Tổng Tuyển Cử Ngày 6 Tháng 5 Năm 2010:

Những Khuyết Ðiểm của Nền Dân Chủ Vương Quốc Anh.

Bài của Luật Sư Ðào Tăng Dực

Cuộc Tổng Tuyển Cử vừa qua tại Vương Quốc Anh (VQA) được bàn tán rất nhiều trên báo chí năm châu bốn bể và sự kiện này có những nguyên nhân chính đáng.

Trước khi đào sâu vấn đề, chúng ta cần ý thức rằng có hai mô thức dân chủ chính hiện hành trên thế giới: tổng thống chế (presidential system) tiêu biểu như tại Hoa Kỳ,  và quốc hội chế,còn gọi là đại nghị chế (parliamentary system hoặc Westminster system),  tiêu biểu như tại VQA.

Then chốt của tổng thống chế là quan điểm tam quyền phân lập của Montesquieu, phân biệt rõ biên giới giữa hành pháp (tổng thống), lập pháp (quốc hội) và tư pháp (tối cao pháp viện và hệ thống tòa án). Then chốt của quốc hội chế là quan điểm quyền lực tối cao của quốc hội (supremacy of parliament) trên nguyên tắc, bao trùm cả hành pháp, lập pháp và tư pháp. Tuy nhiên trên thực tế tư pháp độc lập không kém gì tổng thống chế.

Từ hai mô thức chính nêu trên, chúng ta thấy có nhiều mô thức dung hợp hai mô thức trên, áp dụng cho các quốc gia khác nhau, tùy theo hoàn cảnh chính trị mỗi nước. Tiêu biểu nhất là mô thức dung hòa tại Pháp hiện hành, mà người Pháp gọi là “sống chung” (cohabitation) có cả Tổng Thống được dân bầu trực tiếp với một số quyền hành pháp, và Thủ Tướng với nội các đến từ quốc hội có những quyền hành pháp còn lại.

Khi chúng ta nghiên cứu về một nền dân chủ chân chính cho đất nước, chúng ta không thể nào không đề cập đến nền dân chủ VQA. Cuộc tổng tuyển cử ngày 6 tháng 5 vừa qua, với những kết quả bất ngờ của nó, là một cơ hội tốt để chúng ta duyệt xét và đáng giá trở lại, những ưu và khuyết điểm, của thể chế dân chủ quốc hội chế hoặc đại nghị chế “mẫu mực” này.

Trước hết, để tránh những ngộ nhận căn bản, chúng ta phải định nghĩa thế nào là Vương Quốc Anh. Vương Quốc Anh (United Kingdom) bao gồm các nước sau đây: nước Anh (England), Scotland (Tô Cách Lan), Wales và Bắc Ái Nhĩ Lan (Northern Ireland). Muốn hiểu tường tận nền chính trị VQA, chúng ta phải cẩn thận phân biệt các thực thể chính trị sau đây:

Nước Anh (England) là nước lớn nhất và trụ cột của VQA dân số hiện nay khoảng 52 triệu.

Nước Tô Cách Lan (Scotland) là nước giáp giới miền bắc của nước Anh dân số khoảng hơn 5 triệu.

Nước Wales nằm miền tây của nước Anh dân số khoảng 3 triệu.

Nước Bắc Ái Nhĩ Lan nằm trên một đảo khác miền bắc của nước Ái Nhĩ Lan dân số khoảng 2 triệu.

Các nước Anh, Tô Cách Lan và Wales họp lại thì được gọi là Great Britain. Cộng thêm Bắc Ái Nhĩ Lan thì gọi là Vương Quốc Anh (United Kingdom) với dân số khoảng 62 triệu.

VQA là một nước tiền tiến và kỷ nghệ phát triển, tổng sản lượng quốc gia đứng hàng thứ 6 trên thế giới, có võ khí nguyên tử, hàng không mẫu hạm và hải quân hùng mạnh.

Thế kỷ 19 là kỷ nguyên của VQA hầu như bá chủ thế giới với những thuộc địa mênh m ông trên khắp quả địa cầu.

