Tẩy Chay Hàng Trung Quốc

Một Sách Lược Thu Hồi Lãnh Thổ, Lãnh Hải và Dân Chủ Hóa Ðất Nước?


LS Ðào Tăng Dực & Cao Hưng

 

Hầu như chưa có giai đoạn nào trong lịch sử mà dân tộc Việt phải đối diện với những vấn nạn khó khăn đa diện bằng giai đoạn hôm nay.

Nhiều người trong chúng ta cảm thấy tuyệt vọng. Lý do vì Trung Quốc (TQ) quá mạnh, chúng ta quá yếu và Cộng Sản Việt Nam (CSVN) lại cam tâm làm tôi tớ cho ngoại bang.

 

Chúng ta phải giải quyết song hành 2 vấn nạn:

 

-          Làm sao dân chủ hóa đất nước để canh tân nhanh chóng hầu đuổi kịp đà tiến hóa của nhân loại, khi đất nước đã bị độc tài đảng trị làm tụt hậu nhiều thập niên, đồng thời

-          Làm sao thu hồi các phần của lãnh thổ và lãnh hải đã bị CSVN dâng hiến cho Trung Quốc, trong đó có toàn bộ quần đảo Hoàng Sa và một phần quần đảo Trường Sa?

 

Hai vấn nạn nêu trên càng trở nên phức tạp hơn vì những sách lược liên đới và hổ tương của hai chế độ độc tài khắc nghiệt và nham hiểm nhất còn sót lại của nhân loại. Chúng ta có một tình trạng hiếm hoi trong lịch sử là một bên Ðảng CSVN, vì sự hiện hữu của điều 4 hiến pháp, có quyền lực vô giới hạn để tích cực bán nước. Bên kia chúng ta lại có một láng giềng hùng mạnh là Ðảng Cộng Sản Trung Quốc có quyền lực chính trị, và khả năng sử dụng ngân khố quốc gia vô giới hạn và sẵn sàn mua đất nước Việt Nam với giá rất cao.

 

Liệu một chiến dịch rộng rãi để tẩy chay hàng hóa Trung Quốc, mà một số thức gỉa nêu ra trên báo chí, có phải là một biện pháp có hiệu năng hay không?

 

Bài viết này không có khả năng đưa ra một đáp số. Bài viết chỉ chú trọng đến công tác đặc vấn đề hầu rộng đường dư luận. Trước khi đi vào vấn đề, chúng ta cần phân tích chi tiết âm mưu “Hán Hóa” đảng CSVN của CSTQ như sau:

 

Ðảng CSTQ, từ ngày thành lập, nhất là dưới sự lãnh đạo của Mao Trạch Ðông và Ðặng Tiểu Bình đã là một lực lượng chính trị, không những độc lập đối với Ðảng Cộng Sản Liên Xô đương thời, mà còn là một thực thể đấu tranh có nhiều viễn kiến. Ngay từ lúc chưa nắm được chính quyền toàn bộ, còn trốn chạy sự truy bắt của Tướng Tưởng Giới Thạch trong suốt cuộc Vạn Lý Trường Chinh, người CSTQ đã nuôi dưỡng niềm tự hào về dân tộc của mình. Mao Trạch Ðông đã dày công tôi luyện và nhào nặng chủ thuyết Mác Lê cũng như du nhập vào đó những quan điểm triết học của Dịch Lý cũng như Lão Trang, tô son điểm phấn để sau đó người CSTQ có thể tự hào có một hệ thống tư tưởng Mác-Lê-Mao. Người CSTQ ngay từ những giai đoạn long đong khởi thủy đã tạo điều kiện cho sự bành trướng của đế quốc Trung Hoa. Chính nhờ vào viễn kiến này mà nước Mãn Châu, sau khi Nhật Bản thất bại, đã trở thành một tỉnh của Trung Quốc. Nội Mông trở thành lãnh thổ của Trung Quôc và sau đó Trung Quốc thôn tính luôn Tây Tạng. Bây giờ dân tộc Mông Cổ kiêu hùng chỉ còn giữ được miền Ngoại Mông mà thôi.

