Người Lao Ðộng Việt Nam Tại Mã Lai

Bài Của Luật Sư Ðào Tăng Dực

 

Hiện tượng toàn cầu hóa kinh tế, trên bình diện nguyên tắc, có những yếu tố vô cùng thuận lợi cho giới lao động tại những nước đang phát triển. Nhất là cho những nước đang phát triển mà nhân công có tay nghề như tại Việt Nam. Một mặt, tư bản có thể đổ vốn vào Việt Nam để xử dụng khối lao động tương đối rẻ, trẻ trung và có trình độ kỷ thuật. Mặt khác Việt Nam cũng có thể xuất cảng lao động đến các quốc gia phát triển hơn để đem ngoại tệ về và đồng thời đóng góp vào sự phát triển kinh tế toàn cầu.

VIỆT NAM không phải là quốc gia duy nhất xuất cảng lao động. Nam Dương, Phi Luật Tân, Trung Quốc và nhiều quốc gia đang phát triển khác cũng làm như thế. Vấn đề là chính quyền của quốc gia xuất cảng lao động có tranh đấu với quốc gia nhập cảng lao động, để bảo vệ quyền lợi cho người lao động của xứ mình hay không.

Bài này cho thấy rằng những ưu điểm của toàn cầu hóa chỉ đạt được tối đa khi Việt Nam có một chính quyền dân chủ hiến định, pháp trị và đa nguyên đúng nghĩa. Nếu tiếp tục bị cai trị bỡi một tập đoàn toàn trị và độc đảng như hiện nay, thì sức lao động của người lao động Việt Nam sẽ bị một tập đoàn gồm nhiều thế lực khác nhau, kể cả chính quyền CSVN,  bóc lột quy mô.

Trước hết, Ðảng CSVN, qua những cơ quan nhà nước và công an, bóc lột người lao động với những mánh khóe móc tiền để được cấp thông hành và giấy phép xuất ngoại. Rồi tới các công ty môi giới, đưới ảnh hưởng mặc thị hoặc minh thị của các cán bộ đảng, độc quyền trục lợi để ký kết các hợp đồng cung cấp công nhân cho nước ngòai. Sau cùng là các thế lực tư bản ngoại quốc, qua các công ty chủ sử dụng công nhân thuê mướn nước ngoài, trả giá nhân công rẻ mạc, và vi phạm các điều khỏan luật lao động quốc gia hoặc quốc tế để kiếm thêm lợi nhuận.

Ðể hiểu vấn đề một các cụ thể hơn, và trong giới hạn của vài trang, chúng ta phân tách những chi tiết về một “Hợp Ðồng Ði Làm Việc Có Thời Hạn Tại Malaysia” năm 2007, giữa một công ty Môi Giới Lao Ðộng đăng ký tại tại Việt Nam (CTMG) và một công nhân Việt Nam muốn làm việc tại Mã Lai. Hợp đồng làm việc 3 năm và có thể gia hạn thêm. Vì lý do an ninh, tôi giữ kín tên và địa chỉ cũng như chi tiết cá nhân của người lao động trong hợp đồng, cũng như của CTMG.

Khi phân tách và tìm hiểu về hợp đồng này, chúng ta phải ý thức rằng, hợp đồng này được thành lập theo luật lệ hiện hành tại Việt Nam, dưới sự quản lý nghiêm khắc của đảng cộng sản VIỆT NAM, một tập đoàn tự xưng là “đội tiên phong của giai cấp công nhân VIỆT NAM" theo đúng tinh thần điều 4 hiến pháp mà chúng ta sẽ trích dẫn dưới đây.

Từ đó chúng ta sẽ đánh giá khách quan khả năng và thiện chí của người CSVN trong việc bảo vệ quyền lợi của người lao động VIỆT NAM.

Trong điều 2, đoạn a1 của hợp đồng này, lương cơ bản hàng tháng của người lao động này là 520 Ringits. Tức 20 Ringits mỗi ngày và một tháng làm việc 26 ngày. Mồi US dollar bằng 3.3 Ringits. Có nghĩa là lương hàng tháng là 157.57 USD và mỗi năm là 1891 USD.

Ðiều 2, đoạn a2 hợp đồng còn ghi rõ là “tiền lương hàng tháng được chủ sử dụng lao động trả trực tiếp cho người lao động sau khi trừ đi khoản thuế nhà nước của Malaysia hàng năm theo quy định của chính phủ Malaysia”.

Như thế có nghĩa là số lương 520 Ringit chưa đóng thuế.