Nữ Hoàng Elizabeth II không những  là nữ hoàng của Great Britain và Bắc Ái Nhĩ Lan, mà còn là nữ hoàng của từng nước Anh, Tô Cách Lan, Wales và Bắc Ái Nhĩ Lan. Bà cũng là nữ hoàngcủa 16 thuộc địa nữa của VQA, kể cả là nữ hoàng của Gia Nã Ðại, Úc Ðại Lợi và Tân Tây Lan, cũng như là nữ hoang của mỗi tiểu bang Úc Ðại Lợi.

Dưới cặp mắt của một người bình thường thì trật tự chính trị VQA, và nguyên cả đế quốc Anh thật sự vô cùng phúc tạp và thiếu lý lẽ.

Tuy nhiên, đối với các chính trị gia cũng như người dân VQA, thì hiến pháp bất thành văn của họ, phát xuất từ những truyền thống chính trị ngàn đời lưu lại, những sắc luật khác nhau chồng chất, khắc chế lẫn nhau, tương phản,  tương tùy, luân lưu trong lịch sử, đã trở thành quá quen thuộc, rõ rệt và dễ hiểu không kém gì một bản hiến pháp thành văn rõ rệt như tại Hoa Kỳ hoặc Pháp hoặc bất cứ quốc gia nào khác.

Ðối với họ mặc dầu sống dưới vương quyền trên nguyên tắc, và không có một văn kiện duy nhất nào gọi là hiến pháp dân chủ, nhưng trên thực tế nền dân chủ và những quy luật của nó, đối với họ hợp lý không kém bất cứ nền dân chủ nào trên thế giới.

Thêm vào đó, để làm cho sự việc khó hiểu thêm thì VQA, mặc dầu bao gồm nhiều tiểu quốc như thế, và mỗi tiểu quốc (trừ nước Anh) cũng có một hình thức quốc hội tự trị, nhưng VQA lại là một chế độ chính trị đơn quyền (unitary political system) chứ không phải liên bang (federal political system). Lý do then chốt có lẽ là vì nước lớn nhất là nước Anh (England) không có một quốc hội riêng và các quốc hội tự trị của các tiểu quốc đều phát xuất từ các sắc luật của quốc hội VQA thay vì từ một bản hiến pháp của tiểu quốc liên hệ. Quốc hội của VQA, vốn là quốc hội có đại diện từ 3 nước nhỏ hơn, cũng chính là quốc hội của nước Anh. Vì nước Anh không có quốc hội riêng nên hiện giờ tại nước Anh có nhiều người kêu gọi thành lập một quốc hội riêng của nước Anh cho người dân nước này, giống như quốc hội tại các tiểu quốc khác trong VQA.

Nếu quốc hội VQA là “mẹ để của các quốc hội” (The mother of all parliaments) thì nền dân chủ Anh Quốc là điểm phát xuất hoặc nguồn gốc của các nền dân chủ đương đại của nhân loại.

Một đặc điểm nữa của nền dân chủ Anh Quốc là, tuy trên thực chất là một nền dân chủ, nhưng trên nguyên tắc, đây là một nền quân chủ lập hiến (constitutional monarchy), tức là một chế độ quân chủ với một hiến pháp.

Như đã đề cập phía trên, hiến pháp của Anh Quốc là một bản hiến pháp bất thành văn.

Bất thành văn thật sự không có nghĩa là không có văn kiện gì cả. Chỉ có nghĩa là không có một văn bản duy nhất gọi là bản hiến pháp như tại Hoa Kỳ hoặc các chế độ dân chủ khác mà thôi.

Nhìn qua thì các sự khác biệt căn bản giữa chế độ dân chủ Hoa Kỳ và Anh Quốc có thể được tóm lược như sau.

 Nền dân chủ Hoa Kỳ có các đặc tính:

.Theo tổng thống chế

. Hiến pháp thành văn và

.Tam quyền phân lập

Nền dân chủ Anh Quốc có các đặc tính:

.Theo quốc hội chế (Hoặc đại nghị chế)

.Hiến pháp bất thành văn và

.Không có tam quyền phân lập nhưng có nội các đối lập để tạo thế kềm chế và kiểm sóat chính quyền.

