Nhân Quyền và Siêu Cường Chủ Nghĩa

Bài của Luật Sư Ðào Tăng Dực

Tự cổ chí kim, tại các chế độ độc tài thường biện minh cho sự bạo ngược của mình, bằng những cuộc chiến chinh vĩ đại nới rộng lãnh thổ quốc gia, giàn dựng một kẻ thù nguy hiểm để toàn dân tập chú vào, hoặc dùng chiêu bài yêu nước để ức chế quần chúng và mọi thành phần đối lập.

Trong trường hợp của những quốc gia lớn như Liên Bang Xô Viết trước đây, Ðức Quốc Xã dưới thời Hitler và Trung Quốc hôm nay thì, ngoài các biện minh trên, siêu cường chủ nghĩa là một lá bài vô gía, được xử dụng thường xuyên để tước đi những nhân quyền căn bản của người dân.

Nói như thế không có nghĩa là những cường quốc dân chủ như Hoa Kỳ, Anh Quốc và Pháp không có khuynh hướng siêu cường chủ nghĩa.

Các sự kiện lịch sử cận kim cho thấy, đầu thế kỷ 19 có thể gọi là kỷ nguyên của Ðế Quyền Pháp dưới sự thống lãnh của Nã Phá Luân. Hậu bán thế kỷ 19 là kỷ nguyên của Ðế Quốc Anh với hải quân hùng mạnh chinh phục năm châu bốn biển. Thế kỷ 20 là kỷ nguyên của  Hoa Kỳ với binh lực hùng mạnh và được đối trọng bằng một nền dân chủ thực sự.

Có thể nói rằng cuộc cách mạng dành độc lập của Hoa Kỳ (4 tháng 7, 1776) không những đi trước cuộc cách mạng Pháp (14 tháng 7, 1789) 13 năm, mà còn hòan tất một bản hiến pháp thành văn, hiến định hóa những nguyên tắc phân quyền căn bản của nhà triết học chính trị Pháp Montesquieu trong cuốn Vạn Pháp Tinh Lý của ông. Cuộc cách mạng Pháp, tuy thất bại nhưng đi xa hơn trong ý tưởng và quan điểm phân quyền của Montesquieu. Ngòai ra cuộc cách mạng Pháp cũng khắc ghi các nhân quyền căn bản vào bản Tuyên Ngôn về Nhân Quyền và các quyền công dân ngày 26 tháng 8, 1789. Ðáng tiếc là những lạm sát của nhà độc tài Robespierre đã quá đà. Cuộc cách mạng mất đi lẽ sống và cuối cùng bị đế chế Nã Phá Luân thanh toán.

Nã Phá Luân, như tất cả những nhà độc tài chuyên chế trước ông, ý thức một cách sâu sắc rằng, cuộc cách mạng Pháp đã khai phóng trong xã hội những quan điểm dân chủ, nhân quyền và dân quyền nguy hiểm và khó kềm chế. Biện pháp duy nhất là phải dùng binh lực và tài thao lược của mình, chinh phục toàn bộ Âu Châu, tạo ra một đế quốc rộng lớn, và nhất là khơi dậy niềm tự hào về một đế quốc Ðại Pháp khôn tiền khoáng hậu có thể sánh bằng đế quốc La Mã xa xưa tại trời Âu. Những cuộc viễn chinh vĩ đại và lòng tự hào cũng như ái quốc nồng nàn, sẽ là những vũ khí hiệu năng nhất để tước bỏ niềm khao khát nhân quyền và dân quyền mà cuộc cách mạng Pháp 1789 đã khơi mào.

Cuộc cách mạng Pháp bị Nã Phá Luân dập tắt, nhưng lý tưởng nhân quyền của cuộc cách mạng này sống mãi trong tâm thức của giới trí thức Âu Châu, nhất là những sĩ quan trẻ trong quân đội viễn chinh của Nã Phá Luân. Quan điểm nhân quyền sau đó trở thành bảng giá trị then chốt của nhân loại vào thế kỷ 20.