Ðiều 2, đoạn a3 ghi các quyền lợi được hưởng như sau:

  1. Nơi ở và điện nước được miễn
  2. Phương tiện di chuyên đi làm và về nhà miễn phí
  3. Vé máy bay về VIỆT NAM nếu không vi phạm kỷ luật
  4. Bảo hiểm y tế và tai nạn lao động
  5. Kiểm tra sức khỏe
  6. Ðược nghỉ phép hàng năm
  7. Nếu tử vong thi hài được chuyển về VIỆT NAM

Tuy có những quyền lợi ghi trên, nhưng khi chúng ta xét toàn bộ giao kèo thì những quyền lợi quá ít oi, trong khi những thiệt thòi rất lớn.

Trong những nghĩa vụ của người lao động, điều 2, đọan b1 có ghi: “Người lao động phải tìm hiểu các đều khoản ghi trong hợp đồng ký với chủ xử dụng lao động và nội quy của công ty Malaysia trước khi bước vào làm việc...”

Ðiều này rất khó khăn cho người lao động. Lý do là vì nếu tại Việt Nam thì tìm đâu ra luật sư để cố vấn cho mình, tìm hiểu một cách nghiêm chỉnh nội dung của giao kèo, trong một quốc gia có 84 triệu dân và chỉ có khoản 20,000 luật sư? Tỷ số như thế quá nhỏ so với các nước Tây Phương. Tại New South Wales chẳng hạn, chúng ta có dân số 7 triệu dân và số luật sư lên đến gần 30,000. Một chế độ độc tài bao giờ cũng muốn giảm thiểu và kiểm soát số luật sư vì sợ quyền lực tuyệt đối của mình bị thách thức.

Nếu tại Mã Lai thì với ngôn ngữ giới hạn và điều kiện làm việc khắc khe, làm sao tìm được cố vấn luật pháp hiệu năng?

Cùng chính vì không có luật sư, hoặc chính quyền của mình, bênh vực quyền lợi nên  điều 2, đọan b3 về nghĩa vụ có ghi: “ Người lao động không được đình công hoặc tham gia đình công. Không được tham gia các hoạt động chính trị hoặc các hoạt động đoàn thể tại Malaysia và không được xúi giục người khác tham gia các hoạt động nêu trên.”

Ðây thật là một bất công lớn lao khi so sánh với các công nhân người Mã Lai bản xứ. Trên xứ của họ, họ có quyền đình công và tham gia các sinh hoạt chính trị. Không có lý do gì buộc người lao động VIỆT NAM tại Mã Lai phải trở thành một giai cấp thấp hơn và không có những quyền tự do này. Chúng ta có quyền nghi ngờ rằng, không những CTMG không bảo vệ quyền lợi người công nhân VIỆT NAM đầy đủ mà chính quyền CSVN còn a tòng với chủ sử dụng lao động tước đoạt một số quyền lợi người lao động để trục lợi. Ngoài ra CSVN còn không muốn người lao động học hỏi và hành xử những quyền tự do lao động nước ngoài, về tranh đấu tại VIỆT NAM trong tương lai.

Ðiều 2 đoạn b4 nghĩa vụ có ghi: “Người lao động cam kết tuyệt đối chấp hành mọi sự phân công của chủ sử dụng, người lao động không được tự ý lựa chọn công việc theo ý muốn”

Ðoạn này thật vô lý. “Cam kết tuyệt đối chấp hành” là một cụm từ vô cùng nguy hiểm. Nếu sự phân công của chủ sử dụng hoàn toàn bất công và vô lý thì sao? CTMG phải có trách nhiệm chăm sóc (duty of care) quyền lợi của những người lao động VIỆT NAM đã ủy thác cho họ. Họ không những đã không hòan thành trách nhiệm đó, mà còn chứng tỏ rằng thiên vị chủ sử dụng rõ ràng trong tương quan giữa chủ sử dụng và người lao động.

Ðiều 2 đoạn b6 nghĩa vụ: “Nếu người lao động tự nguyện bỏ công việc đang làm của mình thì phải có đơn xin thôi việc và phải được sự chấp thuận của chủ sử dụng đồng thời phải được Ðại Sứ Quán VIỆT NAM tại Malaysia chứng thực và người lao động phải chịu chi phí vé máy bay về nước cùng các chi phí khác”.

