Đại Hội Đảng CSVN 2011

Vấn Đề tu chính hiến pháp 1992:

Bài của LS Đào Tăng Dực

 

Là người dân sắc tộc gốc Việt sinh sống trong những quốc gia dân chủ như Hoa Kỳ, Úc Châu, Âu Châu... chúng ta không thể tránh được sự hổ thẹn khi thấy nguyên thủ các quốc gia trong khu vực như Phi Luật Tân, Mã Lai, Nam Dương, Nam Hàn, Nhật Bản thăm viếng và được các cộng đồng sắc tộc liên hệ nồng nhiệt tiếp đón, trong niềm hãnh diện về người đại diện dân cử quốc gia mình. Ngoài ra, các sứ quán của họ cũng là những nơi họ có thể nương tựa và cộng tác, hầu phát huy văn hóa của dân tộc, trên quê hương thứ hai mà họ lập nghiệp.

Trường hợp của cộng đồng người Việt hải ngoại thì khác hẳn. Mỗi khi các Ông Nông Đức Mạnh, Nguyễn Tấn Dũng hoặc Nguyễn Minh Triết đi thăm viếng Hoa Kỳ hoặc Úc Đại Lợi thì cộng đồng người Việt Tự Do lại tổ chức biểu tình rầm rộ để chống đối và đòi hỏi dân chủ - nhân quyền cho toàn dân Việt Nam. Cái gọi là “đại sứ quán” của CHXHCN Việt Nam thì được đồng bào hải ngoại mệnh danh là “hang ổ của độc tài đảng trị”, và là nơi phát xuất những đặc công nằm vùng, hầu thu tin tức cho CSVN, hòng ngăn chận những hoạt động chống độc tài ngay tại hải ngoại.

Niềm hổ thẹn riêng của chúng ta chỉ là chuyện nhỏ. Chuyện lớn là mỗi khi có chuyến công du của những “quốc khách“ từ Việt Nam, thì hầu như ý thức về niềm quốc nhục lên cao trong tâm thức của mọi người Việt trên khắp năm châu bốn bể đối với dân chúng bản địa.

Trong thời đại tin học này, làm sao chúng ta có thể dấu được báo chí và truyền thông của những quốc gia dân chủ thực sự rằng Nông Đức Mạnh, Nguyễn Tấn Dũng và Nguyễn Minh Triết chưa bao giờ được dân Việt bầu lên, trong một cuộc phổ thông đầu phiếu công khai và công bằng?

Làm sao chúng ta có thể giải thích được với những người bạn Tây Phương làm việc cùng sở, những người bạn trong các nhóm sắc tộc khác nhau, rằng một dân tộc thông minh, tự trọng và đôi khi kiêu hùng trong lịch sử, lại có thể bị một tập đoàn độc tài toàn trị khống chế vô điều kiện, mà vẫn chưa tìm được lối thoát trong suốt nhiều thập niên?

Câu hỏi luôn có thể đến từ các cộng đồng bạn như Thái Lan, Nam Dương, Nam Hàn là: có phải dân tộc Việt Nam kém thông minh, hoặc ương hèn hơn các dân tộc trên, nên không xứng đáng hưởng những tự do và nhân quyền các dân tộc kia xứng đáng được hưởng?

Những câu hỏi khó trả lời trên nói lên phần nào niềm quốc nhục lớn lao mà dân tộc chúng ta gánh chịu trên năm châu bốn bể, bao lâu mà CSVN còn độc quyền cai trị đất nước.

Niềm quốc nhục thứ hai là thái độ khiếp nhược và quy hàng rõ rệt của các lãnh đạo CSVN dưới sự áp bức của Trung Quốc. Sau khi đã nuốt chửng nhiều phần lãnh thổ và lãnh hải của dân Việt, CSTQ còn có nhiều tuyên bố trịch thượng về chủ quyền của họ trên vùng biển Đông. Những phản ứng yếu hèn của CSVN không thể thoát khỏi tầm nhìn của các quan sát viên quốc tế và con dân Việt trên khắp thế giới.

Nguyên nhân của các niềm quốc nhục này phát xuất từ nhiều sự kiện lịch sử, kể cả thảm họa ý thức hệ  giáo điều Cộng Sản trên đất nước, và các thế lực siêu cường, vượt ra ngoài tầm vóc của một quốc gia nhược tiểu như Việt Nam vào tiền bán thế kỷ 20.

