Bầu Cử Úc Ðại Lợi 21 tháng 8, 2010:

Sự Vận Hành của Chế Ðộ Dân Chủ Ðại Nghị

 

Bài của Luật Sư Ðào Tăng Dực

 

Cuộc tổng tuyển cử liên bang Úc Ðại Lợi vừa qua trở thành tin tức hàng đầu trên khắp năm châu bốn bể. Tin tức về cuộc tranh cử gay go giữa hai chính đảng, là Liên Minh Tự Do-Quốc Gia dưới sự lãnh đạo của lãnh tụ đối lập Ông Tony Abbott, và Ðảng Lao Ðộng Úc dưới sự lãnh đạo của Bà Thủ Tướng Julia Gillard, tranh nhau từng lá phiếu, cũng tạo nên hào hứng cho nhiều quan sát viên chính trị tại Úc cũng như trên trường quốc tế.

Trong thời buổi tin học này, không biết các nhân vật đang lãnh đạo đất nước Việt Nam, như Nông Ðức Mạnh, Nguyễn Tấn Dũng, Nguyễn Minh Triết, Lê Hồng Anh có theo dõi những cuộc bầu cử tương tự tại những quốc gia dân chủ thực sự hay không? Nếu có thì họ có còn tự hào rằng nền dân chủ xã hội chủ nghĩa của họ có còn siêu việt hơn các quốc gia Tây Phương? Và không biết họ có cảm thấy xấu hổ với lương tâm và vong linh của các tiền nhân đã dựng nước và giữ nước hay không?

Các câu hỏi nêu ra, nhưng thật sự chỉ nêu ra trên nguyên tắc. Các câu trả lời, nhất là trả lời cho câu hỏi chót, thì toàn dân Việt đã có từ lâu.

Trước hết chúng ta nói sơ qua về kết quả đặc thù của cuộc tổng tuyển cử này.

Úc Ðại Lợi theo chế độ dân chủ đại nghị (Westminster system), còn gọi là quốc hội chế (parliamentary system) hoặc nội các chế (cabinet system). Tất cả quyền lực chính trị phát xuất từ quốc hội, nhất là Hạ Viện của Quốc Hội. Thượng Viện là một viện duyệt xét và kiểm soát (House of Review). Một chính đảng nắm được đa số trong hạ viện sẽ được Tổng Toàn Quyền (Governor General), nhân danh Quốc Vương (tức Nữ Hoàng Elizabeth II), mời thành lập chính quyền. Thủ tướng phải là một dân biểu hạ viện. Thượng nghị sĩ không thể làm thủ tướng.

Hạ viện gồm 150 ghế dân biểu đến từ các đơn vị tranh cử khắp nước Úc. Căn cứ trên dân số, tiểu bang đông dân nhất như New South Wales (48 có dân biểu), Victoria (37), Queensland (30), Western Australia (15), South Australia (11), Tasmania (5), Australian Capital Territory (2) và Northern Territory (2). Thượng viện gồm 76 thương nghị sĩ, đại diện cho các tiểu bang và lãnh thổ. Mỗi tiểu bang có 12 thương nghị sĩ, không cần biết dân số nhiều hay ít. Mỗi lãnh thổ, như ACT và Northern Territory, chỉ có 2 thượng nghị sĩ.

Mục tiêu tối hậu của các chính đảng, trong một cuộc bầu cử, là đạt được trong hạ viện số ghế ít nhất là 76 ghế, vốn là đa số tuyệt đối, tức 50% cộng 1. Một chính đảng đạt đến số tối thiểu này coi như thắng trong cuộc tổng tuyểncử.

Thông thường, các cuộc bầu cử tại Úc diễn ra hiệu năng và nhanh chóng vô cùng. Nếu bầu cử vào sáng thứ Bảy, từ 8 giờ sáng đến đóng thùng phiếu 6 giờ chiều, thì khoảng 9 giờ tối đã có kết quả.

 Vấn nạn đang xảy ra cho Úc Ðại Lợi trong cuộc bầu cử vừa qua là bầu cử vào ngày thứ Bảy, nhưng đến sáng thứ Tư tuần sau, trong khi tác gỉa hoàn tất bài này, vẫn chưa có kết quả chính thức. Trường hợp tương tự cuối cùng xẩy ra cách đây đã 70 năm.

