Những Yếu Tố Nền Tảng Hầu Cải Tổ Luật Pháp

Việt Nam

 

Luật Sư Ðào Tăng Dực

 

Pháp trị là một trong 3 yếu tố căn bản của một nền dân chủ hiến định, pháp trị và đa nguyên chân chính. Yếu tính chung của những chế độ độc tài khác nhau là sự vắng bóng của những cơ chế tư pháp công minh, và một truyền thống pháp trị nghiêm chỉnh.

Chính vì thế Ðại Hội lần thứ 17 Hội Luật Gia Dân Chủ Quốc Tế tại Hà Nội với chủ đề “Pháp Luật và Luật Gia Trong Bối Cảnh Toàn Cầu Hóa: Vì Hòa Bình, Phát Triển và Sự Ðộc Lập của Hoạt Ðộng Tư Pháp” từ các ngày 6 đến ngày 10 tháng 6, 2009 là một biến cố cần phải được đánh giá đúng mức.

 

Ðại hội có sự tham dự của Chủ Tịch nước Ông Nguyễn Minh Triết cùng với Phó Thủ Tướng Trương Vĩnh Trọng. Ông Nguyễn Minh Triết có đưa ra một số nhận định như sau trên phương diện chủ trương pháp lý:

 

  1. Bảo tồn văn hóa và đạo đức dân tộc
  2. Tiếp thu các truyền thống pháp lý tiến bộ
  3. Bảo vệ tính độc lập của luật sư

 

Tại đại hội này, Ông Nguyễn Minh Triết khẳng định như sau:

"Trong lĩnh vực pháp lý, Việt Nam chủ trương bảo tồn và phát huy bản sắc văn hóa truyền thống dân tộc và đạo đức xã hội, sẵn sàng tiếp thu kinh nghiệm và pháp lý tiến bộ của các nước, hội nhập với các thể chế pháp lý và thông lệ pháp lý tiến bộ".

Ông cũng đồng thời xác định:

"Trong bối cảnh hội nhập quốc tế, luật sư phải độc lập, tôn trọng sự thật khách quan, tuân thủ Hiến pháp và đạo đức nghề nghiệp".

Một trong những chủ đề được bàn thảo là sự độc lập của hoạt động xét xử.

 

Tuy nhiên, mỉa mai thay, chỉ một vài ngày sau đại hội luật gia nêu trên thì chính bộ máy cầm quyền của Ông Triết đã ra lệnh bắt giam một luật sư Việt Nam tên tuổi, từng bày tỏ lập trường độc lập của mình qua những hoạt động nhân quyền và dân quyền trong lòng chế độ. Ðó là Luật sư Lê Công Ðịnh nguyên phó chủ nhiệm Ðoàn Luật Sư Thành Phố Hồ Chí Minh. LS Ðịnh bị bắt ngày 13 tháng 6, 2009.

Sự kiện một luật sư độc lập như Lê Công Ðịnh bị chính quyền CSVN đàn áp trắng trợn chỉ 1 tuần sau những lời tuyên bố “cao đẹp” của chính Chủ Tịch nhà nước, là một thông điệp minh thị cho toàn dân, tính dối trá và lường gạt của CSVN không hề suy giảm sau nhiều thập niên đổi mới. Giữa Ông Nguyễn Minh Triết và Thủ Tướng Nguyễn Tấn Dũng không hề có sự khác biệt ở khả năng và khuynh hướng lừa đảo.

Không những chúng ta, toàn dân Việt Nam trong nước và dư luận quốc tế còn nhớ cách đây hơn hai năm, Nguyễn Tấn Dũng, có lẽ sau khi đọc vội vàng vài nét về tiểu sử của vị Tổng Thống đầu tiên của Hoa Kỳ là George Washington, đã “noi gương” vị Tổng Thống lừng danh này, tuyên bố:

 

"Tôi yêu nhất, quý nhất là sự trung thực và tôi cũng ghét nhất, giận nhất là sự giả dối."

Trong lịch sử hiện đại, ngay cả trong các quốc gia Tây Phương với một xã hội mở (open society), một nền dân chủ hiến định, pháp trị và đa nguyên chân chính, hệ thống cai trị căn cứ trên tam quyền phân lập, những cuộc bầu cử công khai và nghiêm chỉnh, mà chưa có nhà lãnh đạo nào dám ngang nhiên tự so sánh mình với George Washington trên phương diện đạo đức.