Tuy nhiên phương thức giải quyết nằm nơi bản hiến pháp hiện hành 1992 do CSVN dàn dựng và Nông Đức Mạnh ban hành. Khởi đầu là điều 4 hiến pháp. Sự tu chính hiến pháp sẽ là bước khởi đầu để khai thông sinh lộ mới, đoàn kết dân tộc, phát triển đất nước, dương cao ngọn cờ tự chủ với Bắc Phương và xóa bỏ các nỗi quốc nhục này.

Trước thềm đại hội đảng CSVN 2011, chúng ta có thể nhận định rằng những sự kiện khách quan cho thấy, trào lưu dân chủ hiến định, pháp trị và đa nguyên đã thổi qua toàn thể nhân loại. Tiến trình dân chủ hóa đã đi vào những xã hội Đông Á và Đông Nam Á bảo thủ nhất như Nhật Bản, Nam Hàn, Đài Loan, Nam Dương, Mã Lai, Phi Luật Tân, Thái Lan và ngay cả Cam Bốt. Đây là một tiến trình bất khả vãn hồi. Dù CSVN có ba đầu sáu tay, cũng không thể trốn chạy. Những sự đàn áp của họ cũng chỉ trì hõan miễn cưỡng tiến trình này mà thôi. Bánh xe lịch sử đã chuyển mình và mọi trở lực, kể cả đảng CSVN sẽ bị nghiền nát.

Giới lãnh đạo đương thời CSVN, và ngay cả một số quan sát viên chính trị quốc tế, đã đáng gía sai lầm sức mạnh, tiềm năng và mức độ trưởng thành của quan điểm dân chủ hiến định, pháp trị và đa nguyên, như là một trào lưu tư tưởng cách mạng hiện thời tại Việt Nam, trong thời đại thặng dư tin học.

Như tác gỉa sẽ trình bày, những cá nhân hoặc phe nhóm các nhà bất đồng chánh kiến, hoặc các thành phần trong đảng CSVN ủng hộ các quan điểm dân chủ, không phải là những cá nhân đơn lẻ dễ dàng bị cường quyền bắt nạt. Trái lại, trong xã hội toàn trị như Việt Nam ngày hôm nay, những cá nhân và phe nhóm này chính là đỉnh của những tảng băng sơn khổng lồ đang chuyển động dưới mặt phẳng im lìm của đại dương dân tộc. Thay vì lắng nghe nguyện vọng toàn dân, những tay chóp bu đảng đã cố tình phớt lờ và đàn áp dã man. Con thuyền của đảng CSVN, trong tương lai gần hơn chúng ta tưởng tượng, sẽ tan tành vì những tảng băng sơn dân chủ dưới mặt phẳng im lìm của đại dương dân tộc Việt Nam.

Dĩ nhiên, cảm nhận được một phần hiểm nguy này, ngay cả đối với những thành phần lãnh đạo bảo thủ nhất của CSVN, nhu cầu tu chính hiến pháp cũng là nhu cầu họ không thể chối cãi trước thềm đại hội đảng.

Tuy nhiên, nhu cầu và mức độ tu chính hiến pháp được nhiều thành phần xã hội nhận diện và diễn giải khác nhau. Các thành phần này bao gồm:

A.        Thành phần đối lập bên ngoài đảng:

Trước hết, đối với những thành phần bất đồng chính kiến, phát sinh từ trong xã hội dân sự (civil society) đứng bên ngoài đảng CSVN như LS Lê Thị Công Nhân, LS Nguyễn Văn Đài, KS Đỗ Nam Hải, Doanh Nhân Trần Huỳnh Duy Thức, HT Thích Quảng Độ, LM Nguyễn Văn Lý ...thì phải có một sự cải tổ hiến pháp toàn diện, đi đến chế độ dân chủ hiến định, pháp trị và đa nguyên. Khởi đầu bằng hủy bỏ điều 4 hiến pháp, sau đó là cuộc tổng tuyển cử, bầu quốc hội lập hiến dưới sự giám sát của Liên Hiệp Quốc và sự tham gia của mọi đảng phái và thành phần dân tộc. Sau khi quốc hội lập hiến sọan xong một bản hiến pháp dân chủ, hiến định, pháp trị và đa nguyên, thì sẽ có tổng tuyển cử để bầu chính quyền hợp hiến và tân quốc hội lập pháp.

Đối với những thành phần này, CSVN đàn áp thẳng tay qua bắt bớ, giam cầm, khủng bố cá nhân và gia đình, cũng như khi cần thiết tra tấn và thậm chí thủ tiêu.

