Những Khuyết Ðiểm Căn Bản Của Luật Pháp Việt Nam

  Luật Sư Ðào Tăng Dực

Khi chúng ta đọc báo chí trong và ngoài nước, nhất là các tờ báo điện tử được phổ biến trên toàn thế giới, chúng ta cảm thấy rất mừng vì những người trí thức có lương tâm, từ trong nội bộ đảng CSVN đến những nhà đối kháng bên trong và ngoài nước, đều có những băn khoăn bức xúc, làm sao để nâng đất nước lên hàng cường quốc, xã hội trong sạch và cởi mở, nền chính trị dân chủ chân chính và dân tộc phú cường.

Sau khi Việt Nam gia nhập WTO nhịp độ đóng góp lại càng tăng tốc. Những đóng góp vào lãnh vực tư tưởng của những người trí thức trong nước như  GS Tương Lai, Nguyễn Quang A, Nguyễn Trung, Nguyễn Trần Bạt đều sâu sắc và nghiêm chỉnh. Ðiều này chứng tỏ trong bất cứ giai đoạn nào của lịch sử, giới sĩ phu của chúng ta bất kể chính kiến, đều hết lòng tha thiết với tiền đồ dân tộc

Tuy nhiên, một số vấn nạn căn bản cần phải được giải quyết thoả đáng trước khi chúng ta có thể chấn chỉnh hiến pháp và luật pháp, hầu có thể tiến hành công cuộc phục hưng đất nước hiệu năng. Các vấn nạn như: Liệu Hiến Pháp và Luật Pháp hiện hành có thể:

  1. Ðưa đến đại đoàn kết dân tộc?
  2. Kiến tạo một trật tự xã hội công bằng, nhưng đầy đủ sinh động để cạnh tranh trên trường quốc tế?
  3. Bảo tồn nền văn hóa truyền thống dân tộc, trong môi trường toàn cầu hóa của thiên niên kỷ mới?
  4. Tạo được niềm tin nơi người dân?

I.                   Làm Thế Nào Ðể Tiến Hành Công Cuộc Ðại Ðoàn Kết Dân Tộc?

Ðây luôn là câu hỏi tiên quyết trên vành môi của mọi người. Muốn có một câu trả lời nghiêm chỉnh, chúng ta phải thực tế nhận định rằng: mọi tương quan giữa người và người đều phải nhất thiết đặt trên nguyên tắc công bằng và lẽ phải (justice and equity), mới bền vững cùng thời gian. Từ tương quan giữa các thành phần ruột thịt trong gia đình như cha mẹ, con cái, anh chị em, cho đến tương quan giữa bạn bè, giữa những đồng bào cùng chủng tộc trong một quốc gia, giữa những hữu thể pháp lý trong xã hội, giữa chính quyền và những thành tố khác nhau của xã hội dân sự…đều phải đặt căn cứ trên nền tảng quan trọng này.

Một cách cụ thể, ngay cả trong phạm vi thiêng liêng của tình phụ tử hoặc mẫu tử, nếu bất cứ nhân tố nào cư xử bất công, mối tình thiêng liêng ấy cũng không bền vững được. Ðiều này áp dụng luôn cho tình yêu nam nữ, tình bạn tri âm và lòng ái quốc. Nguyên tắc công bằng và lẽ phải lại càng quan trọng hơn, như là yếu tố nền tảng của bản hiến pháp quốc gia, vốn là rường cột của đất nước, từ đó mọi trật tự xã hội được xây dựng.

Những sắc luật khác nhau tại Nam Phi chỉ trao quyền bầu cử cho thiểu số da trắng (14% dân số) trong một quốc gia có hơn 40 triệu dân tuyệt đại đa số là da đen, trong giai đoạn kỳ thị chủng tộc (Apartheid từ1948-1994) không thể làm nền tảng cho một xã hội bền vững vì thiếu công bằng và lẽ phải.

Dĩ nhiên một chính quyền da trắng Nam Phi cũng mong muốn và đã từng tha thiết kêu gọi mọi thành phần quốc gia, bất kể màu da, hãy đoàn kết xây dựng đất nước. Tuy nhiên, những người da đen vẫn không nghe và tổ chức đấu tranh quyết liệt, đình công, bãi thị, kể cả đấu tranh bằng bạo lực. Nhiều vị lãnh tụ da đen đã bị chiếu theo luật lệ đương thời và bị kết án là phản loạn, bị giam giữ và tra tấn.