Một “Thủ tướng” Nguyễn Tấn Dũng, trốn chui trốn nhủi đàng sau bộ máy cùm kẹp của công an, không bao giờ dám trực diện đối đầu với nhân dân, trong một cuộc bầu cử công khai, công bằng qua sự giám sát của Liên Hiệp Quốc, mà vẫn công nhiên tuyên bố như thế, thật là …”bất khả tư nghị”.

 

Hiện tượng một mặt tuyên bố chủ trương “bảo vệ tính độc lập của luật sư” vừa được Nguyễn Minh Triết nêu ra, và mặt khác, liền sau đó bắt giũ LS Lê Công Ðịnh, một lần nữa tái xác định bản chất dối gạt và lừa bịp của chế độ.

 

Với hiện trạng đạo đức suy đồi trên đất nước Việt Nam, sau nhiều thập niên dưới sự thống trị của người Cộng Sản, chúng ta đã mất cơ hội xây dựng một truyền thống pháp trị nghiêm chỉnh trong quá khứ. Hiện tại, muốn khởi công xây dựng một truyền thống như thế, điều tiên quyết là phải có một giai cấp lãnh đạo tại thượng tầng cơ sở xã hội, thấm nhuần đạo đức.

 

Ông Nguyễn Minh Triết đề cập đến nhu cầu “bảo tồn văn hóa và đạo đức dân tộc” nhưng chế độ mà Ông đại diện không bao gồm những bản giá trị căn bản của văn hóa và đạo đức truyền thống dân tộc.

 

Ðó là:

1. Quan điểm chính danh, và

2. Quan điểm làm chính trị trong truyền thống chính đạo: thành ý, chính tâm, tu thân, tề gia, trị quốc, bình thiên hạ.

 

Quan điểm chính danh một cách nôm na có nghĩa là danh xưng phải phù hợp (chính) với thực tế. Ðất nước chúng ta đang đảo điên một phần vì sự thiếu vắng yếu tố chính danh này. Có quốc gia nào trên thế giới này lại buồn cười đến mức độ trên tất cả các văn kiện chính thức đều có câu:

 

Cộng Hòa Xã Hội Chủ Nghĩa Việt Nam

Ðộc Lập Tự Do Hạnh Phúc

 

Hai câu trên thiếu yếu tố chính danh vì hoàn toàn không phù hợp với thực tế khách quan. Việt Nam không thể là một chế độ cộng hòa (republic) vì một chế độ cộng hòa giả định một chế độ dân chủ thật sự, do dân chúng bầu lên, trong những cuộc bầu cử công khai, tự do và trong sáng. Một chế độ cộng hòa cũng theo truyền thống tam quyền phân lập và không chỉ có một đảng duy nhất cai trị độc tài, đứng trên và ngoài luật pháp theo điều 4 hiến pháp Việt Nam. Việc xử dụng chữ cộng hòa tại đây nói lên tính cưỡng từ đoạt lý của chế độ.

Cụm từ “xã hội chủ nghĩa” cũng là một sự lường gạt lớn lao khác. Xã hội chủ nghĩa (socialism) là một chủ thuyết mà trọng tâm tập chú vào khuynh hướng tái phân phát của cải (redistribution of wealth), đối đầu với tư bản chủ nghĩa (capitalism) mà trọng tâm tập chú và khuynh hướng tập trung tư bản để  sáng tạo của cải (concentration of wealth with the aim of wealth creation). Tuy nhiên khi nhìn kỹ thực tế thì chúng ta thấy rõ rệt bản chất của xã hội chủ nghĩa tại Việt Nam lại là một sự tập trung tư bản khôn tiền khoáng hậu vào tay một số lãnh tụ chóp bu và bè lũ tham nhũng, tạo ra những bất công xã hội chưa từng có trong lịch sử.

Cụm từ “Ðộc Lập, Tự Do, Hạnh Phúc” lại là một sự mỉa mai trơ trẽn mà chỉ có những người như TT Nguyễn Tấn Dũng mới muối mặt chịu nổi. Một đất nước với một tập đoàn lãnh đạo như một bầy khỉ nhảy múa theo lệnh của chủ nhân Ông tại Bắc Kinh, cam tâm dâng hiến lãnh hải, lãnh địa và tài nguyên quốc gia cho quan thầy Trung Quốc để hưởng bã vinh hoa, mà ngang nhiên xử dụng hai chữ “độc lập”.

Một chế độ độc tài đảng trị đàn áp nhân quyền và dân quyền, không cho phép sự hiện diện của bất cứ một hình thức đối lập hoặc cơ quan báo chí độc lập nào, mà xử dụng hai chữ “tự do”.

