Ngày 4 Tháng 7, 1776 tại Hoa Kỳ: Cuộc Cách Mạng Còn Tiếp Diễn

Bài của Luật Sư Ðào Tăng Dực

Cách đây khoảng hai năm, tôi có dịp làm thông dịch qua đường giây điện thoại quốc tế cho một phụ nữ Việt Nam, tại một nhà thương tại Hoa Kỳ. Người phụ nữ này bị bệnh rất nặng và được đưa vào nhà thương. Tuy nhiên các bác sĩ bị đặt vào tình trạng vô cùng khó xử. Một mặt, người phụ nữ này bị cơn đau và tình trạng nguy hiểm, họ phải chữa trị trên bình diện lương tâm. Mặt khác, người phụ nữ này cho biết bà không có bảo hiểm y tế và cương quyết không muốn thân nhân mình phải khánh tận vì chi phí bệnh viện quá cao tại Hoa Kỳ. Sau đó, phụ nữ này vừa khóc vừa yêu cầu các bác sĩ cho bà được quyền xuất viện và không chữa trị gì cả.

Tôi không biết người đàn bà Việt Nam ấy bây giờ ra sao?

Một tình trạng thương tâm như thế sẽ không bao giờ xảy ra tại Úc Ðại Lợi, hoặc các quốc gia Âu Châu vì hệ thống bảo hiểm y tế toàn diện(universal) và toàn dân tại các quốc gia này.

Các cuộc nghiên cứu cho thấy chi phí đổ đồng cho một đầu người tại Úc hoặc các quốc gia Âu Châu (9% tổng sản lượng quốc gia) chỉ bằng khoảng một nửa chi phí mỗi đầu người tại Hoa Kỳ (17% tổng sản lượng quốc gia). Trong khi chi phí nhiều như vậy mà tại Hoa Kỳ chỉ có khoảng 80% dân chúng có bảo hiểm y tế đầy đủ ( 15% không có bảo hiểm và 21% có bảo hiểm nhưng không đầy đủ), trong khi 100% dân chúng tại các quốc gia kia đều có bảo hiểm hoặc được chính phủ tài trợ toàn diện. Nhìn vào, dĩ nhiên ai cũng thấy là sự hoang phí tại Hoa Kỳ lọt vào tay các nhà đại tư bản lãnh đạo hệ thống bảo hiểm y tế.

Số người không có bảo hiểm y tế tại Hoa kỳ được ước lượng lên đến khoảng 45 triệu.

Hình ảnh người phụ nữ Việt Nam tại một nhà thương Hoa Kỳ nêu trên, nói lên một trong nhiều vấn nạn nghiêm trọng mà xã hội cũng như nền dân chủ Hoa Kỳ phải giải quyết.

Như là những người quan tâm đến vận mệnh tương lai của đất nước Việt Nam, có hai hiện tượng quan trọng gần đây, làm chúng ta phải duyệt lại cấu trúc xã hội và nền dân chủ Hoa Kỳ, để rút kinh nghiệm cho đất nước chúng ta trong tương lai:

Trước hết là cuộc khủng hoảng tài chánh toàn cầu (Global Financial Crisis 2007-2010) phát xuất từ sự tụt giá khủng khiếp của địa ốc tại Hoa Kỳ và sự phá sản các công ty tài chánh khổng lồ tại quốc gia này. Sau đó là cuộc cải tổ hệ thống bảo hiểm sức khỏe tại Hoa Kỳ vừa được lưỡng viện Hoa Kỳ thông qua và Tổng Thống Barack Obama phê chuẩn thành luật ngày 23 tháng 3 năm 2010.

Tuy cuộc khủng hoảng tài chánh toàn cầu vẫn còn âm hưởng, nhưng chính quyền và người dân của những quốc gia trên thế giới đều ý thức sâu sắc hơn hậu quả của chủ nghĩa tư bản thiếu kiểm soát.

Chính quyền của Tổng Thống Obama tại Hoa Kỳ và các quốc gia phát triển đang ráo riết kiến tạo một khung sườn toàn cầu để giới hạn tính phiêu lưu của các nhà đại tư bản và bảo đảm sự thăng bằng tài chánh của toàn thế giới trong kỷ nguyên mới.