Cuộc tổng tuyển cử ngày 6 tháng 5, 2010 vừa qua nêu ra nhiều vấn nạn mà nền dân chủ VQA cần phải giải quyết.

Những vấn nạn này, trên thực chất, hầu như hoàn toàn tương đồng với những vấn nạn của nền dân chủ Hoa Kỳ và chủ yếu nằm nơi phương thức và luật bầu cử:

Tính đến ngày 10/05/10, trong hạ viện quốc hội gồm 650 ghế, Ðảng Bảo Thủ chiếm được 306 ghế, đảng Lao Ðộng  258 và Ðảng Tự Do Dân Chủ 57 ghế. Có một ghế chưa quyết định và số ghế còn lại rơi vào tay các chính đảng và khuynh hướng chính trị khác. Không có chính đảng nào đạt được số ghế quá bán để thành lập chính quyền (326 ghế) theo truyền thống của quốc hội chế.

 Tuy nhiên đó không phải là vấn đề then chốt trong hệ thống chính trị Anh Quốc.

Vấn đề cốt lõi cần phải cải tổ là:

Ðảng Bảo Thủ được chỉ có 36% số phiếu mà lại thắng 47 % số ghế trong hạ viện quốc hội, Ðảng Lao Ðộng 29% số phiếu mà lại thắng 39.7% số ghế, trong khi Ðảng Tự Do Dân Chủ 23% số phiếu mà chỉ được khoảng 9% số ghế. Rõ ràng là ý dân đã không được thể hiện công bằng và nghiêm chỉnh trong cuộc tổng tuyển cử và giá trị của mỗi là phiếu không bằng nhau.

Khuyết điểm này phát xuất từ chế độ bầu cử xa xưa và cũ kỹ hiện đang xử dụng tại VQA và Hoa Kỳ. Ðó là phương pháp bầu cử ngựa chạy về nhất (first past the post), chỉ cần đa số tương đối trong mỗi đơn vị tranh cử, và tự do đi bầu thay vì bầu cử cưỡng bách.

Các cuộc thăm dò ý kiến gần nhất cho thấy đa số người dân VQA muốn cải tổ chế độ bầu cử để lá phiếu của mỗi người dân có giá trị công bằng và thực tế hơn, qua chế độ bầu cử đại diện theo tỷ lệ (proportional representation) đang áp dụng tại lục địa Âu Châu, Úc Châu và các quốc gia dân chủ tiền tiến khác.

Tuy nhiên, Ðảng Bảo Thủ, trên nguyên tắc, vốn từ lâu không chấp nhận cải tổ này vì họ sẽ mất đi nhiều ưu thế mà họ đang nhận được từ chế độ bầu cử hiện hành. Họ cũng không muốn một tình trạng chính trị trong đó Ðảng Tự Do Dân Chủ sẽ vươn lên và trở thành một thế lực “dựng vua” (king maker) vĩnh viễn trong chính trường Anh Quốc.

Ngoài chế độ bầu cử cũ kỹ của nền dân chủ Anh Quốc thì Viện Quý Tộc (House of Lords) của quốc hội xứ này cũng là một tàn tích của quá khứ cần phải cải tổ. Viện Quý Tộc (VQT) hiện nay bao gồm 736 ghế và là một thành phần bất khả phân ly của Quốc Hội VQA.

Trên nguyên tắc Quốc Hội bao gồm 3 thành phần: Vương Quyền (The Sovereign), Hạ Viện (House of Commons) và Viện Quý Tộc (House of Lords).

Viện Quý Tộc có các nhiệm vụ chính sau đây:

  1. Duyệt xét và thông qua các dự luật, trừ những dự luật liên hệ đến tài chánh (money bills). Tuy nhiên quyền hạn của Viện này giới hạn và viện không thể trì hoãn quá mức các sắc luật từ Hạ Viện. Sau một thời gian, Hạ Viện vẫn có thể thông qua các sắc luật mà không cần Viện Quý Tộc đồng ý.
  2. Thành lập các Ủy Ban Ðặc Trách các vấn đề khác nhau và phúc trình với chính phủ
  3. Trước ngày 1 tháng 10, 2009 thì Viện Quý Tộc gồm các Law Lords là Tối Cao Pháp Viện chung thẩm của VQA. Tuy nhiên sau ngày này thì một Tối Cao Pháp Viện chính thức đã được thành lập để hành xử trách nhiệm này.

