Góp Ý Cùng Ðại Hội X Ðảng Cộng Sản Việt Nam

Ðào Tăng Dực

-Luật Sư Tòa Thượng Thẩm New South Wales, Úc Ðại Lợi

 

Kính Ông Nông Ðức Mạnh

Tổng Bí Thư

Ðảng Cộng Sản Việt Nam

Hà Nội

Việt Nam

 

C/- Nhờ các cơ quan sau đây kính chuyển:

  1. Ðảng Cộng Sản Việt Nam

Email: vanphongbttvh@cpt.gov.vn

  1. Tòa Ðại Sứ Việt Nam, Canberra

Email: vembassy@webone.com.au

  1. Tòa Soạn Tuổi Trẻ Online

(Cơ quan ngôn luận của Ðoàn Thanh Niên Cộng Sản Hồ Chí Minh)

Email: toasoan@tuoitre.com.vn

  1. Tòa Soạn Vietnamnet

(Cơ quan ngôn luận của Tổng Công Ty Bưu Chính Viễn Thông Việt Nam)

Email: support@vietnamnet.vn

            gopyphattrien@vietnamnet.vn

 

Kính thưa Ông Tổng Bí Thư,

 

Trước thềm Ðại Hội Ðảng lần thứ X, như là một người Việt quan tâm đến vận mệnh đất nước, tôi xin noi gương quý Ông Nguyễn Trung, TS Nguyễn Bình, Nhà Báo Phan Thế Hải và những sĩ phu yêu nước khác góp ý cùng Ðảng CSVN như sau:

Nhiều thành phần cấp tiến trong cũng như ngoài nước và trong cũng như ngoài Ðảng đã đề nghị nhiều biện pháp để nới rộng lãnh vực kinh tế tư nhân, và ngay cả những đề nghị táo bạo để xây dựng một chế độ đa đảng tại Việt Nam.

 

Tôi xin đưa ra một vài đề nghị như sau trên các phương diện văn hóa và chính trị:

 

Trong cơn sốt đổi mới của kỷ nguyên 21, mọi nổ lực đều dồn cho nhu cầu canh tân đất nước, kỹ nghệ hoá công nghiệp…Trong khi đó kỳ thực đất nước chúng ta cần một mô hình phát triển quân bình hơn. Mô hình đó phải gồm cả 2 yếu tố:

-Cả ôn cố

-Lẫn tri tân.

Ðể ôn cố chúng ta cần phải phát động một phong trào phục hưng văn hóa dân tôc sâu rộng. Và để tri tân chúng ta cần phải xây dựng một nền dân chủ Hiến Ðịnh, Pháp Trị và Ða Nguyên tiến bộ nhất.

I. Phục Hưng Văn Hóa Dân Tộc: 

Công cuộc xây dựng và phát triển một thể chế dân chủ thực sự chỉ tiến hành hữu hiệu trong bối cảnh của một nền văn hóa dân tộc chân chính và khai phóng. Trong giai đoạn hiện tại của lịch sử, với những suy thoái nghiêm trọng về đạo đức và tinh thần, hiểm họa to lớn nhất của dân tộc Việt Nam không có tính cách ý thức hệ chính trị mà là hiểm họa mất văn hóa. Nền văn hóa truyền thống đông phương, trên căn bản Tam Giáo Ðồng Nguyên (Phật, Lão, Khổng) không những bao hàm những khía cạnh tôn giáo, mà đồng thời là những nền minh  triết uyên thâm, vắng bóng mê tín dị đoan, đã dìu dắt các dân tộc Ðông Á trên nhiều chặng đường mấy ngàn năm lịch sử mà không gây ra bất cứ một cuộc chiến tranh tôn giáo nào. Nền văn hóa này tại Việt Nam đã đủ khả năng bao hàm và dung hợp những tôn giáo mới mẻ, đến từ Tây Phương (như Công Giáo và Tin Lành) trong tinh thần hòa bình và tương kính.