Giữ được Ngoại Mông một phần vì dân tộc tính khá mạnh của ngườI Mông Cổ, nhưng lý do lớn nhất để dân Mông Cổ không bị xóa tên trên bản đồ thế giới là vì Liên Xô đã nhìn thấy dã tâm của TQ. Liên Xô dùng sức mạnh và uy tín của mình, buộc TQ phải chấp nhận một quốc gia Mông Cổ tại Ngoại Mông như là một trái độn bảo vệ cho Liên Xô.

Cộng Sản Liên Xô (CSLX) ngay từ thủa Lê Nin còn tại vị đã không tin tưởng TQ và CSTQ cũng chẳng tin tưởng CSLX. Những câu sáo ngữ như tình đồng chí, người anh em xã hội chủ nghĩa chỉ là những khẩu hiệu gỉa dối bên ngoài. Không một cá nhân nào trong hai đảng CS đàn anh đủ ngây thơ để tin cả.

Ðiều đại bất hạnh cho dân tộc Việt Nam là Ðảng CSVN thì lại cả tin vào những khẩu hiệu tương tự. Dĩ nhiên, một tập đoàn lão luyện như CSVN làm sao lại có thể ngây thơ như thế? Lý do tương đối đơn giản. Niềm tin của họ phải được chia ra làm 2 giai đoạn:

Giai đoạn thứ nhất từ thủa khai sinh đảng (1930) đến khi CSTQ cho CSVN một bài học để đời (1979). Ðây là giai đoạn điên cuồng say sưa ý thức hệ. Lúc đó CSVN cho rằng người anh em TQ thật sự đối với họ có lòng thương yêu và đùm bọc vô bờ bến. Phạm Văn Ðồng, với sự đồng thuận của Bộ Chính Trị, đã thà trao Hoàng Sa cho CSTQ hơn là để Hoàng Sa dưới quyền quản trị của “bè lũ Mỹ Ngụy” miền Nam. Dĩ nhiên CSVN làm như thế một phần cũng vì quyền lợi của họ gắn bó với sự viện trợ võ khí một phần từ TQ, (phần kia từ Liên Xô).

Giai đoạn thứ nhì từ năm 1979 đến nay. Giai đoạn này tuy vắng bóng ý thức hệ (nhất là sau khi Liên Xô sụp đổ 1991), nhưng lại được thay thế bằng một yếu tố có tiềm năng mạnh hơn ý thức hệ nữa. Ðó là lòng tham không đáy của những đảng viên nồng cốt. Ðảng CSTQ đã sống còn sau biến động Thiên An Môn (1989) và có nhiều sáng kiến để đem đến cho quốc gia họ những bước nhảy vọt về kinh tế. Tham vọng bá quyền nguyên thủy của họ không hề suy giảm và có chiều hướng gia tăng. Một đảng CSVN mất định hướng, lẻ loi và tuyệt vọng là một con mồi béo bở. Ðây cũng là giai đọan mà CSTQ đã tung ra những đòn phép và mánh khóe sáng tạo nhất, để biến CSVN thành một đảng chư hầu và thôn tính những vùng đất và biển của tên đàn em hèn nhát và khờ khạo. Cống phẩm béo bở nhất trong các vùng đất và biển này chính là quần đảo chiến lược Hoàng Sa với nhiều tài nguyên thiên nhiên nằm dưới lòng biển.

Muốn tiến hành sách lược “Hán hóa” CSVN, người CSTQ trước tiên “bảo đảm” sự độc tôn quyền lực chính trị cho CSVN bằng cách “ga răng ti” trên nguyên tắc một chỗ dựa lưng vững mạnh về quân sự lẫn tài chánh.

Sau đó CSTQ mua tòan thể Bộ Chính Trị và Ban Chấp Hành Trung Ương CSVN bằng hiện kim vì, như đã trình bày trong bài xã luận trước đây “Trung Quốc và Việt Nam trong Thế Chiến Lược Toàn Cầu”, TQ đã trở thành tụ điểm của một tiến trình tích tụ tư bản khôn tiền khoáng hậu trong lịch sử nhân loại.