Ðoạn này chỉ có thể hiện hữu trong nước CHXHCNVN mà thôi. Nếu tại các nước pháp tri và dân chủ thì không thể nào đứng vững. Tại Úc Ðại Lợi thì các giao kèo hoặc hợp đồng phải hợp lý (reasonable) và theo đúng tiêu chuẩn công bằng của các điều khoản sắc luật liên bang hoặc tiểu bang như Contract Review Act (TB), Trade Practices Act (LB), Fair Trading Act (TB). Các quốc gia dân chủ văn minh đều có các sắc luật tương tự. Một điều khoản bất bình đẳng cho người lao động như trên sẽ không có hiệu lực vì khả năng thương thuyết không đồng đều (unequal bargaining power) và đi ngược lại những nguyên tắc công bằng và lẽ phải (basic principles of justice and equity). Việc mất đi quyền rút lại sức lao động của mình, và đòi hỏi phải có sự chấp nhận của người chủ sử dụng mới được rút lại (mà không có cố vấn pháp lý từ một luật sư độc lập), đã là quá bất công rồi, huống hồ là còn có sự chĩa mũi vào để “chứng thực” của Ðại Sứ Quán VIỆT NAM thì thật là quá quắc.

Ðiều 2 đoạn b7 nghĩa vụ: “Các khoản chi phí mà người lao động phải nộp trước khi xuất cảnh như sau:

-          Chi phí môi giới cho phía Malaysia: 350 USD (Công văn hướng dẫn số 3538-LDTBXH-QLLDNN của cục quản lý lao động với nước ngoài ký ngày 15/10/2002)

-          Riêng vé máy bay đi Malaysia, lệ phí VISA, lệ phí sân bay do người lao động tự chi trả

-          Phí quản lý, CTMG tạm thu trước cho quá trình hợp đồng theo nghị định số 81/2003/ND-CP của chính phủ có hiệu lực từ ngày 17/7/2003, là 300 USD

-          Trích trả từ lương cơ bản hang tháng đóng thuế chính phủ Malaysia theo luật lao động Malaysia”

Các đều kiện làm việc giống như các đều kiện làm việc của các nông nô tại Âu Châu thời trung cổ. Thêm vào đó các điều khoản chi phí vừa trả cho CTMG, vé máy bay và chính quyền CSVN bằng đô la Mỹ như trên, thử hỏi một người lao động thấp cổ bé miệng, không am hiểu luật lệ, không thông thạo ngoại ngữ, làm sao có thể sống còn, mà không biến thành nô lệ không công cho tư bản Mã Lai, CTMG và chính quyền CSVN trục lợi.

Thử hỏi với số lương hàng năm là 1891 USD mà phải trả tất cả những chi phí trên, cộng với tiền thuế mỗi năm, thì còn lại bao nhiêu để thực sự giúp đỡ gia đình và thân nhân tại VIỆT NAM.

Trong hoàn cảnh như thế, tập thể người lao động VIỆT NAM hải ngoại chỉ là những kẻ nô lệ làm việc không công, trong một mỏ vàng do CSVN và tay chân của họ quản trị và trục lợi.

Ðiều 2 đoạn b8 nghĩa vụ: “Người lao động cam kết làm việc ở Malaysia cho đến khi hết hạn hợp đồng này. Nếu người lao động tự ý về nước trước thời hạn hoặc bị trục xuất về nước do vi phạm hợp đồng... người lao động phải bồi thường cho chủ sử dụng khoản tiền thuế của chính phủ Malaysia mà chủ sử dụng đã ứng trước (1200 Ringits  một năm) chi phí xin giấy phép làm việc, giấy phép cư trú... và mọi chi phí về nước bao gồm: tiền vé máy bay từ Malaysia về VIỆT NAM và các điều khoản chi phí khác (nếu có) mà không có bất cứ khiếu kiện gì đối với CTMG”.

Ðoạn này bất công cho người lao động. Trước hết chỉ có lợi cho chủ sử dụng và cho CTMG. Chủ sử dụng được lợi vì dù tiền ứng trước đóng thuế cho chính phủ Mã Lai được hoàn trả lại hay không thì họ vẫn được tiền bồi thường. Trên bình diện luật, họ có xác xuất lấy lại tiền thuế ứng trước (hoặc một phần theo tỷ lệ) rất cao, vì lao động không sử dụng hết. Thế nhưng người lao động vẫn phải bồi thường 1200 Ringits và về VIỆT NAM.

Từ VIỆT NAM người lao động thấp cổ bé miệng, từ một quốc gia theo luật rừng, làm sao có thể đòi chủ sử dụng tại Mã Lai số tiền sai biệt. CTMG rất khôn ngoan và người lao động “không có bất cứ khiếu kiện gì đối với CTMG”. Tại VIỆT NAM không những chính quyền CSVN không có luật lệ rõ rệt bảo vệ người lao động, mà các tòa án nhân dân do CSVN chỉ đạo lại tham nhũng bao che cho bè phái, thì làm sao người lao động có thể đòi hỏi sự công bằng.