Với sự cáo chung của ý thức hệ Mác- Lê và khoảng trống tâm linh gây ra trong tâm hồn của nhiều thành phần trong đại khối dân tộc, nền văn hóa truyền thống này sẽ là chỗ nương tựa tinh thần chân chính và vô giá của cha ông chúng ta để lại. Không những các đảng viên của đảng CSVN, mà đảng viên của các đảng phái quốc gia chống Pháp, vốn vay mượn rất nhiều từ các nhà tư tưởng dân chủ Trung Quốc như Tôn Dật Tiên, Khang Hữu Vi, Lương Khải Siêu v.v…sẽ có thể buông neo tư tưởng của mình trong dòng văn hóa phi ý thức hệ và vô cùng khai phóng của triết học đông phương.

Dưới sự lãnh đạo của đảng CSVN, đất nước chúng ta đã đi sau Trung Quốc trong công cuộc đổi mới. Chúng ta cũng đã đi sau trong việc gia nhập Tổ Chức Mậu Dịch Quốc Tế (WTO). Chúng ta nhất quyết không thể đi sau Trung Quốc trong công cuộc dân chủ hoá đất nước. Chúng ta phải quyết tâm dân chủ hoá đất nước trước Trung Quốc, phục hưng lại nền minh triết Ðông Phương trước Trung Quốc, và trở thành mẫu mực cho một công cuộc phục hưng văn hoá Ðông Á lớn lao hơn tại Trung Quốc và trên toàn cõi Ðông Á. Chúng ta là một dân tộc hào hùng và sẽ sống lại truyền thống hào hùng, tiên phong và khai phóng trên mọi phương diện của các triều đại Ðinh, Lê, Lý, Trần và Quang Trung Nguyễn Huệ.

Ði xa hơn nữa, nếu chúng ta có đủ hùng tâm tráng chí và nền minh triết Ðông Phương đó được phát huy trên toàn cầu thì thông điệp từ bi và trí tuệ của nó sẽ xoa dịu phần nào những xung đột đẫm máu giữa các khối cực đoan của Tây Phương Thiên Chúa Giáo và Trung Ðông Hồi Giáo hầu giảm bớt hiểm họa chiến tranh diệt chủng, đem lại hòa bình lâu dài cho nhân loại.

II. Xây Dựng Một Nền Dân Chủ Hiến Ðịnh, Pháp Trị và Ða Nguyên Tiến Bộ Nhất.

Khi chúng ta chủ trương đa nguyên là chúng ta phải chủ trương đa nguyên tuyệt đối và triệt để. Chúng ta sẽ tránh những khuyết điểm trầm trọng của các chế độ dân chủ lỗi thời như tại Hoa Kỳ và Anh Quốc, vốn chỉ là những chế độ lưỡng đảng đội lốt đa nguyên. Trong những chế độ này chỉ có 2 chánh đảng thay phiên nhau nắm quyền hoặc gạt bỏ các đảng phái khác ra khỏi mọi quyết định về chính sách quốc gia. Những thế lực tư bản chỉ cần khuynh loát 2 chính đảng bằng sức mạnh của tài lực thì sẽ dễ dàng khống chế xã hội, tạo nhiều sự bất công.

Trong cơn sốt đổi mới chính trị, chúng ta cần phải nghiêm chỉnh lưu ý các khuyết điểm này.

