Hãy Trả Lại Tên Cho Sài Gòn

 

Bài của Luật Sư Đào Tăng Dực

 

Được người giới thiệu vào Website “Hãy Trả Lại Tên Sài Gòn Cho Sài Gòn” (www.saigonforsaigon), tôi cảm nhận được tâm tình vàlòng yêu nước của những người đóng góp vào Website này như Linh Mục Nguyễn Hữu Lễ, Giáo Sư Ngô Quốc Sĩ , Cố Giáo Sư Nguyễn Ngọc Huy v. v…Tôi cũng xin noi gương và đóng góp ý kiến như sau.

 

Đất nước chúng ta, trong lịch sử cận kim của nhân loại, cùng với những quốc gia miền Đông Á khác như Trung Hoa, Đại Hàn, Nhật Bổn, mặc dầu có một nền văn hóa lâu đời và phong phú, đã chịu quá nặng nề nền văn hóa thủ cựu của Tống Nho, không biết canh tân, cải tiến trên các phương diện công thương và kỹ nghệ, đã trở nên lạc hậu vào thế kỷ 18, so với các nước tây phương.

 

Ngoại trừ Nhật Bổn đã bừng tỉnh và vùng lên để bắt kịp các nước tây phương, đồng thời giữ vững nền văn hóa truyền thống, các nưóc khác không có đủ viễn kiến và nhanh chóng trở nên nạn nhân của các cường quốc thực dân.

 

Trong các nước nêu trên thì số phận Việt Nam chúng ta là tệ hại nhất.

Ngoài việc bị thực dân Pháp đô hộ, chúng ta còn phải đối phó với tầng lớp sĩ phu vong bản miền nam, với một chế độ đảng trị độc tài miền bắc. Tệ hại nhất là tinh thần vọng ngoại của giai cấp cai trị của người CSVN.

Thật vậy, sau năm 1975, trong cơn sốt chiến thắng, cùng một thời điểm với chính sách thành lập các trại cải tạo và tập trung tàn bạo, chính quyền CSVN đã bắt chước rập khuôn đàn anh vĩ đại là Liên Bang Xô Viết, đổi tên thành phố Sài Gòn ra Thành Phố Hồ Chí Minh.

 

Người Việt Nam không có truyền thống dùng tên danh nhân để đặt tên cho các địa danh hoặc thành phố. Người CSVN lần này đã học theo người Nga khi họ đỗi tên thành phố lớn thứ nhì tại Liên Bang Xô Viết từ thành phố St. Petersburg bên bờ biển Baltic trở thành Leningrad. Thành phố St. Petersburg được thành lập và mang tên của vị Hoàng Đế Nga thành lập nó vào năm 1703 là Peter The Great. Sau đó đồi lại tên Petrograd từ năm 1914 đến năm 1924.

Sau khi Lenin từ trần thì đổi thành Leningrad. Đến năm 1991, cùng với sự suy thoái và cáo chung của chế độ cọng sản trên Liên Bang Xô Viết, thì thành phố này được trả lại tên nguyên thủy của nó.

Người cọng sản Nga cũng đã đem tên của lãnh tụ khát máu Stalin đặc tên cho một thành phố lớn nữa cũa Nga trên bờ sông Volga là Volgograd biến thành tên Stalingrad từ năm 1925 đến năm 1961. Sau cái chết của Stalin mới trở lại tên cũ là Volgograd.

 

Khi đặt tên nguyên thủy cho St. Petersburg, người Nga đã rập khuông theo một đế quốc vĩ đại khác của thời cồ Hy Lạp, đó là đế quốc Nhã Điển dưới sự ngự trị của một trong những hoàng đế uy quyền nhất , đó là An Lich Sơn Đại Đế (Alexander The Great). Thành Phố Alexandria hiện nay tại Ai Cập đưộc thành lập và mang tên vị quân vương này năm 331 trước Công Nguyên.

 

Khi người cọng sản Xô Viết và người CSVN đem tên của những lãnh tụ của mình để đặt tên cho  một thành phố quan trọng như St. Petersburg hoặc Saì Gòn thì những động cơ nào thúc đẩy họ và mục đích của họ là gì?