B.         Thành phần “quý tộc” tiến bộ trong đảng:

Tiếp theo đó chúng ta nhận thấy có những thành phần hầu như “quý tộc” phát xuất từ cốt tủy của Đảng CSVN như Luật Sư Tiến Sĩ Cù Huy Hà Vũ. Tuy là thành phần ưu tú của chế độ, nhưng họ đã được giáo dục tại các nước tây phương và đủ lương tâm cũng như trí tuệ để nhìn thấy những sai lầm tai hại của giới lãnh đạo đương thời, trước nguy cơ mất nước. Họ chấp nhận trở lực và lên tiếng chỉ trích gắt gao chế độ, cũng như đưa ra những đề nghị cụ thể và có tính cách mạng để cải tổ hiến pháp. LS-TS Cù Huy Hà Vũ là người đầu tiên trong nước đã nộp đơn kiện TT Nguyễn Tấn Dũng tại tòa án vì đã xâm phạm nghiêm trọng quyền lợi quốc gia khi cho phép Trung Quốc khai thác bauxite trên quy mô lớn tại Tây Nguyên Việt Nam. Trong một cuộc phỏng vấn trên đài VOA ngày Chủ Nhật 20 tháng 6, 2010 Ông đã đưa ra những lập luận vô cùng sắc bén đòi hỏi sự hủy bỏ điều 4 hiến pháp, hủy bỏ sự lãnh đạo của Đảng CSVN, thực thi quan điểm tam quyền phân lập và kiến tạo một chế độ đa đảng cho Việt Nam.

Cù Huy Hà Vũ là con của Thi Sĩ Cù Huy Cận, là một công thần của đảng, cựu Bộ Trưởng dưới thời Hồ Chí Minh. Cù Huy Hà Vũ cũng là con nuôi của Xuân Diệu. Cù Huy Cận là một trong những người tham gia biên soạn hiến pháp 1946 như sẽ trình bày sau.

Đối với những thành phần này, CSVN loại trừ khỏi các chức vụ trong đảng và trong nhà nước. Tuy nhiên vì gốc gác quá lớn nên không dám trừng phạt thẳng tay như họ đã trừng trị những thành phần đối lập bên ngoài đảng.

C.         Thành phần cấp tiến nhưng ôn hòa trong đảng:

Ngay trong nội bộ đảng CSVN và trên các báo điện tử như VietnamNET, Tuần Việt Nam chúng thấy thỉnh thoảng có những bài bình luận về chính trị và hiến pháp tương đối cấp tiến. Trong không khí “tu chính hiến pháp” trước thềm đại hội Đảng 2011 chúng ta thấy có TS Nguyễn Sĩ Dũng (Tuần Việt Nam 15/7/10) nói về “Hiến Pháp 1946 Với Tư Tưởng Pháp Quyền”. Bài này đã được TS Dũng đăng trước đó trên tờ PLTPHCM năm 2005.

 Cùng ngày, còn đăng bài phỏng vấn nguyên chủ tịch quốc hội CSVN là Nguyễn Văn An. Người phỏng vấn là Thu Hà và bài đã được đăng trước ngày 24/6/2010. Trong bài này Ông An có thảo luận tích cực những ưu điểm của hiến pháp 1946.

Sự kiện này có ý nghĩa không nhỏ trong chế độ tòan trị như CSVN. Lý do là vì trên nguyên tắc, CSVN hòan tòan chống đối những đòi hỏi hủy bỏ điều 4 Hiến Pháp, và thực thi quan điểm tam quyền phân lập để khởi đầu cho tiến trình dân chủ đa nguyên đa đảng. Tuy nhiên, nếu bản hiến pháp 1946, hoặc nội dung của nó được sử dụng trong tiến trình tu chính hiến pháp thì điều nay cũng đồng nghĩa với sự hủy bỏ điều 4 hiến pháp. Hiện tượng một cơ quan ngôn luận của chính quyền CSVN đăng tải những bình luận và quan điểm như thế, cho chúng ta thấy rằng ý thức về nền dân chủ chân chính đã thâm nhập vào giới trí thức CSVN. Trong giai đoạn này của đất nước, trước trào lưu tiến hóa của toàn nhân loại và trước hiểm họa bắc phương, tiến trình dân chủ hóa đất nước không còn là vấn nạn đơn thuần của những người yêu nước bên ngoài đảng, mà còn tạo ra đấu tranh tư tưởng nội bộ trong chính đảng CSVN.