1. Thế nào là Hiến Ðịnh:

Yếu Tố Hiến Định bao gồm:

a. Quyền lực của quốc gia và mọi luật pháp của quốc gia không những đặt trên căn bản mà còn phát xuất từ một Bản Hiến Pháp được định nghĩa như là một khế ước xã hội căn bản được long trọng ký kết bởi mọi công dân trong quốc gia.

b. Không một cá nhân, thành phần của xã hội dân sự hoặc cơ chế của nhà nước cần trung thành với bất cứ một cá nhân, cơ chế, hoặc chính đảng nào. Tuy nhiên tất cả đều phải bảo vệ và trung thành với hiến pháp. 

c. Tất cả mọi luật pháp và tác động của hành pháp không phù hợp với tinh thần của Hiến Pháp đều bị coi là vi hiến và không có hiệu lực pháp lý.

d. Để củng cố cho yếu tố hiến định, các nguyên tắc căn bản sau đây phải được hiến định hóa:

- Nguyên tắc đa nguyên chính trị.
- Nguyên tắc tự do tư hữu.
- Nguyên tắc tự do kinh doanh.
- Nguyên tắc tự do hội họp và lập hội.
- Nguyên tắc tự do tư tưởng.
- Nguyên tắc tự do tôn giáo.
- Nguyên tắc tự do báo chí.
- Nguyên tắc tự do đi lại.
- Nguyên tắc bình đẳng cơ hội cho mọi cá nhân và hữu thể pháp lý trong xã hội.
- Nguyên tắc pháp trị.
- Nguyên tắc phân quyền.

2. Thế Nào Là Pháp Trị.

Yếu tố Pháp Trị bao gồm:

a. Mọi cá nhân, mọi thành tố của xã hội dân sự và mọi cơ cấu của nhà nước hay chính quyền, chỉ là những hữu thể pháp lý tuyệt đối bình đẳng trước luật pháp.

b. Tư Pháp là một cơ phận tối cao của quốc gia giữ trọng trách điều hợp và giải quyết mọi xung đột giữa những hữu thể pháp lý trong quốc gia. Chính vì thế ngành tư pháp phải có một vị trí hoàn toàn độc lập và đứng ngoài vòng ảnh hưởng của các áp lực có tính cách phe nhóm, hoặc áp lực đến từ Hành Pháp hoặc Lập Pháp.

c. Pháp trị có nghĩa là đặt căn bản luật pháp trên những nguyên tắc chí công vô tư được ghi rõ trong hiến pháp và trong các văn kiện pháp lý được quốc hội thông qua.

d. Tất cả các thành phần trong xã hội đều có quyền được bào chữa khi bị truy tố chính thức và phải được xử án một cách công khai trong một phiên xử công bằng.

3. Thế Nào Là Ða Nguyên.

Yếu tố Đa Nguyên bao gồm:

a. Quyền lực chính trị trong một quốc gia phải luôn luôn phát xuất từ nhiều tụ điểm khác nhau. Những tụ điểm này không những là những đảng phái chính trị khác nhau mà ngay cả những đoàn thể có tính cách tôn giáo, xã hội, từ thiện, kinh tế, sắc tộc, phái tính, nghề nghiệp, đẳng cấp xã hội hoặc bất cứ một tụ điểm hợp pháp nào khác.

b. Bằng tác động chấp nhận đa số, một chế độ dân chủ đa nguyên vẫn phải trân trọng và nuôi dưỡng sự hiện hữu và đóng góp của thiểu số. Tôn trọng quyền hiện hữu và sự đóng góp của thiểu số đối lập là một yếu tố căn bản của nền dân chủ thật sự.

Ðể bảo đảm tính cách tuyệt đối của quan diểm đa nguyên, phải có 2 yếu tố cần được hiến định hóa. Ðó là các yếu tố:

a.    Bầu cử theo thể thức “đại diện theo tỷ lệ” (proportional representation) thay vì “ngựa chạy về nhất”(first past the post)

b.    Bầu cử cưỡng bách (compulsory voting) thay vì bầu  cử không cưỡng bách (non- compulsory voting)

Phương thức bầu cử ngựa chạy về nhất được áp dụng tại Hoa Kỳ và Anh Quốc. Phương pháp này đem lại chiến thắng toàn diện cho cá nhân hoặc đảng phái có tỷ lệ phiếu tương đối. Chẳng hạn trong 1 cuộc bầu cử gồm có 5 đảng phái hoặc 5 ứng cử viên thì chỉ cần ứng cử viên nào có tỷ lệ phiếu cao nhất tương đối thì ứng cử viên ấy đắc cử. Một quy luật như thế thuận lợi cho các đảng phái lớn, có nhiều tài lực để khuynh loát.