 

Trong trường hợp người CS Xô Viết thì năm 1924, khi đổi tên St. Petrsburg thành Leningrad, đảng CS Liên Xô muốn ghi nhớ công ơn của Lenin, như một người đã sáng suốt và khôn ngoan lèo lái con thuyền của đảng, qua những cơn sóng gió gay go và sau đó cướp được chính quyền từ tay nhiều đảng phái và phe nhóm chính trị khác. Các đảnh phái không CS này đã góp công sức nhiều hơn cả đảng CS Liên Xô trong cuộc cách mạng lật đổ Nga Hoàng.

Không có Lenin và những sáng kiến chiến lược táo bạo của ông thì phần lớn những thành viên đảng (từ Trotsky đến Stalin, đến Bukanin) đã bị ở tù rục xương hoặc tử hình, và toàn bộ đảng CS đã bị các thế lực khác tiêu diệt.

Thêm vào đó, tên tuổi của Lenin đã đồng nghĩa với chủ thuyết Mác-Lê. Đặt tên như thế hoàn toàn phù hợp với trào lưu và cuộc chiến ý thức hệ trong giai đoạn đó của lịch sử nhân loại.

 Dĩ nhiên lúc đó Lenin mới chết, các lãnh tụ cọng sản kế thừa, trong đó có Stalin, cần tôn sùng và thần thánh hóa một thần tượng của chủ nghĩa, để duy trì guồng máy thống trị. Sau này chính Stalin cũng nhân danh Lenin, xử tử phần lớn những cựu đồng chí của chính Lenin, và trở thành nhà độc tài khác máu nhất lịch sử nhân loại.

 

Nhà độc tài Stalin, sau khi loại bỏ tất cả các đối thủ trong và ngoài đảng, nhanh chóng được suy tôn và thần tượng hóa. Kết quả là một thành phố danh tiếng nữa trên bờ sông Volga lãng mạn lại bị mất tên và đổi thành Stalingrad từ năm 1925.

 

Tuy nhiên lồng trong tất cả những sự tàn ác khốc liệt đó, người CS Liên Xô đã hăng say một cách ngây thơ, hoàn toàn tin tưởng rằng, họ sẽ nhanh chóng và dễ dàng xây dựng xã hội chủ nghĩa, trước hết trong một thập niên có thể hoàn tất giai đoạn cọng sản tại Liên Bang Xô Viết, trong đó nguyên tắc “ Làm việc theo khả năng, hưởng dụng theo nhu cầu” sẽ áp dụng cho toàn dân. Nguyên tắc này có nghĩa là trong một chế độ cọng sản thật sự, con người chỉ cần làm việc theo khả năng nhưng lại được quyền hưởng dụng theo nhu cầu của cá nhân. Sau đó chỉ một vài thập niên nữa là họ sẽ cọng sản hóa được toàn thế giới và nhân loại sẽ đai thái bình, các chính quyền và giai cấp thống trị sẽ hoàn toàn triệt tiêu. Chiến tranh sẽ không còn hiện hữu vì mọi mâu thuẫn giai cấp đãỉ đưọc giai quyết vĩnh viễn.

Chỉ có một sự ngây thơ ý thức hệ lớn lao như vậy mới làm trái tim của những người CS Liên Xô cứng rắn đầy đủ để tuân lệnh của Stalin và tàn sát hàng chục triệu đồng bào cùng máu mủ với chính họ, trong một cơn lốc sát nhân khôn tiền khoánh hậu của lịch sử nhân loại.

 

Trưòng hợp người CSVN không những tương tự mà còn tổng hợp những động cơ và mục tiêu của đảng CS Liên Xô trong cả 2 trường hợp Lenin và Stalin.

