Tổng Tuyển Cử Ngày 24 Tháng 11 Năm 2007

Tại Úc Ðại Lợi

 

Chương trình Tiếng Nói Phục Hưng Việt Nam (TNPHVN)

Phỏng vấn Luật Sư Ðào Tăng Dực

 

 

Dẫn nhập:

 

 

Ngày 24 Tháng 11 vừa qua, sau một cuộc tổng tuyển cử, Úc Ðại Lợi đã có một chính quyền mới. Để tìm hiểu về cuộc bầu cử này cũng như kết qủa của nó ảnh hưởng như thế nào đối với đời sống của gần 300 nghìn người Việt tỵ nạn tại Úc Châu, Tiếng Nói Phục Hưng Việt Nam, phát thanh từ thủ đô Hoa Thịnh Ðốn, xin mời quí vị thính giả theo dõi cuộc trao đổi của chúng tôi với  LS Ðào Tăng Dực, một người Việt cư ngụ tại Sydney, Úc Châu trong gần 30 năm qua. LS Dực tốt nghiệp Tiến Sĩ Hành Chánh và là luật sư Tối Cao Pháp Viện Úc Ðại Lợi. Ông là Ủy Viên Hội Ðồng Lãnh Ðạo Trung Ương, Tổ Chức Phục Hưng Việt Nam    tác giả nhiều tác phẩm biên khảo về chính trị Anh và Việt Ngữ, trong đó quyển "Dự Thảo Hiến Pháp VN" xuất bản tháng 10 năm 2001.

 

 

 

Thanh Nghi (TN):

 

Xin kính chào Luật sư Ðào Tăng Dực.  Trước hết, xin Ông cho quý thính giả biết tổng quát về cuộc bầu cử ngày 24 Tháng 11 vừa qua tại Úc và kết quả của cuộc bầu cử này?

 

Ls. ÐTD:

 

Chào cô Thanh Nghi.  Trước hết, khác với Hoa Kỳ theo Tổng Thống Chế (presidential system), nước Úc có một nền dân chủ theo Quốc Hội Chế hoặc Ðại Nghị Chế thuộc truyền thống Westminster của Anh Quốc (Westminster Parliamentary system). Nhiệm kỳ của Hạ Viện Quốc Hội là 3 năm. Ðảng phái nào nắm được đa số ghế tại Hạ Viện thì có thể đứng ra thành lập chính quyền. Mặc dầu nhiệm kỳ của mỗi dân biểu Hạ Viện là 3 năm, nhưng nhiệm kỳ của mỗi thượng nghị sĩ của Thượng Viện lại là 6 năm, cứ mỗi cuộc tổng tuyển cử thì bầu trở lại một nửa. Hạ Viện là căn bản của quyền lực chính trị. Tuy nhiên, Thượng Viện là viện duyệt xét các dự luật (house of review). Các dự luật phải thông qua cả 2 viện mới có thể thành luật được.

 

Mặc dầu hiến pháp cho phép thủ tướng được quyền tổ chức tổng tuyển cử vào bất cứ một thời điểm nào thuận tiện trong 3 năm, nhưng lần này cựu thủ tướng John Howard quyết định tổ chức bầu cử vào cuối nhiệm kỳ. Có lẽ vì sau 4 nhiệm kỳ liên tục, kéo dài 11 năm rưỡi, ông cảm thấy cần nhiều thời gian và vận động để tung ra những chính sách mới hầu lấy lòng dân chúng.

 

Tuy nhiên, mặc dầu dưới sự lãnh đạo của ông Howard và Liên Ðảng Tự Do-Quốc Gia, nước Úc đang có một nền kinh tế cực thịnh, ngân sách thặng dư 17.3 tỷ Úc kim và nạn thất nghiệp chỉ còn khoảng 4%.  Ðảng Lao Ðộng, dưới sự lãnh đạo của ông Kevin Rudd đã thắng rất lớn, chiếm đa số trong quốc hội và thành lập chính quyền mới.

 

 

 

TN:

 

Xin Luật sư cho biết “thắng rất lớn” là như thế nào?