Lý do là vì, cho đến hôm nay, chưa có đảng nào đạt được 76 ghế, và các nhà phân tách chính trị cho rằng, hai chính đảng cao lắm cũng chỉ đạt đến 72 hoặc 74 ghế. Ðây gọi là hiện tượng “quốc hội treo” (hung parliament). Thêm vào đó, còn có một yếu tố bất định khác. Ðó là số phiếu chưa được kiểm soát còn rất cao, khoảng 2 triệu phiếu, trong đó có một số phiếu lớn bầu qua bưu điện. Thông thường, nếu kết quả bầu cử chênh lệch thật sự, thì chưa cần tính đến số phiếu này đã biết kết quả thắng thua. Tuy nhiên lần này vì quá sít sao, nên phải chờ đến các phiếu chót mới biết kết quả. Cũng có xác xuất, nhưng rất thấp, là một trong hai chính đảng đạt được đa số 76 ghế. Muốn biết kết quả chính xác, phải chờ có thể đến cuối tuần sau.

Cần phải lưu ý rằng, tuy hiện tượng này rất hiếm hoi ở cấp bực liên bang, nhưng không lạ lung và xảy ra thường xuyên hơn ở cấp bực tiểu bang. Hiện tượng này, gần nhất đã xảy ra tại Tasmania thánh 3 năm 2010 và tại ACT năm 2008.

Nếu kết quả chung kết là một quốc hội treo, thì tiếp theo đây, chúng ta sẽ thảo luận các phương thức giải quyết, để hầu am tường thêm sự vận hành của mô thức chính trị dân chủ này và rút những bài học cho Việt Nam trong tương lai.

Trước hết theo ước lệ (convention), thì chính quyền đương nhiệm của Nữ Thủ Tướng Julia Gillard tiếp tục lãnh đạo cho đến khi kết quả cuộc bầu cử được sáng tỏ hơn. Tuy nhiên, vì trên nguyên tắc đây là một giai đoạn chuyển tiếp, nên chính quyền này chỉ là một chính quyền “quản gia” (care-taker) và không có thẩm quyền đi đến những quyết định hoặc những chính sách quan trọng.

Sau khi có kết quả chính thức do Ủy Ban Bầu Cử Úc Ðại Lợi chứng nhận, đảng nào chiếm được đa số tối thiểu 76 ghế sẽ được Tổng Toàn Quyền mời thành lập chính quyền.

Tuy nhiên, nếu theo dự đoán, không có đảng nào chiếm được đa số, thì Tổng Toàn Quyền trước hết, trên nguyên tắc, sẽ mời Bà Julia Gillard là lãnh tụ đảng cầm quyền và  đương kim thủ tướng thành lập chính quyền. Chính quyền này trên nguyên tắc, sẽ được thử thách trên thềm hạ viện, để xem có được hạ viện tín nhiệm hay không.

Thành ngữ “Hạ viện tín nhiệm hay không” có nghĩa là có sự ủng hộ của ít nhất 76 dân biểu hay không. Nếu có, thì chính quyền sẽ thực sự chấp chánh cho đến khi bị mất đi sự tín nhiệm này.

Chính vì lý do đó, nếu Bà Julia Gillard và đảng Lao Ðộng thấy rằng, họ không vận động được sự ủng hộ của khoảng 4 dân biểu độc lập, để đạt đến con số 76, thì họ có 2 chọn lựa:

Một là, họ có thể xin từ chức và yêu cầu Tổng Toàn Quyền ủy nhiệm cho lãnh tụ đối lập là Tony Abbott đứng ra thành lập chính quyền. Hai là, Bà Julia Gillard, trong vai trò thủ tướng, có thể yêu cầu Tổng Toàn Quyền (TTQ) cho tổ chức bầu cử lần nữa.