Ðất nước nghèo nàn tụt hậu, mặc dầu truyền thống hào hùng đâu kém các nước cùng một truyền thống văn hóa như Ðài Loan, Nam Hàn, Singapore …chính quyền tham nhũng, dân chúng rên xiết cơ hàn, mà vẫn ngang nhiên xử dụng hai chữ “hạnh phúc”.

 

Còn nếu nói đến: thành ý, chính tâm, cách vật, trí tri, tu thân, tề gia, trị quốc, bình thiên hạ, thì tình trạng chính trường Việt Nam càng tệ hại hơn nữa.

Vì thiếu thành ý nên tâm của lãnh đạo không chính, gây nên cảnh trống đánh xuôi, kèn thổi ngược. Một mặt Nguyễn Minh Triết tuyên bố chủ trương một luật sư đoàn độc lập, mặt khác công an giam giữ LS Lê Công Ðịnh, áp đảo tinh thần và buộc Ông phải nhận tội theo điều 88 Bộ Luật Hình Sự.

Vì tâm không chính trực, nên khả năng phân tích (cách vật) các hiện tượng khách quan bị méo mó và khả năng hiểu biết của trí tuệ (trí tri) bị giới hạn trầm trọng. TT NguyễnTấn Dũng đã đánh giá sự thông minh của quần chúng rất thấp và nghĩ rằng nếu so sánh mình với George Washington sẽ được lưu danh hậu thế.

Tuy nhiên ý không thành, tâm không chính, đưa đến sự thiếu vắng trí tuệ, thì làm sao có thể tu thân nghiêm chỉnh, để từ đó tề gia, trị quốc bình thiên hạ được? Kết quả là thượng bất chính, hạ tắc loạn, cả guồng máy lãnh đạo tham nhũng từ trên xuống dưới, trốn chui trốn nhủi lá phiếu trung thực của người dân như đôm đốm trốn mặt trời.

 

Ngoài vấn nạn lớn lao, trên các phương diện văn hóa và đạo đức, thì Ông Nguyễn Minh Triết cũng sẽ không bao giờ tiếp thu được các truyền thống pháp luật tiến bộ, trong khi môi trường luật pháp và chính trị Việt Nam hầu như vắng bóng triệt để quan điểm “vi hiến” và quan điểm đối nghịch “hợp hiến”, cũng như một cơ chế tối cao độc lập (như Tối Cao Pháp Viện trong một nền dân chủ đúng nghĩa) để phán quyết về tính cách hợp hiến hoặc vi hiến của một bộ luật của lập pháp, hoặc một tác động của hành pháp.

Hai quan điểm và cơ chế nêu trên là những điều kiện nền tảng phải có, để phân định ranh giới giữa một bản hiến pháp, vốn là “tổng tư lệnh tối cao thực sự” trong một nền dân chủ chân chính, và những bộ luật của lập pháp, hoặc tác động của hành pháp bình thường.

Nếu hiến pháp là tối cao và hiến pháp quy định những quyền tự do căn bản của người dân, thì những luật lệ và tác động có nguy cơ cướp đi các quyền tự do này phải bị tuyên bố là vi hiến và vô hiệu lực.

Hiến pháp Hoa Kỳ, vốn được công nhận là cha đẻ của các hiến pháp dân chủ thực sự ngày nay, là môi trường đầu tiên phát sanh và nuôi dưỡng các quan điểm chiến lược này. Chính vì thế Thẩm Phán Marshall, chủ tịch Tối Cao Pháp Viện Hoa Kỳ, vào thời buổi sơ khai của hiến pháp, trong phiên xử lừng danh kim cổ Marbury-v-Madison 1803, đã phán như sau:

 

“…Chúng ta không thể dung hòa. Hoặc hiến pháp là luật lệ căn bản và tối thượng, không thể thay đổi bởi những phương thức bình thường, hoặc hiến pháp cũng chỉ như những sắc luật bình thường khác, có thể thay đổi bất cứ lúc nào bởi lập pháp nếu (lập pháp) muốn thay đổi.