Một hệ luận gần đây, đáng chú ý của cuộc khủng hoảng tài chánh toàn cầu, là việc cơ quan SEC (Security Exchange Commission) ngày 16 tháng 4 năm 2010, truy tố công ty tài chánh Goldman Sachs & Co về tội gian lận dân sự (civil fraud). SEC cáo buộc rằng, một mặt Goldman Sachs & Co đã cá cược ngược lại với sự phát triển và thành công của chương trình cho vay mua nhà (Mortgage investments), mặt khác lại lừa gạt các thân chủ của mình, kêu gọi đầu tư ủng hộ cho chương trình này.

Có thể nói rằng, việc truy tố Goldman Sachs & Co là một trong nhiều biện pháp để chấn chỉnh đạo đức nghề nghiệp của giới tư bản, tiếp theo cuộc khủng hoảng toàn cầu.

Cuộc khủng hoảng tài chánh tại Hoa Kỳ một phần nào đó, đã tạo ra thế chính trị thuận lợi giúp chính quyền Obama đẩy mạnh chính sách cải tổ hệ thống bảo hiểm y tế đến thành công. Nhiều vị tổng thống viễn kiến khác trong quá khứ từ Theodore Roosevelt, John F Kennedy, Bill Clinton đều thất bại trước sự chống đối và áp lực mạnh mẽ từ những nhà tài phiệt đứng đầu các công ty bảo hiểm sức khỏe tại Hoa Kỳ. Những đóng góp kết sù của họ cho các hạ nghị sĩ, thượng nghị sĩ, cũng như ứng cử viên tổng thống cùng quan điểm và bảo vệ quyền lợi của họ, hầu như bảo đảm sự đắc cử của những cá nhân này. Mặt khác, sự chống đối và đánh phá của họ đối với những chính trị gia có quan điểm trái ngược, vô cùng tai hại cho sự nghiệp chính trị của những chính trị gia đối lập họ.

Cuộc khủng hoảng tài chánh đưa đến sự phá sản của những công ty tài chánh khổng lồ, sự vạch trần các sơ xuất và mánh khóe phi pháp đưa đến sự truy tố về dân sự và hình sự những nhà đại tư bản, không những đã làm các tay tài phiệt mất đi sự hào nhoáng của họ, mà quan trọng hơn hết, là làm họ giảm đi rõ rệt khả năng vận dụng tài chánh để ảnh hưởng chính trường Hoa Kỳ, vào thời điểm các sắc luật cải tổ hệ thống bảo hiểm y tế được thông qua.

Trước đây, trong cuốn “Dự Thảo Hiến Pháp Việt Nam Trên Quan Ðiểm Dân Chủ Hiến Ðịnh, Pháp Trị và Ða Nguyên”, do Bán Tuần Bào Việt Luận Xuất Bản năm 2001 tại Úc và Tổ Chức Phục Hưng Việt Nam tái bản cùng năm tại Hoa Kỳ, tôi có phân tách chi tiết về những khuyết điểm của nền dân chủ Hoa Kỳ.

Một cách vắn tắc, các khuyết điểm được phân chia làm 2 loại:

Các khuyết điểm có tính cấu trúc như:

  1. Bầu cử tổng thống qua cử tri đoàn (electoral colleges) thay vì phiếu trực tiếp của từng người dân,
  2. Thể thức bầu cử theo đa số tương đối (relative majority) và ngựa chạy về nhất (first past the post) thay vì đại diện theo tỷ lệ (proportional representation) và
  3. Công dân có quyền không đi bầu thay vì bầu cử là một trách nhiệm công dân và có tính cưỡng bách (compulsory voting).

Ngoài ra còn có các khuyết điểm có tính các vận hành như:

  1. Nhị nguyên chính trị (polarist political system) thay vì đa nguyên chính trị (pluralist political system),
  2. Hố sâu giữa giai cấp giàu và nghèo quá chênh lệch so với những quốc gia phát triển tương tự do tư bản chủ nghĩa không kềm chế, và
  3. Như là một hệ lụy, mức độ đóng góp vào ô nhiễm môi sinh toàn cầu quá cao.

Khi nhìn chung tình trạng chính trị và tài chánh của Hoa Kỳ trong 2 năm vừa qua, chúng ta rất dễ dàng đi đến kết luận rằng: suốt trong gần một thập niên, trong 2 nhiệm kỳ của tổng thống George W Bush (20 Jan 2001 đến 20 Jan 2009), chính quyền Hoa Kỳ đã dung túng thái quá cho các nhà tư bản, trong một tiến trình sáng tạo của cải (wealth creation) đi đến mức độ không còn kiểm soát được. Vì các nhà đại tư bản cũng chỉ là những con người bình thường, nên đã không khống chế nổi lòng tham không đáy, đưa đến việc khống chế thị trường bảo hiểm y tế, tăng giá bảo hiểm quá mức, giới hạn cover của những người có “tiền-sự” bệnh tật, tạo ra nhiều bất công xã hội. Ngoài ra, vì lòng tham vô độ, họ đã tạo ra cuộc khủng hoảng tài chánh khôn tiền khoáng hậu, gây tang tóc cho dân chúng lẫn chính quyền của toàn thế giới.