Nguyên thủy, các vị quý tộc có đặc quyền ngồi trong VQT bao gồm các nhà quý tộc dân sự (temporal lords) hoặc các nhà quý tộc tôn giáo (spiritual lords) thông thường là các Giám Mục hoặc Tổng Giám Mục của Giáo Hội Anh Giáo. Sau đó, các chính phủ khác nhau được quyền bổ nhiệm các vị quý tộc trọn đời (life peers) thay vì cha truyền con nối trong trường hợp các nhà quý tộc dân sự. Ðây là cơ hội các chính đảng tưởng thưởng cho các “công thần” của đảng mình bằng cách ban bố ân huệ như bổ nhiệm làm “life peer” trong VQT.

Yếu tố cha truyền con nối, hoặc đặc quyền tôn giáo cho các giám mục hoặc tổng giám mục Anh Giáo, hoặc được bổ nhiệm cả đời vì lý do đảng phái đang nắm chính quyền muốn ban bố ân huệ cho cá nhân thuộc phe nhóm của mình, thay vì do dân bầu lên, là những biện minh hùng hồn cho sự giải thể VQT và thành lập một Thượng Viện dân cử tương tự như thượng viện tại các quốc gia dân chủ đương đại.

Các nhà nghiên cứu chính trị thế giới thường cho rằng có hai khuynh hướng cải tổ chính trị cơ bản. Một là đột biến như các cuộc cách mạng Pháp (1789), Trung Quốc (1911) Nga (1917). Hai là tiệm tiến như VQA, Gia Nã Ðại, Úc, Tân Tây Lan. VQA đại diện tiêu biểu cho khuynh hướng thứ hai này.

Khi chúng ta xét kỹ lịch sử nền chính trị VQA, chúng ta nhận thấy rằng, những biến động chính trị tại đây thông thường xảy ra vì những “tai nạn” (accidents) của lịch sử. Tuy không đúng nghĩa là những cuộc cách mạng với một đội ngũ cán bộ và một tư tưởng chính trị có hệ thống, nhưng cũng đủ gây lên những chuyển mình lớn trong lịch sử. Ðiển hình những tai nạn lịch sử bao gồm sự nổi dậy của các nhà quý tộc đưa đến Magna Carta (1215), vua Henry Ðệ Bát ( 1491-1547) cắt đứt liên hệ với Giáo Hội Công Giáo, và sự thành lập Anh Giáo đưa đến xung đột giữa Anh Giáo và Công Giáo tại VQA, cuộc nội chiến (1641-1651) giữa quốc hội và vương quyền đưa đến biến cố vua Charles I bị đưa lên đoạn đầu đài, và sự kiện cuộc bầu cử năm 2010 đưa đến kết quả không một chính đảng nào có đa số quá bán, cũng như nâng vị trí đảng thứ 3 là Tự Do Dân Chủ lên hàng “dựng vua” (king-maker), là một số trong nhiều “tai nạn lịch sử” này.

Từ năm 1974 đến nay, chưa có tình trạng bầu cử tương tự. Chính vì thế nếu Ðảng Tự Do Dân Chủ, dưới sự lãnh đạo của Nick Clegg, biết lèo lái và nắm lấy cơ hội, thì một cuộc cách mạng về phương thức bầu cử sẽ diễn ra, thúc đẩy tiến trình dân chủ hóa và hiện đại hóa hệ thống bầu cử vốn đã quá lỗi thời của Anh Quốc.

Theo hiến pháp thì lực lượng chính trị nào nắm được đa số ghế trong hạ viện sẽ thành lập chính quyền.

Ðảng Bảo Thủ thì cần thành lập một liên minh với đảng Tự Do Dân Chủ mới hội đủ đa số. Trở ngại lớn lao là khoảng cách về khuynh hướng chính trị rất xa cách giữa hai đảng. 