Chúng ta phải nhận định ngay rằng, thành phần lãnh đạo của đảng CSVN như Nông Đức Mạnh, Lê Hồng Anh, Nguyễn Tấn Dũng vô cùng bảo thủ và đang nắm thế thượng phong.

Câu hỏi chúng ta đặt ra là tại sao CSVN vẫn còn dung dưỡng những thành phần cổ võ cho hiến pháp 1946?

Theo lập luận của những người chủ trương ủng hộ hiến pháp này thì nó là bản hiến pháp với “tư tưởng pháp quyền” của Hồ Chí Minh vì:

Ngày 3/9/1945, trong phiên họp đầu tiên của Chính Phủ, Hồ Chủ Tịch đã xác định, một trong những nhiệm vụ cấp bách của chính phủ là phải xây dựng một bản Hiến Pháp. Người ghi rõ: ‘Trước chúng ta đã bị chế độ quân chủ chuyên chế cai trị, rồi đến chế độ thực dân không kém phần chuyên chế, nên nước ta không có hiến pháp. Nhân dân ta không được hưởng quyền tự do dân chủ. Chúng ta phải có một hiến pháp dân chủ’ ”.( Lời Tòa Soạn, Tuần Việt Nam, 17/7/2010)

Như sẽ phân tích ở phần sau, “tư tưởng pháp quyền” trong hiến pháp 1946 rất nhiều khiếm khuyết và dĩ nhiên đó không phải là lý do chính đáng. Giới lãnh đạo CSVN không bao giờ vì những nguyên nhân phù phiếm như “tư tưởng pháp quyền của Hồ Chủ Tịch” mà để cho quyền lực và quyền lợi của họ bị tổn thương.

Lý do họ chưa đàn áp nhóm này vì một mặt phe nhóm này tương đối ôn hòa hơn quan điểm của hai phe nhóm trước, và ở mức độ nào đó, ngay cả Nông Đức Mạnh, Nguyễn Tấn Dũng và Lê Hồng Anh cũng ý thức rằng, chính trị trong thời đại mới vô cùng bất định. Không biết chừng bản hiến pháp 1946 cũng có thể là “lối thoát trong danh dự” mà vị lãnh tụ “muôn vàn kính yêu Hồ Chí Minh” lưu lại cho đám hậu duệ của ông. Quan trọng hơn hết, những khiếm khuyết của hiến pháp 1946 sẽ có tác dụng kéo dài quyền lực cho đảng CSVN trong khi tạo được ảo giác là có cải tổ dân chủ thực sự.

D.        Hiến pháp 1946:

Câu hỏi đặt ra là:

Ông Hồ Chí Minh có phải là tác gỉa của hiến pháp 1946?

Nôi dung của hiến pháp 1946 là gì và có thực thi được dân chủ hay không?

Thật sự, chúng ta không biết sự đóng góp của cá nhân Ông Hồ Chí Minh vào bản pháp này là bao nhiêu. Tuy nhiên như hầu hết tất cả những hiến pháp khác, có lẽ đây là một cố gắng tập thể. Nguyên thủy Ủy Ban Dự Thảo Hiến Pháp vào tháng 9, 1945 gồm quý ông: Hồ Chí Minh, Vĩnh Thụy, Đặng Thai Mai, Vũ Trọng Khánh, Lê Văn Hiến, Nguyễn Lương Bằng và Đặng Xuân Khu (Trường Chinh).

Tuy nhiên, dưới Ủy Ban này có Tiểu Ban Hiến Pháp được quốc hội bầu vào tháng 3, 1946 gồm 11 thành viên: Trần Duy Hưng, Tôn Quang Phiệt, Đỗ Đức Dục, Cù Huy Cận, Nguyễn Đình Thi, Huỳnh Bá Nhung, Trần Tấn Thọ, Nguyễn Cao Hách, Đào Hữu Dương, Phạm Gia Đỗ, Nguyễn Thị Thục Viên.

Quốc hội thông qua bản hiến pháp ngày 9 tháng 11, 1946. Tuy nhiên kháng chiến chống Pháp bùng nổ ngày 19 tháng 12, 1946. Hiến pháp chưa được công bố chính thức và bầu cử theo hiến pháp chưa được tổ chức.

Câu hỏi về mức độ đóng góp của Ông Hồ Chí Minh hoặc các nhân vật khác rất khó trả lời. Tuy nhiên như một quy luật thông thường thì những người có kiến thức về luật pháp và chính trị sẽ có khả năng đóng góp nhiều hơn những cá nhân khác. 