Đó là:

Đổi tên thành phố Sài Gòn thành thành phố Hồ Chí Minh để ghi nhớ công ơn Hồ Chí Minh như là một chính trị gia lão luyện của thế kỷ đã đưa đảng CSVN vượt qua nhiều cơn thử thách của lịch sử, và sống còn trong sự cầm quyền tuyệt đối, để đem đến chiến thắng cho họ vào năm 1975. Đây cũng phần nào thể hiện niềm tin tuyệt đối nơi ý thức hệ Mác –Lê của họ. Sau đó họ còn thỏa mãn được nhu cầu thần thánh hóa một thần tượng để duy trì chế độ. Nhu cầu này, bắt đầu từ giữa thập niên 80, còn cấp bách hơn cả vào thời đại của Lenin  và Stalin vì chủ thuyết Mác Lê đã bắt đầu một tiến trình thoái hóa bất khả vãn hồi.

Cũng như người họ tôn sùng là Stalin, những người lãnh tụ chóp bu CSVN cũng lợi dụng danh nghĩa Hồ Chí Minh để thanh toán các thế lực đối lập trong và ngoài đảng hầu củng cố địa vị.

Dĩ nhiên vào năm 1975, khi đổi tên Saì Gòn thành thành phố Hồ Chí Minh người CSVN, trong phạm vi hạn hẹp của một quốc gia nhỏ bé, và trong vai  “học trò chăm chỉ ” của Liên Xô vĩ đại, cũng có những ngây thơ ý thức hệ của chính mình. Họ thành thật nghĩ rằng, dưới sự chỉ đạo của tư tưởng của một Bác Hồ vĩ đại như thế, Ý thức Hệ Mác –Lê khoa học như thế, với một quân đội anh hùng có thể đánh “ngụy” đưổi Mỹ (duy nhất trên thế giới) như thế, thì sau khi thống nhất đất nước, họ chỉ cần thực thi các chính sách kinh tế Mác và Lenin đã đề xướng, thì cùng lắm là trong 1 thập niên, đất nước VN sẽ trớ thành thiên đường CS và Mỹ cũng như các nước tư bản khác sẽ phải lạy lục họ để học hỏi thêm.

Dỉ nhiên là họ không tiên đoán được sự suy thoái của Xã Hội Chủ Nghĩa vào năm 1985 và sự sụp đổ của toàn bộ Liên Bang Xô Việt sau đó.

Chính vì không tiên đoán được điều này, người CSVN đã vi phạm những sai lầm lớn lao trong chính sách thành lập các trại cải tạo, tập trung, trong các chính sách kinh tế cọng sản cực đoan, gay đau thương và chia rẽ trong toàn dân.

 

Sau khi Liên Bang Xô Viết bị lật đổ thì người CSVN lại tiếp tục chính sách suy tôn và thần tượng hóa Hồ Chí Minh để duy trì chế độ, trong niềm hy vọng kéo dài tình trạng độc quyền chính trị, hầu các giai cấp cán bộ chóp bu có thể trục lợi, vinh thân phì da, bất chấp tiền đồ của dân tộc. Họ đã mất lý tưởng và bây giờ sẵn sàn bán linh hồn cho ác quỷ, thay vì theo chân các đàn anh tại Đông Âu, canh tân đổi mới, huỷ bỏ điều 4 hiến pháp (trao độc quyền chính trị cho đảng CSVN), tu chính hiến pháp, chấp nhận một nền dân chủ hiến định, pháp trị và đa nguyên . 

 

Dĩ nhiên họ phải gặt hái những kết quả hoàn toàn trái ngược.

Việc làm của họ chứng minh rằng họ đã lập lại những hành vi bạo ngược, có tính cách áp đặc quyền lực của những kẻ thống trị trên một dân tôc bị trị, như An Lịch Sơn Đại Đế của Nhã Điển sau khi hùng binh của mình đã đánh tan tàn quân của Ai Cập. Như Nga Hoàng Peter The Great dùng tên của mình để lưu lại cho hậu thế trong một địa danh vĩ đại. Tất cả những vị quân vương nêu trên đều đại biểu cho những chế độ quân chủ chuyên chế, phong kiến (feudalism), đế quốc chủ nghĩa (imperialism) mà chính người cọng sản luôn luôn đả phá, lên án và phê phán gắt gao.    