Trong khi đó phương pháp đại diện theo tỷ lệ sẽ cho phép cử tri được quyền chọn những ứng cử viên kế tiếp nếu ứng cử viên thứ nhất của mình không đủ phiếu để đắc cử. Có 2 hậu quả quan trọng xảy ra. Thứ nhất là phương thức bầu cử này sẽ làm cho ứng cử viên nào có đa số tuyệt đối “trên căn bản khi còn lại duy nhất 2 đối thủ” (on a two party preferred basis) thắng cử. Thứ nhì là phương thức này nhạy cảm với lá phiếu đếm mức độ là: thông thừơng số dân biểu của một chính đảng đắc cử trong quốc hội sẽ tương xứng với tỷ lệ ủng hộ của dân chúng. Một đảng phái có 50% cử tri ủng hộ sẽ có 50% đại diện trong quốc hội. Một đảng phái có 30% hoặc 5% cũng sẽ có số đại diện tương xứng. Ðiều này vô cùng công bằng và tránh được những bất công thường xảy ra tại Hoa Kỳ. Có thể nói rằng Hoa Kỳ là một thể chế tư bản, không nhất thiết là một nền dân chủ đa nguyên chân chính.

Nếu không nhờ sự hiện hưũ của một thể chế pháp trị (rule of law) nghiêm minh, thì Hoa Kỳ đã trở thành một chế độ độc tài tư bản lưỡng đảng rồi.

Tại sao phải cưỡng bách bầu cử trong một chế độ dân chủ? Ðây có phải là một nghịch luận hay không?

Xin thưa rằng ngay tại các quốc gia Tây Phương giàu mạnh vẫn có những sự sai biệt về kinh tế giữa những giai cấp giàu và nghèo. Giai cấp giàu thường có nhiều thông tin, phương tiện và tham gia nhiều hơn vào sự hình thành các chính sách của quốc gia. Một trong những tác động tham gia quan trọng nhất là tác động hành xử quyền công dân của mình qua việc bầu cử. Theo tôi việc duy trì quyền tự do không đi bầu tại Hoa Kỳ, và một số quốc gia tư bản khác, là một âm mưu thâm độc của giai cấp thống trị, hầu để dễ dàng duy trì vị trí ưu việt và quyền lợi giai cấp của mình. Chính vì giới lao động và nghèo khổ có khuynh hướng lơ là, ít tham gia bầu cử mà quyền lợi càng ngày càng bị suy giảm.

Phương thức duy nhất để bảo vệ cho họ chính là luật bầu cử cưỡng bách. Ðây là sự cưỡng bách duy nhất và tối cần thiết bao lâu xã hội còn bất công.

Nêu trên là những vấn đề nguyên tắc căn bản.

III. Trong mục tiêu thực thi các nguyên tắc trên tôi xin đề nghị những biện pháp cụ thể như sau:

 

1.    Ðảng CSVN hành xử uy quyền và sự kiểm soát Quốc Hội trên thực tế của mình để lập tức hủy bỏ điều 4 hiến pháp hiện hành. Lý do hiển nhiên là vì điều 4 hiến định hóa sự độc quyền lãnh đạo chính trị của Ðảng CSVN và là mầm móng của mọi bất công, tham nhũng, ung thối vì Ðảng nắm quyền sinh sát tuyệt đối trong một thế giới không còn chấp nhận sự độc tài tuyệt đối nữa.

2.    Sau khi hủy bỏ điều 4 hiến pháp, thì một quốc hội lập hiến phải được bầu lên với sự tham gia của mọi đảng phái và mọi thành phần khác của xã hội dân sự và với sự giám định của Liên Hiệp Quốc.