Khi chúng ta duyệt lại hiến pháp 1946 thì nhận thấy tuy không có những điều khoản phi lý và độc  tài như điều 4 hiến pháp 1992, nhưng nội dung quá đơn giản và sẽ gây trở ngại cho sự vận hành của guồng máy quốc gia dân chủ thật sự trong thế kỷ mới. Trong phạm vi của bài này, chúng ta không phân tách tường tận những ưu và khuyết điểm của hiến pháp 1946. Tuy nhiên có vài khuyết điểm căn bản chúng ta phải nêu ra:

Nơi đây tôi không nhắc đến những điểm sẽ gây tranh luận và chia rẽ như quốc kỳ và quốc ca. Tôi xin đi thẳng vào trọng điểm của sự phân chia quyền lực chính trị của hiến pháp 1946.

Tuy trên nguyên tắc hiến pháp 1946 có đề cập đến quan điểm tam quyền phân lập, nhưng trên thực tế không trọn vẹn.

Lý do là vì theo điều 44, hành pháp bao gồm Chủ Tịch nước, phó Chủ Tịch và Nội Các. Nội các gồm Thủ Tướng, các bộ trưởng, thứ trưởng. Có thể có phó thủ tướng. Trong khi điều 45 quy định Chủ Tịch do Nghị Viện Nhân Dân (tức quốc hội) bầu, thì điều 46 lại quy định phó Chủ Tịch do dân bầu. Điều 47 lại quy định thủ tướng do Chủ Tịch chọn và Nghị Viện biểu quyết. Các bộ trưởng do thủ tướng chọn trong nghị viện và Nghi Viện Biểu Quyết.

Điều này cho thấy không có biên giới phân quyền rõ rệt giữa Hành Pháp và Lập Pháp. Mới nhìn qua chúng ta nhận thấy có quốc trưởng (Chù Tịch nước) và thủ tướng, tương tự như thể chế chính trị Pháp theo quan điểm “chung cư- cohabitation” khi Tổng Thống và Thủ Tướng Pháp chia sẻ quyền hành pháp. Tuy nhiên khi xét kỹ thì theo hiến pháp 1946,  Hành Pháp xuất phát từ Lập Pháp tương tự thể chế đại nghị hoặc quốc hội chế theo mô thức của Anh Quốc. Khác với mô thức quốc hội chế, hiến pháp 1946 không nhắc đến vai trò chính thức của lực lượng đối lập ngay trong Nghi Viện để kiểm soát và chất vấn chính quyền.

Các điều này rất có lợi cho Ông Hồ Chí Minh và Đảng CSVN. Ông không cần phải đối diện với lá phiếu của dân trong một cuộc phổ thông đầu phiếu công khai và công bằng để làm chủ tịch nước. Miễn là các nghị viên trong Nghị Viện tín nhiệm là được làm nguyên thủ quốc gia. Trong khi đó thì Phó Chủ Tịch nước thì phải phổ thông đầu phiếu theo điều 46. Chỉ có những người CS mới không nhìn thấy mâu thuẫn lạ lùng này.

Cái mà người CSVN tung hô là “tư tưởng pháp quyền Hồ Chí Minh” được thể hiện qua 7 điều từ 63 đến 69, bao gồm khoảng 150 chữ. Điều 63 có quy định đơn sơ về tư pháp. Tuy nhiên điều 64 quy định chỉ bằng 10 chữ: các viên thẩm phán đều do chính phủ bổ nhiệm. Nếu chính phủ bổ nhiệm thì chính phủ có thể bổ nhiệm tay chân của mình và cũng có quyền bãi nhiệm nếu không “vâng lời” chính phủ. Trước đó, qua các điều 44 đến 47, chúng ta thấy đã không có biên giới nghiêm chỉnh giữa hành pháp và lập pháp. Bây giờ lại không có biên giới nghiêm chỉnh giữa hành pháp và tư pháp. Chính quyền, do CSVN lãnh đạo, sẽ tiếp tục bổ nhiệm và cách chức các thẩm phán và quyền lực và quyền lợi của đảng sẽ tiếp tục duy trì.