Tuy nhiên, bất công như thế chưa đủ. CTMG còn muốn bảo vệ quyền lợi vững chãi hơn qua điều 2 đoạn b9 nghĩa vụ: “ Người lao động bỏ trốn khỏi nơi làm việc với bất cứ lý do nào thì thân nhân của người lao động đứng tên trong “Tờ cam kết bảo lãnh” phải bồi thường khoản tiền 15,000,000 đồng cho CTMG bằng phương thức thanh toán trực tiếp không quá 15 ngày kể từ khi nhận được thông báo, và người lao động phải hoàn toàn tự chịu trách nhiệm trước pháp luật và thân thể kể từ ngày giờ bỏ trốn.”

Ngay cả trong trường hợp một người phụ nữ lao động bị cưỡng dâm phải bỏ trốn người chủ sử dụng, đoạn hợp đồng oái ăm này vẫn có hiệu lực pháp lý. Nó nhằm cảnh cáo người lao động rằng nếu không tuyệt đối tuân hành thì thân nhân của họ tại VIỆT NAM sẽ bị trừng phạt thẳng tay.

Một chính quyền độc tài đảng trị, dung túng cho một hệ thống pháp luật ngang ngược như như thế thật khôn tiền khoáng hậu trong lịch sử đất nước.

Từ đó, chúng ta có thể kết luận rằng CSVN chủ trương sử dụng toàn dân VIỆT NAM như là một khối nô lệ khổng lồ để bóc lột và phụng sự cho chế độ. Dưới chế độ là một bè lũ tư bản đỏ sẵn sàn bắt tay với tư bản ngoại quốc, bóc lột tận xương tủy dân đen VIỆT NAM.

Ðiều 2 đoạn b10 nghĩa vụ: “Thời gian làm việc:

  1. Giờ làm việc cơ bản: 8 giờ 1 ngày, 48 giờ 1 tuần
  2. Giờ làm việc thêm sẽ do chủ sử dụng quy định tùy thuộc vào mức độ công việc. Người lao động bắt buộc phải làm thêm theo yêu cầu của chủ sử dụng. Trong trường hợp công ty gặp khó khăn thì người lao động phải chấp nhận làm việc theo nhu cầu thực tế của nhà máy”

Giờ làm việc thông thường trên thế giới từ 35 giờ 1 tuần đến 40 giờ 1 tuần. Làm 48 giờ với số lương thấp tại Mã Lai đã là quá mức. Bị bắt buộc phải làm giờ thêm mà không được từ chối là thêm bất công. Huống hồ hợp đồng không quy định rõ điều kiện làm việc phụ trội thế nào, có lương bỗng hoặc tiền trợ cấp phụ trội hay không, hoặc làm thế nào để định nghĩa là “công ty gặp khó khăn”?

Nói về quyền hạn của CTMG:

Ðiều 3, đoạn  a2. CTMG “Có quyền yêu cầu người lao động bồi thường thiệt hại do vi phạm hợp đồng này hoặc đơn phương chấm dứt hợp đồng, mức độ bồi thường được tính theo quy định hiện hành của nhà nước VIỆT NAM”

Ðiều 3, đoạn a3. CTMG “Ðược khởi kiện với cơ quan pháp luật VIỆT NAM để sử lý các trường hợp vi phạm hợp đồng, vi phạm pháp luật”.

Qua các đoạn a2 và a3 nêu trên, CTMG dựa vào quy định hiện hành của luật VIỆT NAM và dĩ nhiên là hệ thống nhà nước CSVN. Sau khi người lao động bị tước tất cả quyền lợi tại Mã Lai và trở về VIỆT NAM thì sẽ bi guồng máy chính quyền CSVN và luật rừng xã hội chủ nghĩa vây hãm mà không có lối thóat.

Ðiều 4 hiến pháp quy định rõ:

““Ðảng Cộng Sản Việt Nam, đội tiên phong của giai cấp công nhân Việt Nam, đại biểu trung thành quyền lợi của giai cấp công nhân, nhân dân lao động và của cả dân tộc, theo chủ nghĩa Mác- Lenin và tư tưởng Hồ Chí Minh, là lực lương lãnh đạo nhà nước và xã hội…”

 

Nếu người CSVN còn một chút lương tri thì phải lập tức hủy bỏ điều 4 Hiến Pháp hiện hành vì họ đã hoàn toàn phản bội giai cấp công nhân VIỆT NAM , nhân dân lao động và cả dân tộc việt nam. Ðã đến lúc người CSVN hủy bỏ điều 4 hiến pháp, chấp nhân dân chủ đa nguyên, trả lại tự do và nhân phẩm cho dân tộc và nhất là người lao động Việt Nam.

Ngày nào Ðảng CSVN còn nắm quyền cai trị độc tài trên đất nước thì ngày đó số phận của toàn dân và nhất là người lao động Việt Nam còn quá hẩm hiu.

Sydney 21 March 2010

Luật Sư Ðào Tăng Dực

Trở về trang đầu