CSTQ đưa ra và chỉ vẽ cho CSVN một mô thức kéo dài quyền lực chính trị bao gồm các yếu tố:

a. Tập thể cai tri và luân phiên cai trị. Mục đích tối hậu là phân chia lợi nhuận quốc gia tương đối đều cho một số lãnh tụ và thế lực nội bộ của đảng, hầu tránh xung đột bên trong. Bao lâu mà nội bộ đảng đoàn kết, ngày đó còn nắm được quyền lực chính trị để tiếp tục bóc lột dân chúng. Tập thể cai tri có hậu quả là Nguyễn Minh Triết và phe nhóm làm chủ tịch nước, Nguyễn Tấn Dũng và phe nhóm làm Thủ Tướng, Nồng Ðức Mạnh và phe nhóm nắm Ðảng, Nguyễn Phú Trọng và phe nhóm nắm Quốc Hội.

Mọi phe nhóm đều có phần và như thế mọi người đều vui vẻ. Sau 65 tuổi thì nhóm này rút lui đển đàn em hoặc con cháu lên. Nhóm sau tuyệt đối bảo vệ thanh danh và quyền lợi nhóm trước. CSVN là một học trò giỏi của CSTQ trên phương diện này.

 

b. Tiêu diệt lòng yêu nước của cả dân tộc: Tuy nhiên long nham hiểm của CSTQ đi xa hơn thế nữa.TQ nhận thức một cách sâu sắc rằng, bao lâu còn người Việt Nam yêu nước thì ngày đó TQ cũng không thể nào thôn tính Việt Nam. Lúc xưa Trung Hoa không thể nào tưởng tượng họ có thể tiêu diệt lòng yêu nước của cả một dân tộc. Tuy nhiên ngày hôm nay, với tính toàn cầu của truyền thông và tin học, họ tin tưởng rằng công viêc này không ngoài tầm tay của họ và họ đã hạ quyết tâm.

Bước đầu tiên họ đã hoàn tất là mua chuôc toàn bộ lãnh đạo đảng. Bước thứ hai là chỉ vẽ cho CSVN tiêu diệt hào khí và quyền lực trong đảng CSVN của phe quân nhân.

Trước hết phải khống chế phe Quân Nhân vì phe quân nhân có xác xuất có lòng yêu nước cao hơn hơn phe công an. Ngay cả Ðại Tướng Võ Nguyên Giáp, nếu không vì đã ngoài 90, già nua, thì đã rơi vào vòng lao lý rồi. Bằng cách loại trừ phe quân nhân ra khỏi các vị trí quyền lực cao, CSTQ một cách nham hiểm loại trừ khả năng kháng cự sự xâm nhập của họ vào đất nước chúng ta.

c. Khống chế Biển Ðông: CSTQ lại ép buộc CSVN trên phương diên ngoại giao chính thức, phải ký những hiệp ước bí mật bất bình đẳng nhượng các vùng đất và biển cho TQ. Các sách lược trên của TQ cũng được củng cố bằng những biện pháp quân sự mạnh và cấp thời, trong khi CSVN không kịp trở tay vì sợ mất quyền lợi: CSTQ ngang nhiên đưa quân chiếm quần đảo Hoàng Sa, một phần của Nam Sa. Nhất là vùng quần đảo béo bở Hoàng Sa sau đó được biến thành một căn cứ quân sự quan trọng của TQ, để khống chế Thái Bình Dương và giúp TQ tranh hùng với Hoa Kỳ trong kỷ nguyên mới.

d. Chiếm lấy miền Tây: Sau khi bình định phương đông của Việt nam, tại phương Tây, TQ còn xúc tiến, với sự đồng thuận tiên khởi của Nông Ðức Mạnh và Bộ Chính Trị CSVN, việc khai thác Bô Xít tại Tây Nguyên Trung Phần. Nếu dự án này tiếp tục, thì TQ sẽ đưa vào hàng chục ngàn nhân công TQ. Miền Ðông chúng ta TQ đã khống chế qua Hoàng Sa. Nếu tại miền Tây của chúng ta là Tây Nguyên, vốn là xương sườn của Việt Nam, cũng bị khống chế nữa, thì TQ đã nắm vững vận mệnh dân tộc Việt Nam.