Nếu giả thuyết đầu tiên đúng, thì một sắc luật bình thường đi ngược với hiến pháp sẽ (không được công nhận) là luật. Nếu giả thuyết thứ nhì đúng thì các bản hiến pháp thành văn chỉ là những cố gắng phi lý của người dân để giới hạn một quyền lực mà bản chất là một quyền lực vô giới hạn…Bởi vậy văn bản đặc thù của hiến pháp Hoa Kỳ xác định và củng cố cho nguyên tắc, được coi là căn bản của mọi bản hiến pháp thành văn, là bất cứ một điều luật nào đi ngược lại với hiến pháp đều vô hiệu lực, và tất cả các tòa án cũng như những cơ chế chính quyền (department) khác, đều phải tuân theo hiến pháp.”

 

Vì thiếu vắng một quan điểm “vi hiến” tương tự, nên trong khung cảnh Việt Nam một mặt điều 54 hiến pháp quy định:

 

“ Công dân, không phân biệt dân tộc, nam nữ, thành phần xã hội, tín ngưỡng, tôn giáo, trình độ văn hóa, nghề nghiệp, thời hạn cư trú, đủ 18 tuổi trở lên đều có quyền bầu cử và đủ 21 tuổi trở lên có quyền ứng cử vào quốc hội, hội đồng nhân dân theo quy định của luật pháp.”

 

Mặt khác, quốc hội CSVN thông qua “Luật Bầu Cử Ðại Biểu Quốc Hội” trong đó các điều từ 25 đến 36 qui định rõ rệt là Ðoàn Chủ Tịch Ủy Ban Trung Ương Mặt Trận Tổ Quốc Việt Nam (cơ quan ngoại vi của Ðảng CSVN) có tiếng nói quyết định trong việc giới thiệu người ra ứng cử, và chỉ có người được MTTQ giới thiệu mới được ra ứng cử mà thôi.

 

Nếu Việt Nam có một tối cao pháp viện độc lập và một vị thẩm phán như TP Marshall thì ông sẽ phán như sau:

 

“Hiến pháp là luật căn bản và nền tảng. Mọi sắc luật đi ngược lại với tinh thần của hiến pháp đều vi hiến và vô hiệu lực. Các điều khoản từ 25 đến 36 của luật bầu cử đại biểu quốc hội, trên thực tế đã ngang nhiên tước đi quyền tự do ứng cử tuyệt đối của mọi công dân do hiến pháp qui định, bằng cách thêm vào một điều kiện quan trọng không có trong hiến pháp. Ðó là sự cho phép của MTTQ như là một điều kiện tiên quyết, trước khi một công dân có quyền ra tranh cử. Thành ngữ “theo quy định của luật pháp” trong điều 54 hiến pháp chỉ cho phép hành pháp làm luật để chi tiết hóa, thực tế hóa và xiểng dương tinh thần của điều 54. Thành ngữ này không hề cho phép quốc hội ra luật để giới hạn hoặc tước đi quyền ứng cử hiến định của một công dân.”

 

Dĩ nhiên chúng ta chỉ giả định một viễn tượng, và suy đoán lời phán quyết của một TP Marshall Việt Nam, trong một viễn tượng có tính lý thuyết, để am hiểu thêm một vấn nạn pháp lý quan trọng của dân tộc mà thôi. Vấn nạn này trên thực tế tệ hại hơn nhiều vì trong hiến pháp Việt Nam không có sự hiện hữu của bất cứ một cơ chế hoặc tòa án nào độc lập, để phán quyết về tính hợp hiến hay vi hiến của một luật pháp hoặc tác động của hành pháp.

 

Chương 10 của Hiến Pháp từ các điều 126 đến 140 nói đến 2 cơ quan tư pháp tối cao của chế độ. Nhưng Tòa Án Nhân Dân Tối Cao không có thẩm quyền xét tính vi hiến hay hợp hiến. Viện kiểm soát Nhân Dân chỉ giữ vai trò tương đương với một Giám Sát Viện và một Công Tố Viện trong một nước dân chủ thực sự.

Ðiều kỳ lạ và phi lý là điều 114(5) HP trao cho Thủ Tướng (hành pháp) quyền:” đình chỉ việc thi hành những nghị quyết của Hội Ðồng Nhân Dân Tỉnh… trái với hiến pháp, luật và các văn bản của cơ quan nhà nước cấp trên, đồng thời đề nghị Ủy Ban Thường Vụ Quốc Hội bãi bỏ.”

Ngoài ra chiếu theo điều 91(6) thì UBTVQH có quyền bãi bỏ các sai trái của Hội Ðồng Nhân Dân tỉnh.