Khi tân tổng thống Barack Obama (20 Jan 2009) lên chấp chính, thì công việc quan trọng của Obama là hóa giải tiến trình sáng tạo của cải quá độ này, bằng cách khơi động một tiến trình tái phân phát của cải (wealth redistribution) quy mô. Từ đó, chúng ta dễ dàng kết luận phiếm diện rằng hai chính sách cải tổ bảo hiểm sức khỏe (health insurance reforms) và cải tổ hệ thống điều hành tài chánh (financial regulatory reforms) là những biện pháp tái phân phối của cải để cân bằng khuynh hướng sáng tạo của cải thái quá mà George W Bush chủ trương.

Tuy nhiên nhận thức và kết luận như thế có cơ sở vững chắc nhưng chưa được toàn diện.

Lý do nguyên thủy là vì cuộc cách mạng ngày 4 tháng 7 năm 1776, cũng là ngày tuyên ngôn độc lập, sáng lập ra Hiệp Chủng Quốc Hoa Kỳ, chưa bao giờ là một cuộc cách mạng triệt để đúng nghĩa. Một cuộc cách mạng đúng nghĩa phải mang một yếu tố cốt lõi. Ðó là thay thế trật tự xã hội này bằng một trật tự xã hội khác, công bằng hơn, trong đó sự thay đổi giai cấp thống trị là yếu tố quyết định.

Mặc dầu cuộc cách mạng Hoa Kỳ có hai yếu tố tích cực quan trọng và tiên phong cho thế giới, đó là hiến định hóa nguyên tắc tam quyền phân lập (separation of powers) của nhà tư tưởng chính trị Pháp Montesquieu (1689-1755) trong cuốn Van Lý Tinh Pháp (Spirit of Laws), và hiến định hóa nguyên tắc phân định biên giới giữa giáo quyền và thế quyền (separation of church and state) của nhà tư tưởng chính trị Anh Quốc John Locke (1632-1704).

Tuy nhiên, một điều vô cùng đáng tiếc là những vị lãnh đạo cuộc cách mạng tại Hoa Kỳ đương thời đều phát xuất từ giới trí thức và quý tộc địa chủ địa phương (local landed gentry). Họ đứng lên làm cách mạng vì không muốn đóng thuế cho chính phủ Anh Quốc đang thống trị các thuộc địa Mỹ, mà không có đại diện dân cử của mình tại quốc hội Anh Quốc. Châm ngôn của cuộc cách mạng Hoa Kỳ là: Không thể đóng thuế nếu không có đại diện dân cử (No taxation without representation). Nếu vương quyền Anh Quốc đương thời sáng suốt và mềm mỏng hơn, cho phép họ cử đại diện vào quốc hội Anh Quốc, thì có thể đã không có cuộc cách mạng Hoa Kỳ.

Sau khi đánh đuổi được quân đội Anh Quốc, nhờ sự giúp đỡ về tài chánh và vũ khí của Pháp qua tài ngoại giao vượt bực của Benjamin Franklin, thì ngoài hai nguyên tắc tích cực trên, các nhà lãnh đạo Hoa kỳ lại có hai quyết định tiêu cực di hại cho tương lai.

Trước hết là trong hiến pháp Hoa Kỳ (17 tháng 9, 1787) họ cố ý không nhắc đến số phận của giai cấp nô lệ da đen và nhu cầu giải phóng giai cấp nô lệ. Lý do là vì những đồn điền và nông trại mênh mông của họ đang cần một giai cấp nô lệ da đen phục vụ.

Sau đó họ còn hiến định hóa những nguyên tắc bầu cử và một hệ thống chính trị củng cố cho vai trò của giới địa chủ nguyên thủy (qua những cử tri đoàn gọi là electoral colleges).

Khi cuộc cách mạng kỹ nghệ chín mùi tại Âu Châu, phát triển sang Hoa Kỳ, chuyển quyền lực kinh tế và tài chánh từ nông thôn đến thành thị, thì giới địa chủ và tài phiệt nông thôn hoặc thoát thai hoặc chuyển kiếp, hoặc nhường bước cho giới tài phiệt thành thị, nắm lấy chiều cao chính trị tại Hoa Kỳ.