Thêm vào đó, CSTQ hy vọng với một khối Hoa Kiều đông đảo trong nước, giàu có và nhiều mánh khóe trên thương trường cũng như chính trường sẽ biến Việt Nam trở thành một quận huyện của họ không hơn không kém.

e. Bước sau cùng là thu phục nhân tâm trực tiếp của người dân VIỆT NAM. Ðài hoặc chương trình Phát Thanh của Ðại Sứ Quán Trung Quốc tại Hà Nội là một hiện tượng lạ lùng. Người dân Việt Nam không được quyền có đài phát thanh tư nhân, nhưng TQ lại được quyền mở đài hoặc chương trình phát thanh trên đất nước chúng ta. Chúng tôi có dịp nghe đài này qua làng sóng ngắn một lần. Ðều là tuyên truyền cho TQ và hàng loạt thính giả Việt Nam yêu cầu nhạc TQ để tăng cho những ngườI thân VIỆT NAM khác. Từ lúc nào người Việt thích nhac TQ hơn nhạc VIỆT NAM? Phải chăng TQ đã là một chính quyền trong một chính quyền tại Việt Nam rồi?

CSVN tình nguyện trở thành một “salesman” cho CSTQ, qua bộ máy tuyên truyền quốc doanh bán cho dân Việt những khẩu hiệu rỗng toếch như “láng giềng hữu nghị, ổn định toàn diện, hợp tác lâu dài, hướng tới tương lai” trong tinh thần “láng giềng tốt, bạn bè tốt, đồng chí tốt và đối tác tốt.”

 

Ðến đây chúng ta phải kết luận rằng, người CSVN bán nước là một sự thật hiển nhiên.

Câu hỏi là:

  1. Tại sao CSVN bán nước?
  2. Và chúng ta phải làm gì?

 

Tại sao CSVN bán nước:

 

Nhiều người trong chúng ta, trong lẫn ngoài nước, đã lý giải về vấn đề này. Ðại khái là họ mãi quốc cầu vinh. Tuy nhiên trong bài này, chúng ta phải đào sâu thêm để phơi bày những động lực khác nữa. Theo quan điểm của chúng tôi, một lý do quan trọng là từ thủa khai sinh đảng, CSVN không muốn, chưa bao giờ muốn và không có khả năng cũng như uy tín để thực sự thu phục nhân tâm, được quần chúng tự nguyện ủng hộ.

 

Từ đó chúng ta phải kết luận rằng, trong suốt chiều dài lịch sử đấu tranh của đảng, họ chưa bao giờ có lòng dân, chưa bao giờ đủ uy tín để được người dân tín nhiệm và kết quả là không đủ uy tín để đại đoàn kết dân tộc đối đầu với CSTQ. Tóm lại họ là một tập đoàn “khôn nhà dại chợ”, giỏi bóc lột và hung ác với các phe nhóm và cá nhân trong nước đối lập với mình, nhưng đối với ngoại bang thì run rẩy, nhút nhát quy hàng một cách tự nhiên.

 

Chúng ta phải làm gì?

 

Chúng tôi thỉnh thoảng có đọc bài viết của những thức giả đề nghị người Việt khắp nơi tẩy chay hàng TQ, phần lớn vì những lý do an toànvà thiếu phẩm chất. Tuy nhiên đây là những bài viết lẻ tẻ, chưa tạo ra một phong trào tẩy chay hàng TQ mạnh mẽ và không được sự yểm trợ của một thông điệp chính trị có sức thuyết phục cao. Chúng tôi viết bài này nhằm mục đích kêu gọi một phong trào tẩy hàng hóa TQ không những tại hải ngoạI mà ngay trong nước.

 

Chúng ta phải ý thức rằng sách lược chinh phục toàn cầu của TQ tiên quyết đặc căn bản trên kinh tế. TQ sẽ không do dự trong việc xử dụng vũ lực khi cần thiết. Tuy nhiên, sách lược của họ vẫn là kinh tế trước rồi mới võ lực sau.

Qua sách lựơc kinh tế, trong mấy thập niên qua, họ đã thặng dư khỏang $7000 tỷ Mỹ Kim. Họ đã rất thành công trên sách lược này. Trong vòng 10 năm tới họ sẽ không phiêu lưu quân sự vừa tốn kém vừa tạo những sự bất ổn gây thiệt hại trên phương diện ngoại thương. TQ sống nhờ các ưu điểm như nhân công tương đối rẻ, họ đã gạt CSVN để gia nhập WTO trước và vào được trước Việt Nam những thị trường béo bở như Hoa Kỳ. Khối Hoa Kiều hải ngoại là những môi giới tốt để họ tạo chân đứng tại các thị trường tân lập.