Vì Úc là một chế độ dân chủ thực sự, nên tuy trên nguyên tắc Bà Julia Gillard có thể yêu cầu TTQ tổ chức  bầu cử lần nữa, thay vì cho Tony Abbott cơ hội thành lập chính quyền. Tuy nhiên, nếu báo chí, dân chúng biết rằng, Ông Abbott có khả năng vận động các dân biểu độc lập để có đa số 76, thì áp lực trên đảng Lao Ðộng sẽ rất nặng và họ sẽ bị dân chúng “trừng phạt” trong cuộc bầu cử mới. Hơn nữa, TTQ cũng có trách nhiệm tham khảo ý kiến với các luật gia, nhất là Chủ Tịch Tối Cao Pháp Viện, về những sự chọn lựa nào tốt nhất cho quốc gia.

Chính vì thế, thông thường, trong một tình huốn tương tự, thì TTQ sẽ cho lãnh tụ đối lập cơ hội đứng ra thành lập chính quyền. Dĩ nhiên, Ông Tony Abbott cũng chỉ đứng ra nếu ông vận động được sự ủng hộ của các dân biểu độc lập để đạt đến đa số 76. Nếu không được, Ông sẽ không đứng ra thành lập chính quyền để sau đó bị quốc hội bất tín nhiệm, trên thềm Hạ Viện.

Trong trường hợp cả hai chính đảng bất lực thì TTQ sẽ giải tán quốc hội và tổ chức bầu cử lần nữa.

Chính vì những yếu tố nêu trên, về mặt thực tế, cả hai chính đảng phải ráo riết vận động 3 dân biểu độc lập hiện giờ là Tony Windsor (NSW),Rob Oakeshott (NSW), Bob Katter (QlD), và Adam Bandt (Vic) thuộc đảng Xanh. Ngoài ra có thể thêm một dân biểu độc lập từ Tasmania nữa là Andrew Wilkie, tùy theo kết quả kiểm phiếu giai đoạn chót.

Trên nguyên tắc, muốn thành lập một liên minh để nắm chính quyền giữa một chính đảng và những cá nhân, có 3 điều kiện quan trọng:

Trước hết, các dân biểu độc lập hoặc đảng Xanh tham gia, dĩ nhiên là phải đòi hỏi một giá cao cho đơn vị (electorate) hoặc đảng phái họ đại diện. Trong trường hợp 3 dân biểu độc lập, họ đến từ các đơn vị nông thôn của Úc, và sẽ đòi hỏi nhiều quyền lợi cho các vùng nông thôn. Ðảng Xanh thì nhấn mạnh đến môi sinh. Thậm chí nếu cần thiết phải ban phát cho họ các chức vụ quan trọng như Chủ Tịch Quốc Hội, cải tổ các thủ tục quốc hội để các dân biểu độc lập có cơ hội chất vấn chính quyền nhiều hơn, hoặc ghế trong nội các. Ðó là những cái giá cần phải trả để có sự ủng hộ của họ và thành lập chính quyền.

Ngược lại, họ là những dân biểu bên ngoài chính đảng và có quyền hành xử lá phiếu của họ một các tự do. Tuy nhiên có thêm hai điều tối thiểu và tối cần thiết họ phải bảo đảm với đảng nắm quyền:

Ðó là không bao giờ ngăn chận các sắc luật liên hệ đến “ngân khoảng điều hành” (supply), và luôn luôn ủng hộ chính quyền để đánh bại các “đề nghị bất tín nhiệm” (motions of no-confidence) từ phía đối lập.

Thế nào là “ngân khoảng điều hành” (supply)?

Ngân khoảng điều hành (Supply) có nghĩa là những “dự luật cần thiết để chính quyền có thể hoạt động” (bills that are required by the government to carry on its day to day business). Tóm tắc, đây là những dự luật của chính phủ về ngân sách, hoặc những chi tiêu cần thiết cho chính quyền. Nếu không có những ngân khoảng này thì chính quyền không thể hành xử trách nhiệm được. Vì Úc là một thể chế pháp trị, nên không có một khoảng chi thu nào, hoặc tác động nào của chính quyền mà không có một sắc luật làm nền tảng.

Thế nào là đề nghị bất tín nhiệm (motions of no-confidence)?

Ðại nghị chế hoặc quốc hội chế không tuân thủ nguyên tắc tam quyền phân lập của Montesquieu, trong cuốn Van Lý Tinh Pháp, như được áp dụng trong hiến pháp Hoa Kỳ. Nếu có phân chia quyền lực, thì chỉ phân chia quyền lực giữa Lập Pháp và Tư Pháp mà thôi.