Thêm vào đó, phương thức bầu cử ngựa chạy về nhất (first past the post), chỉ cần có đa số tương đối là thắng cử trong một đơn vị, hoặc trong một cuộc bầu cử tổng thống (tính bằng electoral college votes) dễ đưa đến một tình trạng nhị nguyên chính trị (tức là chỉ còn hai chính đảng thay phiên nhau nắm quyền), thay vì phương thức bầu cử đại diện theo tỷ lệ (proportional representation). Thông thường phương thức đại diện theo tỷ lệ đưa đến tình trạng đa nguyên chính trị, bao gồm nhiều đảng phái, vì chế độ bầu cử này rất nhạy bén. Một chính đảng có 5% dân chúng ủng hộ thông thường sẽ có 5% số dân biểu trong quốc hội. Một chính đảng có 50% dân chúng ủng hộ sẽ có 50% số đại diện trong quốc hội.

Hơn nữa, sự vắng bóng của nguyên tắc cưỡng bách bầu cử (compulsory voting), thoạt nhìn, có vẻ như dân chủ triệt để. Tuy nhiên, khi xét kỹ, đây lại là một chính sách kỳ thị người nghèo và giới lao động rất hiệu năng. Lý do là vì người nghèo và giới lao động, không những ít ý thức về quyền lợi và trách nhiệm của mình, cũng như bận rộn nhiều hơn giới địa chủ thượng lưu, vì miếng cơn manh áo cơ cực. Chính vì thế họ không tích cực hành xử quyền bầu phiếu của mình, và kết quả là họ không có đủ người đại diện trong quốc hội, hoặc nơi hành pháp, tương xứng với tỷ lệ của họ trong dân số.

Có thể nói rằng, các vị cha đẻ của cuộc cách mạnh Hoa Kỳ có nhiều viễn kiến khi hiến định hóa các nguyên tắc chính trị học của Montesquieu và John Locke. Tuy nhiên họ vẫn chưa vượt qua được ý thức sâu sắc về quyền lợi giai cấp. Chính vì khuyết điểm này mà họ đã lưu lại cho các thế hệ hậu duệ Hoa Kỳ những vấn nạn vô cùng nan giải mà Abraham Lincoln (1809-1865) lẫn Obama phải giải quyết.

Lincoln (một vĩ nhân của nhân loại) và dân tộc Hoa Kỳ đã giải quyết vấn nạn nô lệ da đen bằng nhiều máu và nước mắt. Obama đã thành công trong bước đầu khi giải quyết vấn nạn cải tổ hệ thống bảo hiểm y tế sau khi vượt qua nhiều khó khăn và trở lực. Tuy nhiên dầu cho Obama có cải tổ được luôn cả hệ thống điều hành tài chánh (financial regulatory reforms) tại Hoa Kỳ đi nữa, đó cũng chỉ là những cải tổ có tính cách “diện” (những hiện tượng bên ngoài), không phải “điểm” (nguyên nhân bên trong).

Chỉ khi nào có một vị tổng thống có khả năng tu chính hiến pháp lẫn luật pháp, hầu cải tổ hệ thống bầu cử (electoral laws) tại Hoa Kỳ thì cường quốc này mới mong mỏi đạt đến mức độ dân chủ đa nguyên và một xã hội tương đối công bằng, tương xứng với mức độ phát triển kinh tế và chiều cao chính trị thật sự của họ.

Tại Úc Ðại Lợi và nhiều quốc gia dân chủ khác, nguyên tắc bầu cử là đại diện theo tỷ lệ, và trách nhiệm bầu cừ là cưỡng bách bầu cử (compulsory voting). Chính quyền tạo ra mọi điều kiện thuận tiện để người công dân đi bầu và nếu không đi bầu sẽ bị hình phạt chế tài. Chính vì thế tại Úc Ðại Lợi và những quốc gia tương tự, có một chế độ dân chủ đa nguyên thật sự và ít bất công xã hội hơn tại Hoa Kỳ.  

Tuy nhiên, bất cứ sự cải tổ về luật bầu cử nào tại Hoa Kỳ cũng sẽ không trọn vẹn, nếu không cải tổ hệ thống luật pháp liên hệ đến chế độ ủng hộ tài chánh cho các đảng phái chánh trị và cho các cuộc tranh cử (political and electoral donations).