Dĩ nhiên họ có những yếu điểm như: sự phát triển kinh tế tạo ra nhiều bất công xã hội vì hố sâu giữa những cán bộ đảng giàu có và dân chúng cơ hàn, cũng như tham nhũng tận gốc rễ. Sự bất ổn xã hội và mất chính quyền có thể xảy ra nếu họ phiêu lưu quân sự và không phát triển kinh tế đủ nhanh để tạo thêm công ăn việc làm cho đám dân đen.

Chúng ta không thể lấy lại, trong tương lại gần, các vùng đất và biển mà CSVN đã nhường cho TQ. Lý do đơn giản là vì (dưới ý thức hệ Mác Lê trong nhiều thập niên) dân tôc chúng ta đã tụt hậu. Chúng ta không có quân lực và kinh tế hùng mạnh hơn TQ và đau đớn hơn nữa là những người yêu nước ngày nay không những không được CSVN ủng hộ mà còn bị CSVN thẳng tay đàn áp. Chính vì chân lý đơn giản này mà tẩy chay hàng TQ là một sách lược khả thi vì nó nằm trong tầm tay của mỗi người Việt Nam chúng ta, trong lẫn ngoài nước.

Và khi một cá nhân tẩy chay hàng TQ, chính quyền CSVN không có lý do để bắt giam cá nhân đó.

Chúng tôi xin nêu ra những ưu điểm của sách lược tẩy chay hàng TQ như sau:

-          Sách lược này theo đúng tinh thần bất bạo động vốn là trào lưu tranh đấu cho dân chủ và nhân quyền hiện đại. Xử dụng quân sự đối với TQ vượt ra ngoài khả năng của chúng ta trong giai đoạn hiện tại. Mặc dầu như chúng tôi nhận xét phía trên, trong vòng một thập niên nữa, TQ sẽ không có xác xuất phiêu lưu quân sự. Tuy nhiên CSVN đã vì quyền lợi vị kỷ của phe nhóm mình, không bỏ công xây dựng những liên minh quân sự quốc tế, để cân bằng áp lực của TQ. Chính vì thế, nếu TQ có quyết định phiêu lưu quân sự tại một nơi nào thì Việt Nam là mục tiêu ít mạo hiểm nhất, vì Việt Nam không có sự ủng hộ của bất cứ một siêu cường nào nếu TQ tấn công. Có thể kết luận rằng, từ ngày bị Ðặng Tiểu Bình dạy cho bài học đến nay, tương quan chiến lược của Việt Nam đối với TQ vẫn không thay đổi. Việt Nam sẽ không được một siêu cường nào nhắc tay ủng hộ nếu bị TQ tấn công lần này. Trong giai đọam mới TQ đã tiến bộ vượt bưc trên phương diện canh tân vũ khí. Việt Nam không cải tiến gì hơn tình trạng vũ khí của năm 1979.

-          Sách lược này là một hình thức bất tuân dân sự (civil disobedience) mà CSVN không thể khống chế được vì không có một hệ thống nhà tù nào có thể giam được trên 80 triệu người yêu nước.

-          CSVN dù gian manh và trung thành với CSTQ bao nhiêu cũng không thể lập luận ngược lại vì lập luận ngược lại rõ ràng phi lý, đi ngược với quyền lợi quốc gia. Ngay cả tại những nước có một nền kinh tế cởi mở như Úc Ðại Lợi, chính quyền tiểu bang New South Wales, trong ngân sách 2009-2010 cũng kêu gọi dân chúng mua hàng nội địa thay vì hàng ngoại quốc.

-          Nếu kim ngach giữa TQ và Việt Nam thay đổi rõ rệt và trở nên thuận lợi hơn cho VIỆT NAM, vì dân chúng tẩy chay hàng TQ, thì sẽ có chia rẽ giữa hai đảng cộng sản. Ðiều này sẽ giúp chúng ta nhiều trong tiến trình dân chủ hóa đất nước.

-          Ðây là sách lược duy nhất khả thi, có thể đoàn kết toàn dân, trong khi đất nước còm nằm trong tay CSVN và trong khi dân tộc chúng ta còn yếu trên các phương diện quân sự và kinh tế.