Biên giới giữa Hành Pháp và Lập Pháp hầu như không có. Hành Pháp phát xuất từ lập pháp và nguyên tắc tối thương của Quốc Hội (Supremacy of Parliament) là nền tảng của thể chế này.

Tuy không có Tam Quyền Phân Lập, nhưng ngược lại, trong quốc hội chế, có sự hiện diện chính thức của một phe đối lập, luôn luôn chất vấn chính quyền ngay trên thềm quốc hội. Ðối lập như là một cơ chế chính thức làm công việc kiểm soát chính quyền một cách hiệu năng và triệt để, thực thi dân chủ không kém gì trường hợp Tổng Thống Chế.

Tuy nhiên vì tính tối thượng của Quốc Hội, một chính quyền chỉ có thể tiếp tục cai tri, nếu được sự tín nhiệm (confidence) của Quốc Hội. Ðược sự tính nhiệm của quôc hội, nói một cách khác, là có sự ủng hộ của 50% tổng số dân biểu cộng 1, tức 76 dân biểu trong hạ viện.

Một trong những chiến lược của đối lập để lật đổ chính quyền là đưa ra trong quốc hội một đề nghị bất tín nhiệm (motion of no-confiddence). Nếu chính quyền không đủ sự ủng hộ của 76 dân biểu trong Hạ Viện, là coi như bi bất tín nhiệm. Lúc đó chính quyền chỉ còn 2 sự lựa chọn. Một là từ chức để cho đối lập thành lập chính quyền. Hai là yêu cầu TTQ giải tán quốc hội và tổ chức tổng tuyển cử.

Chính vì thế, trong cuộc thương thuyết, các dân biểu độc lập và đảng Xanh phải hứa ủng hộ chính đảng cầm quyền, ủng hô chống lại mọi đề nghị bất tín nhiệm.

Thông thường thì 3 điều then chốt trên sẽ được minh thị nêu ra trong một hiệp ước liên minh chính trị, nhất là hai phương diện ngân khoảng điều hành (supply) và đề nghị bất tín nhiệm (motions of no-confidence).

Theo hiến pháp, tình trạng chính quyền phải được giải quyết khi tân Quốc Hội nhóm họp. Quốc hội mới phải nhóm họp 30 ngày sau khi Ủy Ban Bầu Cử chính thức trao kết quả (return of writs). Trễ nhất là ngày 27 tháng 10, 2010. Có nghĩa là Quốc Hội phải nhóm họp vào khoảng tháng 11. Tuy nhiên diễn tiến sẽ nhanh hơn vì viêc kiểm phiếu sẽ chấm dứt vào khoảng cuối tháng 8. (ABC News)

Vấn đề chúng ta nêu ra tại đây là hiện tượng quốc hội treo có phải là một khuyết điểm của quốc hội chế hay không? Và bài học nào chúng ta có thể rút tỉa được cho đất nước Việt Nam trong tương lai?

Trong nhiều bài viết trước đây, cũng như trong cuốn “Dự Thảo Hiến Pháp Viện Nam Trên Quan Ðiểm Dân Chủ Hiến Ðịnh, Pháp Trị và Ða Nguyên”, tôi có nêu quan điểm rằng một nước Việt Nam trong tương lai nên chọn mô thức Tổng Thống Chế thay vì Quốc Hội Chế. Hoàn cảnh lịch sử cũng như điều kiện chính trị của Việt Nam đòi hỏi như thế vì nhiều lý do.

Theo quan điểm của tôi, quốc hội treo không phải là một khuyết điểm trầm trọng của quốc hội chế, nhất là khi áp dụng cho một nước mới bắt đầu tiến trình dân chủ hóa như Việt Nam.

Hiến pháp của Úc Ðại Lợi cũng như những quy ước về chính trị lâu đời trong nền dân chủ Anh Quốc, vốn từ đó dân chủ Úc phát sinh, sẽ giúp họ giải quyết vấn nạn này tốt đẹp và trong khuôn khổ của luật pháp. Hiện tượng này thật sự chỉ nhuận sắc và làm đậm nét thêm truyền thống dân chủ thực sự của Úc mà thôi.  Dĩ nhiên một hiện tượng tương tự tại Việt Nam có thể tạo ra những bất ổn chính trị vì chúng ta chưa có một truyền thống chính trị sâu dày. Cũng chính vì tình trạng yếu kém về độ dày dân chủ tại Việt Nam, nếu toàn dân quyết định chọn mô thức quốc hội chế, thì những ước lệ về hiến pháp tương tự, phải được minh thị hiến định hóa, trong một bản hiến pháp thành văn, để tránh tình trạng bất ổn tại đất nước chúng ta trong tương lai.