Các nhà độc tài khét tiếng khác như Hitler của Ðức Quốc Xã, Stalin của Liên Bang Xô Viết, Mao Trạch Ðông của Cộng Sản Trung Quốc đều xử dụng những kỷ thuật như thế. Sự kiện CSTQ xân chiếm Hoàng Sa, Trường Sa và lãnh thổ lãnh hải Việt Nam không ra ngoài quy luật này.

Tại Ðông Á, trong đó có Việt Nam, thì nhân quyền (human rights) và những bảng giá trị liên hệ như dân quyền (civil rights), các quyền tự do chính trị (political rights), phụ nữ quyền (women’s rights), quyền các dân tộc thiểu số (ethnic minorities rights) và quyền của các trẻ em (children’s rights) là những quan điểm du nhập từ Tây Phương. Các quan điểm này tác động hai chiều trên nền văn hóa Khổng Mạnh truyền thống.

Một mặt, chúng thách thức trực diện một số bảng giá trị đạo đức và xã hội cứng nhắc của Tống Nho như Tam Cương (Quân Sư Phụ) chẳng hạn: “quân sử thần tử thần bất tử bất trung, phụ sử tử vong tử bất vong bất hiếu”, “hoặc xuất giá tòng phu, phu tử tòng tử”, hoặc: “nhất tự vi sư, bán tự vi sư”.

Dì nhiên chúng ta có thể lập luận rằng, các quan điểm trên thật sự đã quá cổ hũ và không còn ứng dụng trong xã hội Ðông Á nữa. Tuy nhiên, trên thực tế, mặc dầu không còn ảnh hưởng theo nghĩa đen, nhưng ảnh hưởng gián tiếp theo nghĩa bóng vẫn còn đậm nét trong văn hóa dân gian và gây nhiều bất công cho phụ nữ cũng như các trẻ em. Sự thách thức của ý tưởng nhân quyền sẽ dần đà đẩy lui các quan điểm cố chấp của Tống Nho vào dĩ vãng và xã hội sẽ tốt đẹp hơn.

Mặt khác, ý niệm nhân quyền làm sáng tỏ hơn quan điểm “thiên địa vạn vật nhất thể” (nói lên sự bình đẳng siêu hình giữa muôn loài trong hoàn vũ), các giềng mối xã hội truyền thống như “nhân, nghĩa, lễ, trí, tín” (nói lên một trật tự xã hội không căn cứ trên giai cấp cứng nhắc như tại Ấn Ðộ hoăc Tây Phương cùng thời, mà căn cứ trên đạo đức) của Nho Giáo như là một nền minh triết.

Tóm lại quan điểm nhân quyền có tác dụng tẩy trừ những khuyết điểm của nền văn hóa truyền thống và khuếch trương những ưu điểm của nó.

Ðiều đáng tiếc là mặc dầu Liên Hiệp Quốc, trên nguyên tắc, là cơ quan đại diện tối cao của nhân lọai để phát huy và thực thi bản Tuyên Ngôn Quốc Tế Nhân Quyền. Nhưng mãi đến nay, cơ quan này hoàn toàn bất lực trước những bạo quyền có thế lực.

Trong kỷ nguyên 21, chúng ta sẽ nhìn thấy hai hiện tượng lớn phát sinh.

Hiện tượng thứ nhất là chúng ta sẽ nhìn thấy những cải tổ sâu rộng về cấu trúc của Liên Hiệp Quốc, hầu thể hiện trật tự mới trên thế giới (New World Order). Trật tự mới này sẽ tái phối trí tương quan quyền lực giữa các siêu cường với sự trổi dậy của Trung Hoa, Ấn Ðộ và ở một mức độ giới hạn hơn Nhật Bản, Ba Tây và Nam Dương. Chúng ta sẽ nhìn thấy sự thoái bộ tương đối của các cường quốc thuộc địa xưa như Anh, Pháp, Ðức và Nga Sô.