Tóm lại chỉ có một vài nghị quyết của HÐND tỉnh có thể bị UBTVQH hoặc Thủ Tướng chế tài vì “vi hiến” (trái với hiến pháp), còn cấp Quốc Hội (lập pháp) và Thủ Tướng (hành pháp) thì không có một cơ quan nào chế tài về tính vi hiến cả.

 

Nếu Ông Nguyễn Minh Triết thực tâm muốn cải tổ hệ thống luật pháp và du nhập những trào lưu luật pháp văn minh, thì CSVN bắt buộc phải minh thị hiến định hóa các quan điểm “hợp hiến” và “vi hiến” trong hiến pháp. Ngoài ra họ còn phải tạo ra một cơ quan tư pháp tối cao, độc lập để phán quyết về tính hợp hiến hay vi hiến của những luật pháp do lập pháp đưa ra hoặc những tác động của hành pháp

 

Trong một chế độ pháp trị chân chính, người luật sư giữ một vai trò then chốt vì hai yếu tính đặc thù:

Thứ nhất, mỗi luật sư là thành viên của một luật sư đoàn bao gồm những đồng nghiệp và sinh hoạt theo những lề lối và quy định pháp lý cũng như đạo đức nghề nghiệp pháp định.

Thứ nhì, là tuy một luật sư được các thân chủ trả thù lao và làm việc cho thân chủ của mình, nhưng trên nguyên tắc, lại là luật sư của Tối Cao Pháp Viện chứ không phải của cá nhân thân chủ.

Tuy trên bề mặt, thì hai quan điểm có vẻ xung đột (Luật sư của Tối Cao Pháp Viện hay của thân chủ?) nhưng trên thực tế, lại là đường nét căn bản của quan điểm pháp trị.

Hậu quả pháp trị (khi luật sư là luật sư của TốI Cao Pháp Viện) là luật sư chỉ bảo vệ thân chủ trong vòng cương tỏa của luật pháp chí công vô tư, mà biểu tượng là tối cao pháp viện, vốn là cơ quan tư pháp điển hình. Nếu người luật sư đơn thuần là luật sư của thân chủ trả tiền cho mình, thì chỉ trong một thời gian vận hành ngắn ngủi, luật pháp sẽ mất đi yếu tính chí công vô tư của nó, và xã hội sẽ rơi vào tình cảnh thượng bất chính, hạ tắc loạn của chế độ CSVN hiện nay.

 

Tóm lạI, điều tối cần là: cơ chế hóa một nền tư pháp thật sự độc lập, qua một Tối Cao Pháp Viện hoặc một cơ chế tương tự, đôc lập tuyệt đối với hành pháp và lập pháp, cũng như minh thị trao cho cơ quan này, quyền quyết định tính hợp hiến hoặc vi hiến của một tác động của hành pháp hoặc một sắc luật của lập pháp, và nhất là quy định, trên nguyên tắc cá nhân mỗi luật sư sẽ là luật sư của tòa án, hoặc là tối cao pháp viện, hoặc một tòa thượng thẩm, tùy theo hiến pháp và luật pháp.

 

Thêm vào đó, tính độc lập của một luật sư sẽ được củng cố thêm nếu luật hóa vị trí pháp lý của họ qua tác động xác định mỗi luật sư là luật sư của tòa, không phải của hành pháp, cũng không phải của lập pháp. Vì Tối Cao Pháp Viện tuyệt đối độc lập nên các luật sư và luật sư đoàn sẽ mang theo tính độc lập đó.

Mặt khác, luật sư đoàn, như những tập thể phi chính quyền khác, là một thành phần bất khả phân ly của xã hội dân sự. Hủy bỏ điều 4 Hiến Pháp là một điều tối cần thiết vì chỉ hủy bỏ điều 4 HP mới cởi trói được cho xã hội dân sự. Như đã trình bày trong bài “Ðiều 4HP và mãi quốc cầu vinh”cùng một tác giả, nếu không hủy bỏ điều 4HP thì sẽ không bao giờ có một xã hội dân sự tự do, và hậu quả là sẽ không bao giờ có những luật sư và luật sư đoàn độc lập như Ông Nguyễn Minh Triết nói cả.

 

Dân tộc Việt Nam có thể kỳ vọng gì ở một lãnh tụ Cộng Sản đã từng tuyến bố rằng đối với Ðảng CSVN thì hủy bỏ điều 4HP là tự sát? Chỉ cần nêu ra câu hỏi là chúng ta đã có câu trả lời rồi.

 

Luật Sư Ðào Tăng Dực

Sydney 20 Tháng 6 Năm 2009

Trở về trang đầu