Như đã phân tách phía trên, quốc hội treo không diễn ra thường xuyên. 70 năm qua mới có một lần. Lý do là vì trong cuộc tổng tuyển cử này, một số lớn dân chúng bất mãn với cả 2 đảng lớn, thay nhau cầm quyền và hầu như họ không còn sự chọn lực nào khác ngoài đảng Xanh, một số cá nhân và hành xử quyền bầu bất hợp lệ. Chính vì thế, trong cuộc bầu cử này Ðảng Xanh và các dân biểu độc lập đại thắng, đưa đến tình trạng quốc hội treo.

Ðây là dịp để lãnh tụ 2 chính đảng Lao Ðộng và Liên Ðảng duyệt lại các chính sách của mìng, lắng tai nghe chuyên chú hơn nguyện vọng của người dân. Nếu không, trong cuộc bầu cử tới, cử tri sẽ trừng phạt họ thẳng tay. Ở khía cạnh này thì quốc hội treo là một thắng lợi cho quan điểm dân chủ triệt để.

Không đảng phái nào có thể phản bội lời hứa của mình, một các tương đối dễ dàng, sau khi đắc cử, như họ đã từng làm trong quá khứ.

Một câu hỏi nên đặc ra cho chúng ta là, nếu có dân chủ quốc hội chế tại Việt Nam, thì tình trạng tương tự có xảy ra hay không?

Xin trả lời là, đối với Úc Ðại Lợi đã hiếm hoi như thế, còn đối với một dân tộc thiếu truyền thống sâu dày về dân chủ như Việt Nam, xác xuất đưa đến quốc hội treo còn hiếm hoi hơn gấp bội. Tình trạng trái ngược có xác xuất xảy ra tại Việt Nam hơn. Ðó là Việt Nam sẽ đi đến tình trạng một chính đảng nắm đa số áo đảo nhiều thế hệ. Khá thì sẽ như tình trạng tại Nhật Bản, đảng Dân Chủ Tự Do nắm quyền liên tục trên 50 năm. Tệ hại thì như Tân Gia Ba, gia đình Lý Quang Diệu và Ðảng Nhân Dân Hành Ðộng nắm quyền với đa số thậm áp đảo, không những nhiều thế hệ mà còn cha truyền con nối nực cười.

Vì tính thiếu tự chế của giới lãnh đạo chính trị Tân Gia Ba, không những biên giới phân quyền giữa hành pháp và lập pháp không có (theo truyền thống của quốc hội chế), mà dưới sự lũng đoạn của gia đình họ Lý và đảng Dân Chủ Nhân Dân, nghành tư pháp cũng bị lũng đoạn. Kết quả là quốc hội chế tại TGB chỉ là bề ngoài của một chế độ độc tài độc đảng trá hình.

Trong khi đó, tổng thống chế quy định minh thị tam quyền phân lập. Nếu chúng ta thêm vào đó một hệ thống địa phương phân quyền (vertical decentralisation of power) vững chãi thì dễ dàng ngăn ngừa các khuynh hướng độc tài độc đảng trong tương lai.

Ðó cũng là lý do tại sao, trong quá khứ cũng như hiện tại, các nhà lãnh Ðạo CSVN o bế và tham khảo ý kiến của Lý Quang Diệu, cũng như có một vài thành phần trong đảng CSVN chủ trương trở lại Hiến Pháp 1946 (vốn là một bản hiến pháp quốc hội chế trên bản chất) mà họ cho là hiến Pháp với tư tưởng pháp quyền của Hồ Chí Minh, hầu trì hoãn tiến trình dân chủ hóa trên đất nước Việt Nam.

Sydney 25 Tháng 8, năm 2010

Luật Sư Ðào Tăng Dực

Trở về trang mặt