3.    Sau khi quốc hội lập hiến được bầu lên thì quốc hội đương nhiệm sẽ giải tán.

4.    Quốc hội lập hiến sẽ thành lập một Ủy Ban Soạn Thảo Hiến Pháp mới. Ủy Ban này sẽ mời gọi sự tham gia và đóng góp ý kiến từ mọi đảng phái, phe nhóm của xã hội dân sự, từ các chuyên gia về luật hiến pháp hầu viết lên một bản dự thảo hiến pháp dân chủ hiến định, pháp trị và đa nguyên thật sự.

5.    Quốc hội lập hiến sẽ thông qua hiến pháp mới.

6.    Sau đó căn cứ trên hiến pháp mới, một cuộc Tổng Tuyển Cử hoàn toàn tự do, dưới sự giám sát của Liên Hiệp Quốc sẽ được tổ chức. Các cơ chế lập pháp và hành pháp theo đúng tinh thần của tân hiến pháp sẽ được dân chúng bầu lên.

7.    Hiến định hóa sự độc lập và thế đứng bên ngoài chính trị của ngành tư pháp (các hệ thống tòa án và các quan tòa), quân đội và các lực lượng cảnh sát-công an.

8.    Tinh thần của hiến pháp mới phải hướng về tương lai và dứt khoát với quá khứ. Nhất là tuyệt đối ngăn cấm những cá nhân và tập thể muốn lợi dụng quá khứ để trả thù hoặc thanh toán các món nợ cũ.

 

IV. Các biện pháp cụ thể trên sẽ tạo ra những hậu quả thực tế trên chính trường và trong xã hội mà chúng ta cần giải quyết.

Các hậu quả thực tế ấy là gì?

a. Một trong những yếu tố quan trọng của ý niệm đa nguyên là trách nhiệm hiến định của chính quyền trong việc khuyến khích và xây dựng những đảng phái đối lập mạnh. Lý do là vì không có một nền dân chủ nào lành mạnh nếu chính quyền không phải đối diện thường trực với những lực lượng chính trị có khả năng thay thế cho mình, nếu mình chễnh mãng hoặc thất thoát trong trách vụ lãnh đạo quốc gia. Lãnh đạo quốc gia không những là một trách nhiệm thiêng liêng mà còn là một đặc ân mà dân chúng trao cho một chính đảng. Dân chúng trao vì họ đánh gía là chính đảng ấy xứng đáng trong một cuộc bầu cử dân chủ. Nếu người dân cảm thấy bất xứng thì họ có quyền lấy lại và trao đặc ân ấy cho một đảng phái khác. Cứ như thế mà các chính đảng phải cạnh tranh, trau dồi phẩm chất của mình để thay phiên nhau lãnh đạo quốc gia. Tuy nhiên trên thực tế, một đảng CSVN nắm quyền có đủ hùng tâm và tráng chí để xây dựng cho những đảng phái đối lập hay không là một chuyện khác. Khuynh hướng lạm dụng quyền lực khi nắm được chính quyền hầu kéo dài chế độ sẽ làm chậm đi tiến trình xây dựng đất nước và con người Việt Nam.

b. Kỷ nguyên làm chính trị trong đó quan niệm “địch phải chết nếu ta muốn sống, hoặc nếu đối thủ của ta sống thì chính ta sẽ phải chết” đã qua. Trong kỷ nguyên trước mắt, một đảng chính trị cầm quyền chỉ có thể xây dựng được phúc lợi cho dân tộc nếu đảng ấy có thể đem lại phúc lợi cho toàn dân, trong đó có cả những chiến hữu, đồng minh và các đối thủ của mình. Không có một sách lược chính trị nào thật sự đem lại phúc lợi nếu không đem lại phúc lợi cho cả những đối thủ trên chính trường của chúng ta. Chính vì thế một thể chế dân chủ hiến định, pháp trị và đa nguyên chân chính sẽ đem lại phúc lợi cho chính Ðảng CSVN, và sẽ củng cố vị trí đứng của đảng này trong chiều dài lịch sử của dân tộc. Chúng ta có thể ví môi trưòng chính trị của kỷ nguyên mới như Cyberspace, hoặc tình thương vô bờ bến của mẹ Việt Nam. Nó mênh mông vô tận và là nơi dung thân tốt, cũng như cộng sinh hòa bình cho tất cả mọi thành phần và khuynh huớng của dân tộc. Không ai cần tranh giành để có đất sống vì nó thừa đất sống cho tất cả.