-          Hiên tại, CS VIỆT NAM chấp nhận đi sau TQ một bước, trên phương diện phát triển kinh tế. Phần lớn vì tâm lý “tôi đòi và lệ thuộc” của CSVN. Chính vì thế đất nước chúng ta trở thành bãi đổ rác (dumping ground) cho kỹ nghệ TQ và chúng ta chỉ sản xuất những mặt hàng mà TQ đã cho là rác rưới và không xứng đáng. Tẩy chay hàng TQ chính là một thử thách chúng ta phải vượt qua và phát triển kinh tế trên các mặt hàng cao hơn để cạnh tranh với TQ. Chúng ta phải thoát thai từ vai trò “đàn em” để đạt đến vai trò tiên phong như Nhật Bản và Nam Hàn, mới có cơ hội sống còn và giữ vững nền độc lập.

-          VIỆT NAM phải chuyển trọng tâm thị trường đối tác, giảm thiểu sự lệ thuộc vào TQ và chuyển mình qua Hoa Kỳ, Âu Châu, Ấn Ðộ, Nam Dương, các quốc gia Nam Mỹ...

-          Dĩ nhiên TQ là một thị trường lớn. Tuy nhiên không phải vì vậy mà phải chịu quá nhiều thiệt hại cho tổ quốc. Ðòi lạI Hoàng Sa, Trường Sa, các vùng đất và biển CSVN đã nhương qua các hiệp ước bất bình đẳng, phải là những điều kiện tiên quyết trong chính sách ngoại thương giữa Việt Nam và TQ.

-          Ưu điểm lớn nhất của sách lược tẩy chay hàng TQ sẽ được phát huy trọn vẹn nếu chúng ta có thể thuyết phục mỗi người Việt Nam rằng họ tẩy chay hàng TQ không phải đơn giản vì hàng TQ phẩm chất thấp, hoặc có chất độc nguy hiểm đến sức khỏe. Tuy nhiên họ không mua hàng TQ ngay cả khi hàng này rẻ và phẩm chất cao. Họ không mua hàng TQ vì họ muốn dạy cho CSVN một bài học yêu nước, vì họ muốn dạy cho CSTQ biết thế nào là một dân tộc VIỆT NAM bất khuất, không cúi đầu trước cường quyền ngọai xâm. Họ tầy chay hàng TQ đơn thuần vì một tấm lòng yêu nước nồng nàn.

 

Nếu đạt được mục tiêu nêu trên thì sách lược tẩy chay hàng TQ sẽ thành công.

 

Câu hỏi chúng ta phải đặt ra cho độc gỉa là:

 

Tại sao chỉ có những bài viết về sách lược tẩy chay hàng TQ còn lẻ tẻ mà chưa tạo được một phong trào mạnh?

Tại sao dân chúng trong nươc lẫn hải ngoại vẫn tiếp tục mua hàng TQ?

Người Việt Nam có yêu nước hay không?

Làm sao để người Việt hiểu rằng mỗi đồng tiền bỏ ra mua hàng TQ là mỗi đồng đóng góp cho TQ xây dựng hải quân hùng mạnh tại biển đông, nuôi dưỡng từng người lính TQ tại Hoàng Sa?

Làm sao để người Việt hiểu rằng mỗi đồng tiền bỏ ra mua hàng TQ sẽ có một phần vào tay, không nhưng các thành phần lãnh đạo CSTQ, mà còn vào tay cả thành phần lãnh đạo CSVN?

Làm sao người Việt hiểu rằng mỗi khi tẩy chay hàng TQ là chúng ta đã góp phần vào việc minh thị vạch trần khỏang cách lớn lao giữa đại khối dân tộc VIỆT NAM bên này và tập đoàn toàn trị CSVN bên kia?

 

Phía trên là những câu hỏi chúng tôi nêu ra để kêu gọi sự đóng góp của đồng hương. Chúng tôi có thể đúng và cũng có thể sai. Nhưng mục đích chung của chúng ta là phải tạo ra một môi trường thảo luận rộng rãi trong cộng đồng hải ngoại cũng như trong quốc nội, để nâng cao ý thức yêu nước của đồng bào và để làm đậm nét tính bán nước của CSVN.

 

Luật Sư Ðào Tăng Dực & Cao Hưng

Sydney 27 Tháng 7 Năm 2009

 Trở về trang đầu