 

Ls. ÐTD:

 

Tính đến ngày 25 tháng 11 thì trong Hạ Viện gồm 150 ghế, Ðảng Lao Ðộng được dự đoán sẽ thắng ít nhất 86 ghế và có thể lên đến 90 ghế. Lao Ðộng chỉ cần 76 ghế là có đủ đa số tuyệt đối để thành lập chính quyền. Tuy nhiên điều tệ hại hơn hết, chính ông John Howard bị mất luôn chiếc ghế dân biểu hạ viện của ông, tại đơn vị Bennelong, nơi mà ông đã từng đại diện cho dân chúng suốt 33 năm làm chính trị của mình. Người đánh bại ông là Bà Maxine McKew (một ký giả của Ðài Truyền Hình ABC), bà trở thành tân dân biểu Ðảng Lao Ðộng của đơn vị này.  Chính vì thế Ông Howard sẽ đi vào lịch sử như là vị thủ tướng thứ 2 trong nền chính trị của Úc, bị mất đi chiếc ghế của mình trong một cuộc tổng tuyển cử. Vị thủ tướng đầu tiên mất luôn chiếc ghế của đơn vị mình đại diện là cựu Thủ Tướng Stanley Bruce, trong cuộc tổng tuyển cử năm 1929.

 

TN:

 

Thông thường, một chính quyền rất hiếm khi bị dân chúng lật đổ bằng lá phiếu, khi  chính quyền đó đã quản trị nền kinh tế một cách hiệu năng và đem lại thịnh vượng cho quốc gia. Luật sư có thể cho biết, vì sao chính quyền của liên đảng Tự Do-Quốc Gia, dưới sự lãnh đạo của ông Howard lại thua đậm như thế?

 

Ls. ÐTD:

 

Trong suốt tiến trình của cuộc vận động tranh cử, ông John Howard cũng lập luận như trên. Ông thường nhắc nhở cử tri rằng: sự thịnh vượng kinh tế của quốc gia không phải nhờ vận may mà có, trái lại đó là nhờ vào tài năng quản trị kinh tế của chính ông và cộng sự viên, cũng như “truyền nhân” của ông là Tổng Trưởng Ngân Khố Peter Costello. Ông Howard cảnh cáo dân chúng rằng, thay đổi chính quyền là một việc trọng đại, thay đổi một chính quyền là thay đổi cả bản sắc của một quốc gia. Nếu cử tri cảm thấy chính quyền của ông quản trị kinh tế tốt, thì nên tái bầu cử chính quyền này trở lại. Nếu không nền thịnh vượng của Úc sẽ không bảo đảm với một chính quyền Lao Ðộng. Tuy nhiên người dân Úc đã không chấp nhận lập luận của ông và ông đã thất cử.

 

Theo tôi, ông thất cử vì các lý do chính yếu sau đây:

 

  1. Chính sách quan hệ thợ thuyền và chủ nhân (workplace relations): Nước Úc, từ thủa lập quốc, có một truyền thống rất bình đẳng trong quan hệ giữa những tầng lớp xã hội khác nhau. Cũng chính vì lý do này, giới công nhân được tương đối nhiều quyền lợi, công ăn việc làm bảo đảm và mức lương tối thiểu rất cao, so với các quốc gia phát triển khác. Tuy nhiên từ khi ông Howard lên nắm quyền, chính sách của Liên Ðảng về vấn đề tối quan trọng này đã từ từ thay đổi. Sau cùng ông Howard mệnh danh chính sách mới của ông bằng mỹ từ “work-choices”. Qua mỹ từ này, ông giới hạn khắc khe khả năng của các công nhân, trong việc nhờ nghiệp đoàn thương thuyết tập thể những điều kiện làm việc của công nhân. Ngược lại, mỗi cá nhân phải tự thương thuyết với chủ nhân về điều kiện làm việc của mình. Thêm vào ông lại thông qua các sắc luật, cho phép chủ nhân được rộng quyền sa thải công nhân, hơn là truyền thống lâu đời của Úc. Các cuộc thăm dò dân ý trước ngày bầu cử cho thấy, phần lớn dân chúng không chấp nhận chính sách quan hệ thợ thuyền và chủ nhân thiên lệch này của ông. Dân Úc nghĩ rằng, sau hơn 11 năm nắm quyền, Ông Howard đã cố tình tiêu hủy truyền thống bình đẳng xã hội (egalitarianism) của Úc, và muốn biến nước Úc thành một xã hội do tư bản thống trị như Hoa Kỳ. Ông Kevin Rudd đã nắm bắt ý dân và long trọng hứa là sẽ hủy bỏ work-choices ngay sau khi đắc cử.  