Khi họ thẳng tay xóa bỏ những tên như  St. Petersburg, Sài Gòn cùng với những truyền thống và ký ức của toàn dân gắn liền với những tên ấy, họ đã coi thường sự thông minh của người dân mà họ cai trị, chẳng khác nào các đoàn quân viễn chinh của An Lich Sơn Đại Đế coi thường các dân tôc “man ri mọi rơ”ỉ mà họ chinh phục.

 

Trong khi đó người Việt Nam từ Bắc Trung Nam đều phát xuất từ một giòng giống tiên rồng, đều đóng góp như nhau vào tiến trình chống lại Trung Hoa từ phương Bắc để giữ gìn bớ cõi, và chinh phục miền nam để mở rộng sơn hà. Sau ngày 30 tháng 4, 1975 đến giờ, nhờ vào tinh thần cởi mở và khai phóng sẵn có của người Việt không cọng sản tại miền nam, nhờ vào lòng nhân ái và rộng lượng của cộng đồng người Việt hải ngoại (phần lớn phát xuất từ miền nam) mà CSVN mới tạm thời ổn định và phát triển được về kinh tế. Một chứng cớ hùng hồn nhất là sự phát triển vượt bực của nền kinh tế trong phạm vi thành phố Sài Gòn lúc nào cũng cao hơn Hà Nội.

Trước ngưỡng cữa của thế kỷ 21, cùng với sự thoái trào của các ý thức hệ giáo điều, trào lưu dân chủ đa nguyên như một cơn thủy triêù dâng lên khắp năm châu bốn biển, đem lại dân chủ và nhân quyền cho hằng trăm triệu người rên xiết đưới các chế độ chuyên chính độc tài từ Âu sang Á đến Phi Châu.

 

Áp lực này đang đè nặng trên các đảng CSViệt Nam, CS Trung Quốc, CS Bắc Hàn, CS Cuba, Quân Phiệt tại Miến Điện và một số quốc gia Phi Châu, Giáo Phiệt tại Iran.

Đã đến lúc người CSVN phải làm một cuộc cách mạng bản thân và đại phản tỉnh, thay vì nhai lại tất cả những gì người Trung Quốc nhả ra, phát huy sáng kiến của chính mình, đi trước Trung Quốc trong công cuộc dân chủ hóa và hiện đại hóa đất nước.

 

Thảm họa sát thân của dân tộc Việt Nam bắt nguồn từ tinh thần tùng phục Bắc Phương của vương triều Nguyễn Phước Ánh. Sự thủ cựu theo Tống Nho của Thanh Triều đã đưa Trung Quốc, và cùng một lúc chư hầu mù quáng Việt Nam, đến chỗ suy thoái bại vong. Người CSVN phải vùng lên, đưa đất nước noi gương Nhật Bổn, Đài Loan, Nam Hàn và qua mặt Trung Quốc.

Bài học mà lịch sử đã cho dân tộc chúng ta, và bây giờ người CSVN phải học lại, là khi sống gần một đế quốc như Trung Quốc thì chỉ có một phương thức sống còn duy nhất. Đó là phải vượt trội Trung Quốc về mọi phương diện. Bước đầu tiên phải là cởi trói cho dân chúng về phương diện chính trị để người dân có hoàn toàn tự do tư duy và tự do sáng tạo, kể cả sáng tạo của cải để làm nước mạnh dân giàu.

 

Tại sao người CSVN lại phải cam tâm noi gương người cọng sản Xô Viết để đổi tên thành phố Sài Gòn? Tại sao người CSVN lại phải noi gương người CS Trung Quốc để khống chế sự phát huy một xã hội dân sự (civil society) chân chính và sự phát triển những cơ chế dân chủ thật sự trên đất nước của toàn dân?

Đã đến lúc người Việt Nam, kể cả những người CSVN, suy nghĩ độc lập cho chính mình.