Hoa kỳ sẽ giữ vững vị trí hàng đầu, nhưng sẽ phải chia xẻ nhiều hơn với Trung Quốc và Ấn Ðộ. Các cơ cấu bảo thủ của LHQ như Hội Ðồng Bảo An, vốn được giàn dựng để bảo vệ quyền lợi vị kỷ của các quốc gia chiến thắng trong Ðệ Nhị Thế Chiến như Hoa Kỳ, Anh, Pháp, Nga và Trung Hoa, sẽ được cải tổ sâu rộng để phản ảnh trung thực hơn trật tự mới của kỷ nguyên này và sự vươn lên của các quốc gia đang phát triển. Ðại Hội Ðồng LHQ cũng sẽ có nhiều quyền hạn hơn, để tuyên dương và thực thi các chỉ tiêu sáng lập của hiến chương LHQ.

Hiện tượng thứ nhì là, với kỷ nguyên mới, trong từng quốc gia, kể cả các quốc gia cộng sản còn sót lại, sẽ có một sự tái phối trí sâu rộng tương quan quyền lực giữa những thành tố của xã hội dân sự (civil society) và chính quyền (the state). Các chính quyền độc tài sẽ phải cáo chung và chúng ta sẽ chứng kiến tại Trung Hoa, Việt Nam và Bắc Hàn sự thăng hoa và ngự trị của nhân quyền qua quan điểm dân chủ hiến định, pháp trị và đa nguyên.

Tương quan giữa hai hiện tượng này vô cùng quan trọng cho các dân tộc Ðông Á. Lý do là vì với sự tái phối trí tương quan quyền lực giữa các quốc gia trên thế giới, sức mạnh hầu như không kềm chế của Trung Hoa, trên cả hai phương diện kinh tế lẫn quân sự, sẽ là nỗi kinh hoàng của các nước lân bang, trong đó có Việt Nam.

Chỉ có sự thăng hoa và ngự trị của ý niệm nhân quyền qua quan điểm dân chủ hiến định, pháp trị và đa nguyên, không những trong lòng của các dân tộc bên lề Trung Hoa, mà trong từng cấu trúc của chính quyền và xã hội dân sự Trung Hoa, mới kềm chế được khuynh hướng siêu cường quá độ, điên rồ và đưa đến chiến tranh.

Vì thế, sự cộng sinh giữa trật tự thế giới mới và một quan điểm dân chủ chân chính là yếu tố tối cần cho hòa bình của thế giới. Ðông Á lúc đó sẽ như Cộng Ðồng Âu Châu (European Union), bao gồm một cộng đồng các quốc gia không phân biệt lớn nhỏ, sinh hoạt hài hòa, tôn trọng nhân quyền, lãnh thổ và quyền tự quyết dân tộc của mỗi quốc gia.

Tại Âu Châu, chúng ta nhận thấy sự cộng sinh hài hòa giữa các cường quốc có võ khí nguyên tử như Pháp và Anh, hoặc các cường quốc kinh tế như Ðức và Ý, bên cạnh các tiểu quốc mà toàn thể lãnh thổ còn nhỏ hơn một quận, tỉnh hoặc thành phố bình thường như Luxumburg, Lichtenstein, Monaco.

Lý do là vì nhân quyền đã thấm nhuần tâm thức của người dân từng quốc gia lớn nhỏ, kể cả các cá nhân và định chế của chính quyền, vượt lên trên biên giới quốc gia, kềm hãm được những khuynh hướng quốc gia quá khích và khuynh hướng siêu cường chủ nghĩa điên rồ.

Hiện tình tại Ðông Á là một thử thách lớn lao cho các dân tộc liên hệ, kể cả dân tộc Trung Hoa.