 

  1. Vấn đề môi sinh: Úc không những là một quốc gia mà còn là một lục địa, lại là lục địa khan hiếm nước nhất thế giới. Trong thập niên vừa qua, dân chúng chứng kiến các vùng nông thôn của đất nước bị hạn hán triền miên và đi vào khủng hoảng. Vì vậy, ý thức về bảo vệ môi sinh của người dân rất cao. Ðảng Xanh rất có ảnh hưởng trong thượng viện của Liên Bang Úc.  Khi John Howard không chịu ký hiệp ước Kyoto Protocol về bảo vệ môi sinh, lấy lý do Hoa Kỳ là quốc gia thải nhiều chất độc nhất vào tầng khí quyển, nhưng vẫn không chịu ký, thế nên ông đã mất lòng rất nhiều cử tri. Ðó là chưa kể trong suốt thập niên nắm quyền, ông đã nhiều lần minh thị, bày tỏ sự ngờ vực của ông đối với lời cảnh cáo của các khoa học gia Liên Hiệp Quốc, về trách nhiệm của loài người trong việc hủy hoại môi sinh. Những thay đổi vào giờ chót của ông, như việc trích ra 10 tỷ Úc kim để tái sinh lại hệ thống sông ngòi Murray-Darling, cũng không đủ sức thuyết phục những người Úc quan tâm đến môi sinh.

 

  1. Chọn lựa giữa quá khứ và tương lai: Ông Howard 68 tuổi và Ông Rudd 50 tuổi. Tuy nhiên các cuộc thăm dò dân ý cho biết, dân chúng hoàn toàn không quan tâm đến tuổi già hay tuổi trẻ. Họ đều biết rằng ông Howard lớn tuổi, nhưng sức khỏe rất tốt. Mỗi ngày ông đều “power-walk”, nhiều người trẻ còn thua xa, trí óc ông rất minh mẫn, thậm chí còn minh mẫn đến mức độ ma giáo nữa. Trong khi đó, phe của ông còn đánh tiếng cho báo chí biết rằng, Ông Rudd, cách đây hơn một thập niên, đã phải giải phẫu về tim rồi. Ông Rudd đáp lời và cho biết, mặc dầu vậy ông rất khỏe và thách thức mọi người cùng ông đi bộ đường rừng Kokoda Trail, tại Papua New Guinea. Vấn đề trước mắt dân chúng, là Ông Howard luôn luôn nói về quá khứ huy hoàng tốt đẹp của quốc gia, do ông và Liên Ðảng đem lại. Trong khi đó, Ông Rudd nói về nhu cầu xây dựng một nước Úc mới trong tương lai phải như thế nào. Kết quả, dân chúng Úc quyết định chọn một thủ tướng và một chính đảng, mà họ nghĩ hướng về tương lai.

 

TN:

 

Xin hỏi thêm Ls, ngòai những lý do chính yếu trên còn có những lý do nào khác nữa hay không?

 

Ls. ÐTD:

 

Một số lý do khác cũng góp phần vào sự chiến thắng của Ðảng Lao Ðộng và sự thất bại của Liên Ðảng Tự Do- Quốc Gia như:

 

  1. Một nền giáo dục hiện đại, một hệ thống internet cable vận tốc cao, một xã hội bình đẳng hơn (sau khi hủy bỏ workchoices), một giai cấp lãnh đạo mới với những tư tưởng mới: được Kevin Rudd quảng cáo như là tiêu biểu cho nước Úc của tương lai. Ông chủ trương mỗi học sinh bước vào trung học đệ nhị cấp sẽ được cung cấp một máy điện toán (computer) để hội nhập nhanh chóng vào trào lưu tin học hiện đại. Ông cho rằng hệ thống internet của Úc quá chậm và lỗi thời so với các nước tiên tiến khác. Ông chủ trương bỏ ra 4 tỷ Úc Kim để hiện đại hóa. Mặc dầu không nói ra, mọi người đều hiểu ngầm rằng, trong suốt thập niên vừa qua, Ông Howard đã tạo ra nhiều hố sâu chia cách giữa những người giàu và nghèo trong xã hội. Một trong những chính sách này là chính quyền liên bang bị lên án đã trợ cấp tài chánh quá nhiều (70% ngân sách giáo dục) cho các trường tư thục của giới có tiền dạy cho thiểu số học sinh (30%), trong khi chỉ tài trợ ít tiền (30%) cho các trường công lập dạy cho đa số học sinh (70%). Ông Howard phản biện rằng, sở dĩ ông làm như thế vì các chính quyền tiểu bang (thuộc Ðảng Lao Ðộng) đã trợ cấp quá nhiều cho các trường công lập. Nếu tính tổng cộng sự trợ giúp của cả 2 cấp chính quyền, thì các trường công lẫn tư đều được trợ cấp bằng nhau.