Nghĩa cử đầu tiên mà người CSVN có thể làm mà không cần tốn nhiều công lao, giấy mực và lấy được lòng dân : đó là trả lại cho Saì Gòn tên Saì Gòn. Sau đó dĩ nhiên là thực thi tự do tôn giáo toàn diện, trong bối cảnh một sách lược phục hưng văn hóa dân tộc rộng rãi, hầu nhận diện “bàn lai diện mục” của chính dân tộc mình (national identity), để thay thế cho vị trí của chủ thuyết Mác Lê ngoại lai. Đồng thời canh tân xứ sở qua việc  hủy bỏ điều 4 hiến pháp hiện hành, bầu lên một quốc hội lập hiến, hiến định hóa một nền dân chủ hiến định , pháp trị và đa nguyên và tổng tuyển cử dưới sự giám định của Liên Hiệp Quốc.

Người CSVN luôn luôn nhắc nhở đến tư tưởng Hồ Chí Minh như là kim chỉ nam của dân tộc. Thật sự thì ông ấy chưa bao giờ là một tư tương gia đúng nghĩa như Lenin, Mao Trach Đông, Tôn Dật Tiên, Gandhi v.v..Ông ta chỉ là một chính trị gia khôn ngoan, uyển chuyển và tài ba nhất trong việc đu dây giữa 2 đàn anh đang xung đột với nhau là Nga Sô và Trung Quốc. Mục đích là không làm mất lòng đàn anh nào quá mức để nhận được viện trợ tài và vật lực hầu tiếp sức cho cuộc chiến tại miền nam.

 

Dĩ nhiên chiến thuật này có những lợi lạc lớn lao ngắn hạn. Tuy nhiên cái bất lợi dài hạn của nó tồn tại cho đến ngày nay. Đó là căn bản của chiến thuật ấy là sự bợ đỡ khéo léo những đàn anh mà không xây dựng khả năng tư duy sáng tạo của chính ngươì CSVN.

Chính vì thế, sau khi cuộc chiến miền nam chấm dứt, nhận thấy Liên Bang Xô Viết có vẻ hùng mạnh và sáng sủa hơn Trung Quốc thì CSVN lập tức phản bội Trung Quốc và ủng hộ CS Liên Xô ra mặt. Kết quả bị Đặng Tiểu Bình day cho 1 bài học đích đáng.

 

Sau đó đến lược CS Liên Xô cáo chung thì CSVN lại quay ra bợ đỡ Trung Quốc mà không biết hổ thẹn.

Câu hỏi đặt ra là nếu vì một lý do nào đó trong tương lai mà Trung Quốc phải trải qua một sự thay đổi và tái phối trí quyền lực toàn diện (như hậu quả của một sự xung đột võ trang tại eo biển Đài Loan kéo theo Hoa Kỳ, xung đột nguyên tử giữa Bắc Hàn và Nam Hàn kéo theo Nhật Bản và Trung Quốc, hoặc sự loạn lạc xảy ra do sự nổi dậy của các lãnh chúa các  tỉnh và vùng tự trị của Trung Quốc mênh mông v.v..) thì người CSVN sẽ đi tìm nơi nào nữa hầu nương tựa tinh thần?

Một đảng chính trị cầm quyền từ năm 1945 đến nay mà luôn luôn mất định hướng về tư tưởng chỉ đạo như thế có xứng đáng tồn tại trong lịch sử của dân tộc như là một chính đảng nghiêm chỉnh hay không? Vận mệnh của người CSVN sẽ trôi dạt về đâu trong vùng trời tư tưởng bao la của kỷ nguyên mới.

 

Chính vì những lý do nêu trên, tác động trả lại tên cho Saì Gòn, mặc dù trên phương diện thực tế rất đơn giản. Tuy nhiên trên bình diện biểu tượng sẽ là một bước đi cách mạng có tính cách đoạn tuyệt với quá khứ, đoạn tuyệt với sự lệ thuộc ngoại bang, đoạn tuyệt với sự nô lệ tư tưởng Nga hoặc Tàu, tìm về với đất nước, dân tộc và quan trọng hơn hết là can đảm cả gan đi trước đàn anh Trung Quốc cố hữu, trên bước đường canh tân xứ sở, quang phục quê hương.

 

Sydney

Luật Sư Đào Tăng Dực

           

            Trở lại trang đầu