Hiến pháp CHXHCN Việt Nam năm 1992 có điều 4: trao quyền lãnh đạo quốc gia vĩnh viễn cho một chính đảng duy nhất, đó là đảng CSVN. Tiếp theo, Luật Bầu Cử Ðại Biểu Quốc Hội từ điều 25 đến điều 36, qui định rõ rệt là Ðoàn Chủ Tịch Ủy Ban Trung Ương Mặt Trận Tổ Quốc VN (cơ quan ngoại vi của đảng CSVN) có tiếng nói quyết định trong việc giới thiệu người ra ứng cử, và chỉ có người được giới thiệu mới được ra ứng cử mà thôi. Tính cách hổ tương giữa hiến pháp 1992 và Luật Bầu Cử nêu trên, tạo ra hậu quả  CSVN tước đi quyền bầu cử và ứng cử của 81 triệu người Việt Nam, đương nhiên trao quyền này cho 3 triệu đảng viên của họ. Giống như chính phủ kỳ thị chủng tộc Nam Phi, CSVN có thể thiết tha kêu gọi đại đoàn kết dân tộc để xây dựng đất nước, toàn dân VN vẫn sẽ tiếp tục đấu tranh quyết liệt, các nhà bất đồng chính kiến vẫn bị chiếu theo luật lệ hiện hành và bị kết án là phản động, bị tù đày, bắt bớ.

Cũng như những người da trắng Nam Phi, các đảng viên CSVN vẫn luôn là thiểu số và toàn dân Việt Nam sẽ chiến thắng.  Tình yêu lứa đôi chân chính chỉ có thể tồn tại trên căn bản công bằng và lẽ phải, thể hiện qua quyền bình đẳng nam nữ và tương kính. Cho nên muốn thể hiện tình nghĩa đồng bào, thực thi đại đoàn kết dân tộc thì luật pháp và hiến pháp quốc gia cũng phải thể hiện nghiêm minh nguyên tắc công bằng và lẽ phải này.

II.                Làm thế nào để kiến tạo một trật tự xã hội công bằng nhưng đầy đủ sinh động, để cạnh tranh trên trường quốc tế

Nghệ thuật lãnh đạo quốc gia tuy nhiêu khê và phức tạp, nhưng đặt trọng tâm rất lớn trên khả năng dung hợp hai khuynh hướng đối nghịch căn bản của xã hội. Ðó là khuynh hướng sáng tạo của cải (wealth creation) và khuynh hướng tái phối trí của cải (wealth redistribution). Khuynh hướng sáng tạo của cải thông thường (nhưng không nhất thiết) được đồng hóa với phía hữu khuynh, bảo thủ, cạnh tranh, hoặc tư bản chủ nghĩa. Khuynh hướng tái phối trí của cải thông thường được đồng hóa với tả khuynh, cấp tiến, công bằng xã hội, hoặc xã hội chủ nghĩa.

Tại các quốc gia dân chủ trên thế giới chúng ta có thể xếp loại các đảng phái như sau:

 

 

Wealth creation

Wealth redistribution

 

Tân Tây Lan    

Quốc Gia        

Lao Ðộng, Xanh

Pháp   

Liên Hiệp Phong-                               Trào Quần Chúng,Mặt Trận Quốc Gia

 

Xã Hội, Cộng Sản, Xanh

Ðức    

Liên HiệpDân Chủ Dân chủ                                                                                                                    Công Giáo,

 

Xã Hội Dân Chủ, Xanh, Tự Do dân chủ

 

Úc Ðại Lợi

Tự Do, Quốc Gia

Lao Ðộng, Dân Chủ, Xanh

Hoa Kỳ

Cộng Hòa       

Dân Chủ

 

Anh Quốc       

Bảo Thủ          

Lao Ðộng, Dân Chủ

 

Gia Nã Ðại       

Bảo Thủ          

Tự Do, Xanh, Tân Dân Chủ                                                                                        

           

Một trong những nét đặc thù của nền dân chủ đa nguyên là mặc dù có nhiều đảng phái khác nhau, nhưng các đảng phái thông thường có khuynh hướng liên minh hoặc kết hợp để tạo ra hai phe chính. Phe đa số nắm quyền và phe thiểu số đối lập trong quốc hội chế hay đại nghị chế. Hoặc phe đa số nắm quốc hội, phe thiểu số là đối lập trong quốc hội.  Mặc dù trong nhiều trường hợp tổng thống chế, phe thiểu số trong quốc hội lại nắm quyền hành pháp như hiện giờ tại Hoa Kỳ. Hai phe nhóm nắm quyền và đối lập này  thường phản ảnh hai khuynh hướng wealth creation và wealth redistribution.