 

  1. Yếu tố “cầm quyền quá lâu” cũng là một lý do quan trọng trong việc ông Howard thất cử. Ông và Liên Ðảng đã cầm quyền quá lâu. Người dân trong một quốc gia dân chủ thật sự như Úc, cảm thấy muốn có sự thay đổi, vì không muốn sự tham quyền cố vị từ bất cứ một chính đảng nào. Trong khi đó Ông Kevin Rudd đã tạo được niềm tin nơi người dân, rằng dưới sự lãnh đạo của ông sẽ không nguy hại đến nền thịnh vượng của quốc gia. Ngoài ra Ông Rudd còn có viễn kiến để nâng vị trí của đất nước họ, vượt lên trên tầm nhìn bảo thủ của ông Howard. Thế nên dân chúng quyết định thay đổi chính quyền.

 

  1. Ngoài những lý do trên, chúng ta còn có thể đánh giá sự thất bại của Ông Howard trên bình diện đạo đức nữa. Úc là một quốc gia được thành lập bởi những người da trắng di dân đến và chiếm đất đai của các thổ dân (Aboriginals). Tuy nhiên khi đến Úc, mặc dầu đã gặp và nhìn thấy đây là một vùng đất có người ở và có chủ nhân, chính quyền thuộc địa Anh Quốc (của những người da trắng) vẫn trắng trợn tuyên ngôn rằng, đây là đất không có người ở (Chủ thuyết Terra Nullius). Kết quả trên phương diện pháp lý, vì là đất trống (nobody’s land) họ chỉ đến và định cư, không cần chiếm hữu của ai và dĩ nhiên không cần trả lại, hoặc bồi thường cho ai cả. Sự kỳ cục vô lý này đã là nền tảng của luật pháp Úc Ðại Lợi, từ khi các tiểu bang được thành lập đến giờ. Mãi đến năm 1992, trong phiên xử Mabo –v- Queensland (No.2), trong một phiên tòa lịch sử, Tối Cao Pháp Viện Úc (High Court of Australia) đã hủy diệt chủ thuyết Terra Nullius và đưa đến sự công nhận trên pháp lý chủ quyền đất đai của người thổ dân Úc. Ông John Howard là một chính trị gia lão luyện, nhưng dưới mắt của nhiều người, sự lão luyện của ông lại thiên về khả năng khai thác lòng vị kỷ, kỳ thị, của một số thành phần trong xã hội đối với những nhóm sắc tộc thiểu số, nhất là thổ dân. Một trong những đòn phép của ông  hầu thắng cử lần này, là gởi quân đội và cảnh sát liên bang vào lãnh thổ Northern Territory, tước quyền tự trị của các nhóm thổ dân, để cứu các trẻ em thổ dân bị xâm phạm tình dục hoặc bị ấu dâm.

 

 

Tuy nhiên phần lớn dân chúng Úc đã nhìn thấy, đến lúc người da trắng phải nhận một phần trách nhiệm đạo đức trước những thổ dân. Kevin Rudd tuyên bố sẽ chính thức xin lỗi các thổ dân, nhất là thế hệ “Stolen Generation” khi họ bị bắt buộc phải rời xa cha mẹ và bị người da trắng đồng hóa.  

 

TN:

 

Thưa, có phải Ông John Howard là một trong những đồng minh trung kiên nhất của Tổng Thống George W. Bush?  Vậy theo Luật Sư, việc ông Howard thất cử có trở ngại gì đến quan hệ bang giao giữa Hoa Kỳ và Úc không?