Thực trạng tại Hoa Kỳ là chúng ta chỉ cần xem chính đảng nào quyên được tiền nhiều nhất, thì đảng ấy hầu như chắc chắn sẽ thắng cử. Chi phí tranh cử lên đến hàng trăm triệu, nếu không nói là hàng tỷ mỹ kim. Trong một chế độ lưỡng đảng và bầu cử không cưỡng bách, chỉ có hai đảng có thực chất và số người dân đi bầu rất thấp. Trong các cuộc bầu cử quốc hội từ 1960 đến 1995, tỷ số dân Hoa Kỳ đi bầu là 52%, trong khi tại Úc là 95%, Áo 92%, Ðức 86% (Wikipedia voter turnout). Thông thường dân trí thức và lợi tức cao tại Hoa Kỳ đi bầu đông đảo hơn dân ít học và lợi tức thấp. Trong không khí bầu cử như thế, các nhà đại tư bản Hoa Kỳ có rất nhiều đất dụng võ.

Trước hết họ chỉ cần ủng hộ tài chánh, áp lực và ảnh hưởng một trong hai chính đảng, và bất cứ đảng nào lên nắm quyền, là tiếng nói của họ sẽ rất mạnh trong tiến trình hình thành các chính sách (policy making) của quốc gia.

Thứ đến, họ không cần đến đa số cử tri trong quốc gia. Trái lại họ chỉ cần giúp cho gà nhà đạt được đa số của 52% cử tri muốn đi bầu, tức hơn 26% cử tri của quốc gia là đủ thắng cuộc. Với viễn tượng này, chúng ta mới nhận thức được tầm mức quan trọng của nguyên tắc cưỡng bách bầu cử như là một yếu tố dân chủ và công bằng quan trọng, trong một chế độ dân chủ tương lai cho Việt Nam.

Muốn giải quyết vấn đề triệt để, dân tộc Hoa Kỳ cần phải xét đến việc chính phủ tài trợ tài chánh công bằng cho các cá nhân hoặc đảng phái ra tranh cử vào các cơ quan quyền lực chính trị. Ðồng thời luật pháp phải giới hạn sự đóng góp và ủng hộ của tư nhân, nhất là các nhà đại tư bản.

Dĩ nhiên, sự trợ cấp của chính phủ phải tỷ lệ thuận với mức độ ủng hộ của cử tri cho cá nhân hoặc đảng phái liên hệ. Sự ủng hộ tài chánh của quần chúng trực tiếp cho các chính đảng là một tác động tự nó có tính tích cực và nghiêm chỉnh. Các nhà đại tư bản cũng là những thành phần bất khả phân ly của xã hội dân sự và có quyền đóng góp sự ủng hộ của mình như những công dân bình thường.

Tuy nhiên cần phải giới hạn sự cố tình lũng đoạn chính trường của họ bằng tư bản, nếu có, để bảo vệ tinh anh và cốt lõi của một nền dân chủ hiến định, pháp trị và đa nguyên chân chính.

Cuộc cách mạng ngày 4 tháng 7 tại Hoa Kỳ, nếu là một cuộc cách mạng chân chính, phải là một cuộc cách mạng đang tiếp diễn. Abraham Lincoln là một nhà cách mạng vĩ đại, đã tiếp nối hơi thở cho cuộc cách mạng này qua quyết tâm giải phóng nô lệ, đem lại tự do, quyền sống và nhân phẩm cho người da đen. Barack Obama đã tô điểm thêm cho nền dân chủ Hoa Kỳ qua sự cải tổ hệ thống bảo hiểm y tế, đem lại một sự công bằng xã hội căn bản mà công dân của những quốc gia phát triển trên thế giới đã được hưởng từ lâu.

Tuy nhiên, đó chỉ là diện. Bao lâu mà nền dân chủ Hoa Kỳ chưa giải quyết được thỏa đáng vấn nạn có tính cách “điểm” nêu trên về luật lệ bầu cử, thì dù là cường quốc hàng đầu thế giới, Hoa Kỳ vẫn là một xã hội hàm chứa nhiều bất công khó chấp nhận.

Những người có lòng tranh đấu cho một nền dân chủ hiến định, pháp trị và đa nguyên cho đất nước Việt Nam tương lai cần học hỏi và tránh những khuyết điểm tương tự trên đất nước của chúng ta.

Sydney 21 tháng 4 năm 2010

Luật Sư Ðào Tăng Dực

Trở về trang đầu