Một trật tự xã hội quân bình không thể vắng bóng hai khuynh hướng nêu trên, chế độ chính trị dân chủ thật sự luôn luôn hiến định hoá nguyên tắc đa nguyên đa đảng, như là nền tảng của luật pháp.  Người dân không bao giờ chấp nhận một khuynh hướng hoặc liên minh, hoặc đảng phái chính trị nắm quyền quá lâu dài. Chẳng hạn nếu đảng Cộng Hòa tại Hoa Kỳ nắm quyền quá lâu, mặc dù có những chính sách làm cho quốc gia giàu mạnh, qua sự tập trung tư bản và sáng tạo của cải, tuy nhiên sự bất công giữa giới giàu và nghèo sẽ gia tăng.  Có thể trong cuộc bầu cử tới dân chúng sẽ bầu đảng Dân Chủ lên nắm quyền, để tái phối trí tài nguyên quốc gia và giảm đi khoảng cách giữa giai cấp xã hội.

Chế độ dân chủ đa nguyên như thế không những tạo ra sự cạnh tranh giữa những đảng phái khác nhau, trong khuôn khổ hiến pháp và luật pháp, luôn luôn nổ lực trau dồi phẩm chất và khả năng phục vụ dân tộc, hầu đưa quốc gia đi lên trong môi trường tương tranh quyết liệt quốc tế, trong niềm hy vọng người dân sẽ tin tưởng và tín nhiệm mình qua lá phiếu của họ.

Ðã từ lâu nhân loại văn minh cương quyết chối bỏ thể chế độc tài cộng sản, trừ tại Trung Quốc, Việt Nam, Cuba và Bắc Hàn. Chế độ độc đảng thiếu sinh khí và sáng tạo, đưa quốc gia tụt hậu, làm trò cười cho cả thế giới tự do. Hiến định hoá nguyên tắc dân chủ đa nguyên là một điều kiện tiên quyết cho hiến pháp quốc gia.

III.             Làm thế nào để bảo tồn nền văn hóa truyền thống dân tộc, trong môi trường toàn cầu hóa của thiên niên kỷ mới

Mặc dù đất nước chúng ta đang còn gánh nặng trên vai di sản lạc hậu của cộng sản chủ nghĩa, nhưng hiểm họa lớn lao nhất của dân tộc Việt Nam hôm nay là hiểm họa mất văn hóa. Người cộng sản chỉ có thể làm cho dân tộc Việt Nam tụt hậu và chậm tiến so với phần còn lại của nhân loại, xã hội chủ nghĩa đã là một bóng mờ của lịch sử, không còn sức sống và sẽ bị triệt tiêu trong tương lai rất gần. CSVN chỉ còn bám víu tạm bợ chiêu bài này để duy trì quyền lực và vơ vét của cải cho bè phái của minh. Cộng sản chủ nghĩa không còn là một đe dọa lâu dài cho dân tộc nữa.

Nền văn hóa ngàn đời của dân tộc Việt Nam đang phải đương đầu với những thử thách lớn lao. Sự tụt hậu của dân tộc về phương diện kinh tế, vốn phát xuất từ những chính sách bảo thủ của giới Tống Nho triều Nguyễn trong quá khứ, người Cộng Sản bảo thủ hiện tại đã làm cho một số lớn quần chúng, nhất là tuổi trẻ, đánh giá sai lầm phẩm chất của nền văn hoá dân tộc.

Nền văn hoá của dân tộc Việt phát xuất trên 4000 năm tại lưu vực sông Hồng Hà, du nhập nền văn hoá Tam Giáo (Phật, Lão, Khổng) của Ðông Á trong suốt 2000 lịch sử và nền văn hoá tây phương trong gần 100 năm Pháp thuộc. Những nét ưu việt của nền văn hoá này là yếu tố nhân bản, khai phóng và phi ý thức hệ. Cũng vì những yếu tính này mà các dân tộc Ðông Á chưa bao giờ bị thảm họa chiến tranh tôn giáo. Trong khi Châu Âu còn đắm chìm trong sự u minh theo các chế độ bộ lạc, dân tộc ta đã lập quốc, có quốc hiệu và có nền văn hiến rõ rệt.