Ðảng Lao Ðộng (với truyền thống chính trị khuynh tả) thì không những cần đảng Tự Do Dân Chủ mà cần luôn cả những đảng phái khác nhỏ hơn, mới hội đủ đa số cần thiết. Tuy nhiên lợi thế của đảng Lao Ðộng là trên bình diện khuynh hướng chính trị, họ có nhiều điểm tương đồng với đảng Tự Do Dân Chủ (vốn là một thực thể chính trị trung tả) hơn là đảng Bảo Thủ (vốn là một thực thể chính trị khuynh hữu).

Truyền thống hiến pháp cũng quy định là chính quyền đương nhiệm của thủ tướng Gordon Brown được cơ hội ưu tiên thành lập chính quyền. Tuy nhiên trở ngại không thể vượt qua được của đảng Lao Ðộng là đảng Tự Do Dân Chủ, dưới sự lãnh đạo của Nick Clegg, quan niệm rằng họ có một trách nhiệm với cử tri là: ưu tiên thương thuyết với chánh đảng nào có nhiều phiếu cử tri nhất. Ðó là đảng Bảo Thủ trong trường hợp này. Chỉ khi nào sự thương thuyết với đảng Bảo Thủ thất bại thì họ mới khởi sự thương thuyết để thành lập chính quyền với đảng Lao Ðộng mà thôi.

Công cuộc thương thuyết với đảng Bảo Thủ thành công. Ðảng Lao Ðộng phải nhường chính quyền. Gordon Brown từ chức thủ tướng. Liên minh các đảng Bảo Thủ và Tự Do Dân Chủ đã thành lập chính quyền và mở đầu một trang sử mới cho chính trị VQA.

Vì khoảng cách khuynh hướng chính trị hữu khuynh của Bảo Thủ và tả khuynh của Tự Do Dân Chủ rất xa, nên hiệp ước liên minh phức tạp và được quy định trong một văn kiện minh thị. Tuy nhiên có 3 điểm chính họ đồng ý:

Trước hết trong nội các sơ khởi có 5 thành viên thuộc đảng Tư Do Dân Chủ và 18 thành viên thuộc Bảo Thủ, vì theo thông lệ Bảo Thủ là senior partner với nhiều ghế hơn trong Hạ Viện, và Tự Do Dân Chủ là junior partner với ít ghế hơn.

Sau đó, Nick Clegg của đảng Tự Do Dân Chủ được bổ nhiệm làm phó Thủ Tướng đặc trách công tác cải tổ hệ thống bầu cử để thay thế hệ thống bầu cử “ngựa chạy về nhất” (first past the post) chỉ cần đa số tương đối trong đơn vị tranh cử như tại VQA và Hoa Kỳ hiện nay. Ðây là một nhượng bộ then chốt của Bảo Thủ để được sự ủng hộ của đảng Tự Do Dân Chủ.

Thứ ba là chính quyền mới sẽ cải tổ và cắt giảm ngân sách để tiết giảm số tiền thâm thủng ngân sách $269 tỷ của chính quyền. Ðây là một sự nhượng bộ của đảng Tự Do Dân Chủ vì cắt giảm ngân sách thông thường ảnh hưởng đến giai cấp lao động, là những người có khuynh hướng ủng hộ cho Tự Do Dân Chủ hoặc Lao Ðộng.

Dĩ nhiên hiệp ước liên minh còn có nhiều điểm quan trọng khác. Tuy nhiên chúng không thuộc phạm vi bài này.

Nhiều bình luận gia cho rằng, liên minh này sẽ không bền vững vì khoảngcách quá xa về khuynh hướng chính trị giữa hai đảng Tự Do Dân Chủ và Bảo Thủ.

Quan điểm đó đúng hay không sẽ hạ hồi phân giải. Trước mắt là chính trường VQA sẽ sinh động và dân chủ hơn trong tương lai nếu hệ thống bầu cử được cải tổ.