Theo lịch sử, các dân tộc Nhât Bản, Ðại Hàn và Việt Nam chỉ thịnh trị và tránh được hiểm họa của “thiên triều” khi giềng mối xã hội, kinh tế và binh lực trội hơn Trung Quốc. Ngày hôm nay, Nam Hàn và Nhật Bản đã vượt trội Trung Quốc. Chỉ còn Việt Nam là rơi vào tình trạng nguy hiểm. Mặc cảm tôi đòi và nhất là ảo giác của Ông Hồ Chí Minh, cũng như những thế hệ đàn em của ông, trong đảng CSVN hiện giờ, về “người đàn anh xã hội chủ nghĩa phương bắc” là tai họa lớn nhất của toàn dân.

Chế độ Stalinist tại Bắc Hàn là một ngoại lệ. Tuy nhiên, một phần lý do CSVN không dám tách rời khỏi CSTQ, mặc dầu phải trả giá bằng lãnh thổ và lãnh hải của tiền nhân, là vì trên thực tế, sự sống còn của chế độ CSVN hoàn toàn lệ thuộc vào sự sống còn của CSTQ. Nếu CSTQ sụp đổ thì CSVN cũng sẽ cáo chung trong một thời gian rất ngắn, nếu không nói là lập tức.

Nói như thế không có nghĩa là sự sụp đổ của CSVN không có xác xuất kéo theo sự sụp đổ của đàn anh CSTQ. Tuy điều này không phải là một khẳng định, nhưng vẫn có xác xuất cao. Nếu CSVN sụp đổ thì CSTQ sẽ trở nên vô cùng lẻ loi và tiến trình dân chủ hóa sẽ có cơ hội phát sinh nhanh chóng. Các cứ điểm của ý niệm dân chủ đã hiện diện từ lâu và có thực lực tại Trung Quốc hơn tại Việt Nam nhiều như Ðài Loan, Hồng Kông và một cộng đồng hải ngoại từ 40 đến 60 triệu người. Việc Trung Quốc dân chủ hóa trước Việt Nam cũng là một hiện tượng khả thi.

Nhân loại đang đối diện với một kỷ nguyên mới đầy hiểm nguy và thử thách. Trách nhiệm dân chủ hóa và phát huy quan điểm nhân quyền đến Việt Nam, Trung Quốc và toàn cõi Ðông Á không phải chỉ thuần là trách nhiêm của những người tranh đấu cho tiến trình dân chủ hóa Việt Nam và Trung Quốc. Trái lại là trách nhiêm của toàn thể nhân loại.

Chỉ có một Trung Quốc tôn trọng nhân quyền, sinh hoạt trong một môi trường dân chủ hiến định, pháp trị và đa nguyên, với một xã hội dân sự khai phóng và phồn vinh, mới khắc chế được các khuynh hướng quốc gia quá khích, độc tài phiêu lưu chính trị. Thay vào đó, chính quyền Trung Quốc phải tập chú vào nhân quyền, dân quyền cũng như công bằng xã hội và phúc lợi thực tế của từng người dân. 

Một Trung Quốc dân chủ thực sự, từ trong bản chất, qua những áp lực của lãnh thổ bao la, các sắc dân đa chủng, số người đông đảo, sẽ là một quốc gia có hệ thống chính trị liên bang (federal political system) thay vì đơn quyền (unitary political system). Một thể chế liên bang, với những chính phủ tiểu bang có thực quyền, sẽ tạo ra những trung tâm quyền lực đối trọng và giảm thiểu sự lạm quyền của trung ương.

Ðiều này củng cố cho nhân quyền và dân quyền như là một đối trọng của siêu cường chủ nghĩa, sẽ giúp cho Trung Quốc, như là một cường quốc,  hòa nhịp với cộng đồng các quốc gia Ðông Á và nhân lọai.

Sydney 21 tháng 1 năm 2010

LS Ðào Tăng Dực

Trở về trang đầu