Những dân tộc thấm nhuần nền văn hoá Ðông Á như Nam Hàn, Nhật Bản, Ðài Loan, Hồng Kông đã vươn lên và bắt kịp các nước Tây Phương. Ðiều này chứng tỏ rằng nền văn hoá Ðông Á hùng mạnh, bền bỉ, sâu dày đã tôi luyện trí tuệ của các dân tộc Ðông Á, đưa các dân tộc này lên vị trí đích thực ưu việt của họ, trong nấc thang đẳng cấp các dân tôc trên thế giới.

Các quốc gia Châu Mỹ La Tinh, Bắc Phi ,khởi đầu công cuộc hiện đại hóa đất nước trước và trên những căn bản kinh tế cao hơn các quốc gia Ðông Á. Bây giờ họ đã bị các quốc gia Ðông Á qua mặt. Nếu không bị gánh nặng xã hội chủ nghĩa giáo điều, dân tôc Việt Nam trong nền văn hoá truyền thống đã vươn lên từ lâu.

Vốn liếng văn hoá dân tộc ấy là tinh hoa của đất nước, phải được bảo tồn trong văn kiện nền tảng nhất của trật tự xã hội. Trách nhiệm bảo tồn văn hoá dân tộc phải là trách nhiệm của toàn dân, từ mọi thành phần xã hội dân sự đến chính quyền. Trách nhiệm ấy phải được long trọng hiến định hoá trong hiến pháp của quốc gia, bằng những điều khoản minh thị và cụ thể.

IV.              Làm thế nào để chính quyền tạo được niềm tin nơi người dân

Người Tây Phương có câu: “Công lý không những phải được thực thi, mà còn phải được chứng minh là đã thực thi” (Justice should not only be done, but must be seen to be done)

Giới nho gia Ðông Phương, trong sách Ðại Học của Thầy Tăng Tử cũng có câu: “Cách vật, trí tri, thành ý, chính tâm, tu thân, tề gia, trị quốc, bình thiên hạ”.

Câu thứ nhất nói đến yếu tố quan trọng để tạo niềm tin nơi người dân. Ðó là yếu tố “minh bạch” (Transparency) trong bộ máy chính quyền. Bất cứ một quyết định nào của hành pháp, tư pháp hoặc lập pháp đều phải theo công lý và minh bạch trên mọi phương diện.

Bất cứ người dân, hoặc tập thể, hoặc hữu thể pháp lý nào cũng có thể duyệt xét và phê phán. Bởi thế sự phân quyền thực sự (không phải là phân quyền giả tạo) giữa hành pháp, tư pháp và lập pháp; sự hiện hữu của các đảng phái đối lập; của báo chí tư nhân độc lập là những điều kiện tiên quyết để kiểm soát và chứng minh rằng công lý đã được thi hành.  Những sắc luật, sắc lịnh, nghị quyết, nghị định của chính quyền CSVN ngăn cản sự hoạt động các đảng phái không cộng sản, ngăn chận quyền tự do ngôn luận, kiểm soát internet, cho phép các cơ quan đảng CSVN ra chỉ thị cho các tòa án nhân dân phán quyết theo, không thể qua mặt được người dân trong thời đại thặng dư thông tin này.

Những xảo thuật như thế chỉ làm dân chúng mất niềm tin, thế giới cười chê đất nước và chính quyền mà thôi.

Câu thứ hai nói đến yếu tố “thành ý chính tâm” của người lo việc quốc gia.

Khi một người làm việc cho đất nước, viết nên hiến pháp để làm rường cột cho xã tắc trước hết phải thành ý chính tâm, tức là phải thành thật với toàn dân. Khi nêu ra quốc hiệu Cộng Hoà Xã Hội Chủ Nghĩa Việt Nam, hoặc khẩu hiệu Ðộc Lập Tự Do Hạnh Phúc thì phải thành thật theo xã hội chủ nghĩa,  tạo được độc lập tự do hạnh phúc cho toàn dân. Nếu nhận thấy không làm được thì phải bỏ đi.