c. Một điều đáng tiếc cho đất nước chúng ta (và cho chính đảng CSVN) là sự yếu kém của các đảng phái và lực lượng chính trị không cộng sản. Lý do là vì tại miền Bắc, theo quan điểm chuyên chính của Lenin, đảng CSVN đã tận lực tiêu diệt các đảng phái đối lập. Tại miền Nam các đảng phái đối lập không phát triển được vì các chính sách đàn áp đối lập của chế độ Diệm Nhu và đệ nhị cộng hòa. Hậu quả là vào giai đoạn đầu của bối cảnh chính trị đa nguyên, đảng CSVN là chính đảng duy nhất với hạ tầng cơ sở vững mạnh, với nguồn tài chánh dồi dào, sẽ dễ dàng thắng cử trong những nhiệm kỳ đầu tiên. Trên bình diện tiêu cực thì chính quyền sẽ không thay đổi. Tuy nhiên trên bình diện tích cực thì có 2 hệ lụy quan trong. Ðó là: hệ thống chính trị đã chuyển từ độc tài chuyên chính sang dân chủ đa nguyên, và các đảng phái đối lập có thời gian chuyển tiếp để củng cố, xây dựng, hầu đóng góp lâu dài cho đất nước, trong hoàn cảnh thực tế của đất nước, và một môi trưòng chính trị cởi mở, trong sáng.

d. Trong môi trường chính trị của tương lai, tiêu chuẩn duy nhất để đo lường lòng yêu nước của một chính đảng là tinh thần tôn trọng sự thật. Cũng như một người vợ không thể yêu chồng, một người cha không thể yêu con, một người con không thể yêu mẹ (hoặc ngược lại), nếu kẻ này dối gạt người kia. Tình yêu chân chính chỉ có nếu chúng ta kính trọng sự thông minh của người mình yêu thương bằng cách nói lên sự thật với họ. Lòng yêu nước cũng không ngoại lệ. Ðưa ra một bản hiến pháp như hiến pháp 1992 với những ngôn từ hoa mỹ vẽ vời, nhắc nhở đến nhân quyền, dân quyền cao đẹp, trong khi đó qua điều 4 hiến pháp và những sắc luật vi hiến rõ rệt, ngang nhiên tước đoạt nhân quyền và dân quyền, không thể gọi là một hành vi yêu nước thương dân được. Sự kiện các đảng CS Trung Quốc, Cuba và Bắc Hàn khinh thường sự thông minh của các dân tộc họ, không phải là những biện minh nghiêm chỉnh để đảng CSVN khinh thường sự thông minh của dân tộc Việt Nam. Một bản hiến pháp dân chủ Hiến Ðịnh, Pháp Trị và Ða Nguyên của tương lai phải hoàn toàn trong sáng và trung thực, vì chúng ta muốn bày tỏ trọn vẹn lòng yêu nước của toàn dân, nhất là những người lèo lái con thuyền đất nước.  

Với những đóng góp thành thật nêu trên, tôi kính mong được lắng nghe và hồi âm.

Trân trọng,

Luật Sư Ðào Tăng Dực

Sydney 14/03/2006

Ðịa Chỉ Liên Lạc:

PO Box 744

Wentworthville NSW 2145

Australia.  

 Tel: (02) 9863-2650

Trở lại trang đầu