 

Ls. ÐTD:

 

Ðúng thế, bộ ba: George W. Bush, Tony Blair và John Howard là 3 chàng ngự lâm pháo thủ đầu tiên hăng hái đem quân vào Iraq. Từ đó đến nay, Ông Howard luôn đứng vững lập trường đóng quân tại Iraq và ủng hộ Hoa Kỳ. TT Bush thường gọi Howard là “a man of steel” và coi như bạn chí thân. Tuy nhiên, khi Kevin Rudd đắc cử, Bush đã gọi điện thoại chúc mừng. Tổng thống Indonesia (Susilo Bambang Yudhoyono) cũng vậy. Một trong những lời hứa của Kevin Rudd trong cuộc tranh cử, là sẽ rút quân Úc ra khỏi Iraq trước tháng 8 năm 2008. Tuy nhiên, Úc sẽ rút quân từng giai đoạn sau khi thương thuyết với Hoa Kỳ. Tôi không nghĩ bang giao giữa Hoa Kỳ và Úc sẽ có trở ngại. Lý do là vì Úc và Hoa Kỳ đều là những quốc gia phát triển, có nền dân chủ pháp trị bền vững, có những quan hệ ngoại thương cũng như văn hóa gắn bó.  Tuy tân thủ tướng Kevin Rudd tốt nghiệp đại học về Á Châu Sự Vụ (Asian Studies) và nói thông thạo tiếng phổ thông, ông luôn luôn tuyên bố quan hệ với Hoa Kỳ là một quan hệ tối quan trọng.

 

TN:

 

Luật sư nghĩ rằng các nhà lãnh đạo CSVN có phản ứng gì về kết quả cuộc bầu cử này?

 

Ls. ÐTD:

 

(Cười).  Hình như tôi chưa thấy quý Ông Chủ Tịch nước Nguyễn Minh Triết, Thủ Tướng Nguyễn Tấn Dũng hoặc Tổng Bí Thư đảng CSVN Nông Ðức Mạnh điện thoại cho John Howard để chia buồn, hoặc chúc mừng Kevin Rudd gì cả. Một giả thuyết là các ông cho rằng cả Howard lẫn Rudd đều là những người dại khờ. Nếu họ là Howard thì đã huy động quân đội và công an bắt giam, tống vào trại cải tạo toàn thể đám đối lập Lao Ðộng, là xong. Nếu họ là Rudd thì từ nay sẽ mưu đồ tu chính hiến pháp, thêm vào một điều khoản tương tự như điều 4 hiến pháp, của nước Cộng Hòa Xã Hội Chủ Nghĩa Việt Nam. Nước Úc sẽ độc lập, dân Úc sẽ tự do và hạnh phúc như dân Việt Nam vậy. Lúc đó khỏi cần phải bầu cử theo kiểu Úc làm gì cho tốn kém, chỉ cần làm theo kiểu “đảng cử dân bầu” là văn minh và tiến bộ nhất rồi.

 

Một giả thuyết khác, có thể họ tuy là những nhà độc tài hét ra lửa tại Việt Nam, nhưng trên bình diện quốc tế, khi giao tiếp với quốc trưởng của các quốc gia dân chủ khác trên thế giới, họ chỉ được xem là những tên côn đồ chính trị, lợi dụng sự kiểm soát quân đội và công an để hà hiếp chính dân tộc mình, làm gì có can đảm đối diện với nhân dân mình, trong những cuộc bầu cử dân chủ thật sự đa nguyên đa đảng, có sự giám sát công khai của Liên Hiệp Quốc. Những người có tư cách hạ đẳng như vậy, làm sao có thể ngẩn đầu chân chính đại diện cho dân tộc VN, trước những nhà lãnh đạo thực sự do dân bầu ra như Tổng Thống Bush, Cựu Thủ Tướng Blair, cựu thủ tướng Howard, hoặc tân Thủ Tướng Kevin Rudd được?  Muôn đời họ chỉ làm trò cười cho quốc tế, và làm niềm tủi nhục cho dân tộc Việt Nam.

 

TN:

 

Thay mặt cho chương trình TNPHVN, Thanh Nghi xin cám ơn Luật sư đã dành thời giờ cho cuộc phỏng vấn hôm nay.

 

Ls. ÐTD:

 

Cám ơn Cô Thanh Nghi và xin kính chúc Ban Biên Tập quý đài, quý thính giả một mùa Giáng Sinh vui tươi và một năm mới nhiều may mắn.

Trở về trang đầu