Trong khi đó hiến pháp 1992 , trừ điều 4 phi lý, vẫn một mặt chủ trương cho dân chúng đầy đủ các quyền ứng cử, bầu cử, tự do ngôn luận, tự do đi lại, tự do tôn giáo v.v…nhưng mặt khác bằng những mánh lới lộ liễu, qua các sắc luật, sắc lệnh, quyết nghị vi hiến khác nhau của quốc hội và chính phủ CSVN, tước đi các quyền tự do mà hiến pháp trao cho dân chúng.

Trong một chế độ dân chủ thực sự, khi có hệ thống tam quyền phân lập (separation of powers) thì quyền duyệt xét một sắc luật, sắc lệnh, nghị quyết của chính phủ hoặc quốc hội có vi hiến hay không, phải là quyền của tư pháp độc lập (qua một tối cao pháp viện độc lập).  Bản hiến pháp 1992 không những không có ngành tư pháp độc lập, mà còn trao quyền duyệt xét cho chính quốc hội.

Ðiều 84 qui định:

“ Quốc hội có những nhiệm vụ và quyền hạn sau đây:

9- Bãi bỏ các văn bản của Chủ tịch nước, Uỷ ban thường vụ Quốc hội, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, Toà án nhân dân tối cao và Viện kiểm sát nhân dân tối cao trái với Hiến pháp, luật và nghị quyết của Quốc hội”.

Dĩ nhiên theo luật bầu cử chỉ có những ứng viên có sự đề cử của Mặt Trận Tổ Quốc mới được ra ứng cử, hậu quả là CSVN kiểm soát toàn bộ Quốc Hội.  Mặc dù vi hiến rõ rệt các sắc luật, sắc lệnh, nghị quyết của chính phủ và quốc hội không bao giờ bị tuyên bố là vi hiến cả.

Thêm vào đó, trong khi tất cả các luật gia đều biết rằng hiến pháp đã qui định theo điều 54:

“Công dân, không phân biệt dân tộc, nam nữ, thành phần xã hội, tín ngưỡng, tôn giáo, trình độ văn hoá, nghề nghiệp, thời hạn cư trú, đủ mười tám tuổi trở lên đều có quyền bầu cử và đủ hai mươi mốt tuổi trở lên đều có quyền ứng cử vào Quốc hội, Hội đồng nhân dân theo quy định của pháp luật.”

Thành ngữ “theo quy định của luật pháp” có giới hạn rõ rệt. Ðó là chính quyền chỉ có thể ra những sắc luật để thực thi và bảo vệ các quyền công dân này. Chính quyền không được phép ra những sắc luật mà hậu quả rõ rệt là tước đi các quyền hiến pháp minh thị ban cho người dân. Làm luật như thế là làm luật rừng, không cần học qua trường luật nào, vì không một quốc gia văn minh nào chấp nhận.

Những hiến pháp và luật lệ của người cộng sản phát xuất từ quan điểm đấu tranh khốc liệt của Ðệ Tam Quốc Tế do Lenin lãnh đạo. Vào đầu thế kỷ 20, nước Nga còn rất lạc hậu. Mặc dù đã được giải phóng, các nông dân Nga còn mang nặng tâm lý ngu dốt của những nông nô thời trung cổ. Ðối với Lenin, Hiến pháp và luật pháp chỉ là những công cụ chính trị để lừa gạt, đàn áp các đối thủ chính trị và thống trị dân Nga tuyệt đối. Khi Lenin nói dân chủ, ông thật sự khinh bỉ khái niệm dân chủ mà ông cho là tư sản (bourgeois) này. Khi nói đến tự do bầu cử, ông không thực tâm tin rằng dân chúng xứng đáng với trọng trách đó. Các bản hiến pháp của Liên Xô và các quốc gia CS khác sau này tuy không do chính tay Lenin viết, nhưng đều bị ảnh hưởng nặng nề bởi quan điểm đấu tranh của ông.

Người CSVN hiện giờ là một trong số ít oi những chính quyền còn mang nặng di sản tinh thần cũ kỹ và hẹp hòi này của Lenin.

Vì thế hiến pháp 1992 thiếu đi yếu tố “thành ý chính tâm”. Tất cả các mỹ từ trong hiến pháp hoặc khẩu hiệu của chế độ như: dân chủ, tự do, ái quốc, tổ quốc xã hội chủ nghĩa, tự do tôn giáo, tự do ngôn luận, Cộng Hòa Xã Hội Chủ Nghĩa, Ðộc Lập Tự Do Hạnh Phúc v.v… đều là những chiêu bài hoặc thủ thuật chính trị, không có thành ý chính tâm của giai cấp thống trị làm nền tảng.

