương diện bang giao quốc tế, sau khi đã chiếm chiếc ghế ủy viên thường trưc của Hội đồng Bảo An LHQ.

Mộng bá quyền của TQ không chỉ dừng lại tại Việt Nam. Mộng này bao gồm cả vùng Tây Bá Lợi Á của Nga Sô mà TQ cho là đã bị Liên Xô cướp đi bằng những hiệp ước và mánh khóe bất bình đẳng, nhất là khu vực Thái Bình Dương của Liên Xô bao gồm thành phố Vladivostock bây giờ, trên bờ Thái Bình Dương.

Tuy nhiên trong thời gian trước mắt, với sức mạnh nguyên tử lớn lao của Nga Sô, và với sự ươn hèn của CSVN, nam tiến đối với TQ là cơ hội còn lại và là con đường thênh thang rộng mở.

TQ tính toán rất kỹ bằng cách thuê mướn những học giả có uy tín trên thế giới, ngụy tạo những chứng cớ lịch sử và bênh vực cho lập luận của mình, đem quân lực có sức mạnh áp đảo chiếm toàn bộ Hoàng Sa và một vài đảo nhỏ tại Trường Sa. Ðặt VIỆT NAM vào tình trạng bị động. Ngoài ra TQ còn đầu tư tài chánh và di dân ào ạt vào hai quốc gia thuộc vùng ảnh hưởng của CSVN là Lào và Cam Bốt. Bây giờ các quốc gia này đã trở thành chư hầu TQ, không còn lệ thuộc VIỆT NAM nữa.

Ðiều này làm cho việc nhượng quyền TQ khai thác Bốc Xít tại cao nguyên trung phần mang thêm một ý nghĩa chiến lược quan trọng. Ðó là, một khi TQ đã đầu tư và có quyền lợi kinh tế tại cao nguyên trung phần, nếu CSVN có hành động di hại đến quyền lợi kinh tế của TQ tại vùng cao nguyên này thì TQ có nguyên cớ chính đáng và khả năng quân sự (với sự mặc nhiên đồng thuận của Lào và Cam Bốt) đem quân đánh chiếm cao nguyên trung phần và cắt VIỆT NAM làm hai.

Răng Trường Sơn lúc xưa, theo chiến tranh quy ước, còn là thành lũy tự vệ thiên nhiên. Với vũ khí hiện đại của TQ bây giờ, răng Trường Sơn không có hiệu lực nữa.

 

Trong khi đó thì TQ ngày càng củng cố uy thế quốc tế để trợ lực cho mưu đồ bá quyền của mình. Theo các chuyên gia thì TQ sẽ là quốc gia đầu tiên vượt ra khỏi cuộc khủng hoảng kinh tế vào cuối năm 2009 và sẽ lãnh đạo thế giới vượt khỏi khủng hoảng này vào năm 2010.

 

Nhiều người VIỆT NAM yêu nước lập luận rằng, muốn bảo vệ bờ cõi cần phải bày tỏ một mặt trận thống nhất và đoàn kết, không nên kết án CSVN là phản quốc và dâng hiến bờ cõi cho ngoại bang, đồng thời kêu gọi họ hợp tác với người quốc gia lên tiếng mạnh mẽ về chủ quyền đất nước.

Tuy nhiên thưc tế phũ phàng là CSVN đã quá thiển cận, xem thường hiểm họa TQ từ nhiều thập niên qua, cũng như quá tham quyền cố vị.

Kết quả là trong các giai đoạn ngắn hạn và trung hạn (từ 5 đến 40-50 năm trước mắt) là VN phải chấp nhận không thể lấy lại Hoàng Sa.

Giới lãnh đạo đương kim CSVN ý thức rằng, hoặc là chấp nhận đất nước mất HS hoặc CSVN phải mất quyền lực chính trị mà chưa chắc đã giữ được HS.

Sự chọn lựa của họ rõ rệt. Chỉ còn hy vọng giữ một vài đảo nhỏ của Trường Sa mà thôi.

Khi chúng ta đã ý thức sự thật phũ phàng do CSVN gây ra (và chúng ta cũng như toàn dân bất lực) thì chúng ta phải tập chú vào mục tiêu thực sự của mình, đó là một mặt quyết tâm phản đối TQ xâm chiếm lãnh hải và lãnh thổ VIỆT NAM, mặt khác lợi dụng vấn đề HS-TS- Bốc Xít tại Trung Phần và thềm lục địa, tố cáo trước quần chúng tội bán nước của CSVN, gây chia rẽ tối đa giữa TQ và CSVN, tạo ra làn sóng phản đối trong quần chúng, trong hàng ngũ những cán bộ CSVN tiến bộ, trong giới tướng lãnh CSVN đã chiến đấu trên các chiến trường và đang bị phe nhóm công an của Nguyễn Tấn Dũng chèn ép.

Nếu có chính biến đưa đến sự cáo chung của độc tài đảng trị, đất nước sẽ có một nền dân chủ hiến định, pháp trị và đa nguyên, một cơ hội mới để nhanh chóng canh tân kinh tế nước, hiện đại hóa quốc phòng, xử dụng vũ khí của Hoa Kỳ và các nước tây phương, kể cả chế tạo võ khí nguyên tử, đứng hẳn về khối Tây Phương và Hoa Kỳ trên bình diện quốc phòng, để cân bằng lực lượng với TQ. Từ đó chúng ta mới có cơ hội giành lại lãnh thổ và lãnh hải, tránh được những mưu đồ xâm chiếm tương lai và đóng góp hữu hiệu vào kỷ nguyên mới của nhân loại.

Chúng ta phải ý thức rằng sự vươn dậy của dân tộc Trung Hoa trong thế kỷ 21 là một điều không tránh khỏi và chúng ta không thể và cũng không nên ngăn cản. Ðiều mà chúng ta phải ý thức là quyền lợi lâu dài của đất nước VIỆT NAM không nằm nơi một TQ độc tài đảng trị. Trái lại quyền lợi lâu dài của đất nước VIỆT NAM nằm nơi một TQ dân chủ đa nguyên, biết tôn trọng nhân quyền và dân quyền, hành xử trong phạm vi quốc tế công pháp và biết tự chế.

Trong khung cảnh đó, một nước VIỆT NAM dân chủ đa nguyên, với một nền văn hóa và đạo đức truyền thống phục hưng, sẽ là một căn cứ địa tốt để khai phóng cho dân tộc Trung Hoa khỏi ách độc tài, khôi phục lại bản sắc chân thật của nền văn minh truyền thống.

 

Luật Sư Ðào Tăng Dực

19 April 2009

Trở về trang đầu