Theo quan điểm của tác giả, sự cải tổ phải gồm các yếu tố sau đây nếu muốn thật sự thể hiện ý dân:

  1. Hệ thống bầu cử phải tránh tình trạng “ngựa chạy về nhất” (first past the post) và tránh tình trạng chỉ cần đa số tương đối (relative majority) trong một đơn vị là đắc cử. Ít nhất phải là đa số những củ tri đi bầu (simple majority) trên căn bản 2 đảng ưu tiên (two party preferred basis) như bầu cử tại Hạ Viện Úc Ðại Lợi.
  2. Nếu có thể nên thay thế bằng phương thức bầu cử “đại diện theo tỷ lệ” (proportional representation) như tại phần lớn các nước Âu Châu và tại Thượng Viện Úc Ðại Lợi. Mục đích là phải làm sao số ghế một chính đảng đạt được phải thể hiện chính xác tỷ lệ dân chúng ủng hộ cho đảng ấy. Không thể có tình trạng số phiếu và số ghế chênh lệch vô lý và thiếu công bằng như hiện tại đang xảy ra tại VQA.
  3. Bầu cử phải là cưỡng bách (compulsory voting) và các cơ quan chính quyền chuyên trách về tổ chức bầu cử phải chuẩn bị cho tỷ lệ dân chúng bầu cử đông đảo. Ðiều này tránh tình trạng buồn cười và nguy hiểm đã xảy ra trong cuộc tổng tuyển cử vừa qua tại VQA, khi con số người đi bầu lên đến 80%. Nhân viên quản trị các địa điểm bầu cử không ngờ được tỷ lệ cao như thế. Kết quả là tại một nước phát triển và dân chủ như VQA lại xảy ra tình trạng nhiều người sắp hàng từ sáng đên chiều mà hết giờ không được bầu, hoặc có nhiều người đã vào được phòng phiếu đúng giờ, nhưng nhân viên không còn phiếu cho họ bầu vì số người đi bầu đông hơn dự phóng của chính quyền.
  4. Thượng Viện hoặc Viện Quý Tộc đã lỗi thời và nên thay thế bằng một thượng viện mới, do dân bầu theo đúng tinh thần dân chủ hiện đại.

Sự duy trì Viện Quý Tộc qua suốt lịch sử của mình cho thấy người dân VQA quá bảo thủ và không muốn buông bỏ bất cứ điều gì trong quá khứ. Khuynh hướng này đã duy trì những bất công xã hội không cần thiết. Một hệ thống bầu cử thiếu công bằng, một Viện Quý Tộc, như là một định chế bảo vệ quyền lợi của giai cấp và phe phái, thật sự không có chỗ đứng trong một nền dân chủ hiến định, pháp trị và đa nguyên chân chính.

Hệ thống chính trị căn cứ hoàn toàn trên “tai nạn” và những cơ hội do các “tai nạn” gây ra, không có một quan điểm chỉ đạo rõ rệt nào, liên bang (federal political system) cũng không phải mà đơn quyền (unitary political system) cũng không. Các quốc hội tại mỗi nước đều có những danh xưng khác nhau (Scottish parliament, Northern Ireland Assembly,National Assembly for Wales), quyền lợi và trách nhiệm khác nhau, tùy theo khả năng, đòi hỏi và sự tương nhượng chính trị của các thế lực từng nước, không có một quan điểm phân quyền đồng bộ rõ rệt. Thời điểm của sự hình thành các quốc hội mỗi nước cũng hoàn toàn lệ thuộc vào cơ hội và hoàn cảnh.

Nếu nền dân chủ VQA là kết quả của những “tai nạn lịch sử”, thì sự hình thành của các quốc hội địa phương tại các nước nhỏ trong VQA, là những chứng minh cụ thể của tiến trình dân chủ tiệm tiến của VQA với tất cả những khuyết điểm của nó, so với nền chính trị dân chủ tại Liên Bang Ðức hoặc Cộng Hòa Pháp, hoặc bất cứ một quốc gia tiền tiến nào khác.

 

Luật Sư Ðào Tăng Dực

Sydney ngày 16 tháng 5 năm 2010

 Trở về trang đầu