Các nhà trí thức CSVN yêu nước như GS Tương Lai, Nguyễn Quang A, Nguyễn Trung, Nguyễn Trần Bạt v.v.. dù có dùng ngàn lời để phân tích và tìm hiểu một sắc luật, sắc lệnh, nghị quyết có vi hiến hay không (cách vật trí tri), làm sao để tiêu diệt tham nhũng,  cũng không thể nào ra khỏi mê hồn trận được( vì người lập hiến pháp thiếu thành ý chính tâm). Nhiều thế hệ sĩ phu CS sẽ không có căn bản chân chính để tu thân, tề gia, vì những người lập pháp nguyên thủy đã không thành ý chính tâm với dân tộc. Hậu quả không thể nào trị quốc và bình thiên hạ được.

Câu châm ngôn “thượng bất chánh, hạ tắc loạn” áp dụng cho trường hợp này.. Một giai cấp thống trị thiếu thành ý chính tâm, một hệ thống hiến pháp và pháp luật lừa gạt người dân,  làm sao có thể đưa đến một nền dân chủ hiến định, pháp trị và đa nguyên chân chính? đem lại công bằng xã hội? làm cho dân tộc phú cường? tiêu diệt tham nhũng?  đại đoàn kết dân tộc? phục hưng văn hoá và phục hồi nguyên khí của quốc gia?

Trong bối cảnh hiến pháp và luật pháp như thế, lời tuyên bố “hào hùng” của Bí Thư Thành Ủy Hà Nội Phạm Quang Nghị thề “Quyết tử để Tổ Quốc quyết sinh” nhân 60 năm ngày toàn quốc kháng chiến 18/12 tại Hà Nội (Vietnamnet 18/12/06) dù có thành thật đi chăng nữa, cũng không có ý nghĩa gì. Không những một ông Phạm Quang Nghị mà dù có hằng triệu Phạm Quang Nghị thực sự hy sinh tính mạng, nếu hiến pháp và luật pháp hiện hành không thay đổi để đưa đến dân chủ đa nguyên, thì thượng tiếp tục “bất chánh” và hạ vẫn tiếp tục “tắc loạn” như thường.

V.                 Kết Luận:

Thiên niên kỷ này là cơ hội để toàn dân Việt Nam xây dựng một trật tự xã hội mới cho tổ quốc, trên căn bản đồng thuận. Muốn vậy người CSVN phải can đảm:

  1. Từ bỏ sự độc tôn quyền lực và mô hình chuyên chính vô sản lỗi thời,
  2. Chấn chỉnh những khuyết điểm căn bản nêu trên,
  3. Hủy bỏ điều 4 hiến pháp,
  4. Cùng mọi thành phần chính trị và xã hội khác tiến hành công tác xây dựng lộ trình dân chủ hoá, thực tế và thực tâm,
  5. Xây dựng một bản hiến pháp mới trên quan điểm dân chủ Hiến Ðịnh, Pháp Trị và Ða Nguyên,
  6. Tổ Chức bầu cử tự do trên căn bản hiến pháp mới,
  7. Những điều trên song hành với công tác phát động một phong trào Phục Hưng Văn Hoá dân tộc.

Làm được như thế sẽ khai thông những bế tắc và bất công mà dân tộc chúng ta đã gánh chịu quá lâu, tạo cơ hội cho giới sĩ phu kể cả giới sĩ phu CS yêu nước, đóng góp tích cực vào tiến trình phục hưng đất nước, trên căn bản thành ý và chính tâm của tiền nhân.

Các dân tộc Tây Phương không hơn gì chúng ta cả. Sự thành công của cộng đồng người Việt hải ngoại chứng minh rõ rệt điều này. Các dân tộc này chỉ may mắn hơn chúng ta là lịch sử đã trao cho họ một hệ thống chính trị và luật pháp minh bạch (transparent), một trật tự xã hội (qua luật pháp và hiến pháp), thể hiện nghiêm chỉnh “thành ý chính tâm” của những người lãnh đạo đất nước.

Ðã đến lúc chúng ta học bài học này để cùng nhau đưa đất nước đi lên.

Luật Sư Ðào Tăng Dực

Sydney 21 December 2006

Trở về trang đầu