Tư pháp vô cùng quan trọng và sự độc lập của tư pháp phải được minh thị quy định trong một bản hiến pháp chi tiết hơn. Thông thường các bản hiến pháp dân chủ quy định các thẩm phán do hành pháp đề cử và phải được sự chấp thuận của lập pháp. Nhiêm kỳ của các thẩm phán phải là suốt đời hoặc đến khi họ chọn về hưu. Họ chỉ có thể bị cách chức nếu phạm trọng tội và bị Quốc Hội (lưỡng viện nếu có hai viện) cách chức. Chỉ có như thế, một khi được bổ nhiệm, họ mới thoát khỏi vòng kềm tỏa của hành pháp, lập pháp và phán quyết chí công vô tư. Các thẩm phán cũng phải xuất phát từ hàng ngũ những luật sư hoặc chuyên gia về luật để tránh tình trạng luật rừng vì thiếu hiểu biết chuyên môn.

Một cách vắn tắc thì hiến pháp 1946, tuy không có những điều lố bịch như điều 4 hiến pháp 1992, nhưng quá đơn sơ, thuộc vào một thời đại cũ, đã bị nhu cầu chính trị của CSVN vào giai đoạn kháng chiến bóp méo, không phù hợp với nhu cầu mới của một đất nước đang cố gắng vươn lên trong thiên niên kỷ mới.

E.         Thành phần lãnh đạo hiện tại của đảng:

Trước thềm đại hội đảng 2011 thì giới lãnh đạo CSVN chủ trương gì?

Câu trả lời là họ cũng chủ trương cải tổ hiến pháp, nhưng sự cải tổ chỉ nhằm mục tiêu duy nhất là kéo dài tình trạng cai trị độc tài của CSVN mà thôi.

Thật vậy theo đài RFA (14/6/2010), nhiều nhà trí thức CSVN cũng đã nhận xét rất thực tế:

Luật Sư Trần Lâm, nguyên thẩm phán Tòa Án Nhân Dân Tối Cao nhận xét:

“Cái gốc bây giờ là một đảng hay nhiều đảng, người ta đang thắc mắc ở chỗ đó. Bây giờ phải hiểu như thế này, hiện nay nhân dân đang đòi hỏi dân chủ, đòi hỏi được dễ thở hơn. Sắp tới có đại hội đảng, đảng thì phải theo lòng dân nên cũng phải sửa đổi cho nó vui vẻ, nếu cứ giữ nguyên như cũ thì hóa ra không có hiểu biết. Tôi sợ rằng chưa có triệt để, nhưng một vài khía cạnh thì có thể có. Quan điểm của tôi là sẽ có tiến bộ nhưng không thay đổi.”

Luật sư Bùi Quang Nghiêm, Phó chủ nhiệm Đoàn Luật Sư TP. HCM nhận định:

“Tôi hoàn toàn ủng hộ thuyết tam quyền phân lập, nhưng thể chế chính trị Việt Nam và truyền thống tổ chức nhà nước hiện nay có thể chưa đủ điều kiện để áp dụng thuyết tam quyền phân lập. Nhưng tôi cho rằng thuyết tam quyền phân lập là thành tựu khoa học pháp lý của nhân loại, và đến một lúc nào đó chúng ta phải chấp nhận và vận dụng nó vào thực tiễn chính trị Việt Nam”

Nói cách khác, hai luật sư CSVN cho rằng lòng dân đòi hỏi thay đổi hiến pháp toàn diện để có nền dân chủ đa nguyên và tam quyền phân lập như tất cả những quốc gia dân chủ khác trên thế giới. Chính CSVN cũng nhìn nhận điều này. Tuy nhiên vì guồng máy độc tài và tính bảo thủ tham quyền cố vị, CSVN sẽ cải tổ lấy lệ một vài điểm nhỏ, mục tiêu là kéo dài tiến trình dân chủ hóa đến vô tận, hầu trục lợi cho cá nhân và phe nhóm.

Chính vì thế ngày 9/6/2010 các đại biểu quốc hội có đề nghi tu chính nhiều điều trong hiến pháp 1992 như:

Luật tổ chức quốc hội

Luật tổ chức chính phủ

Luật tổ chức tòa án nhân dân

Luật tổ chức viện kiểm sát nhân dân

Tuy nhiên Ông Nguyễn Văn Thuận, Chủ Nhiệm Ủy Ban Pháp Luật của Quốc Hội cho rằng phải chờ sau khi có chủ trương của Ban Chấp Hành Trung Ương Đảng CSVN. Ông cũng có ý rằng những thay đổi lớn phải chờ Quốc Hội nhiệm kỳ sau xét tới.

Một trong những nghịch luận phi lý của điều 4 hiến pháp 1992, do Nông Đức Mạnh ban hành là, tuy hiến pháp quy định quốc hội là tối cao, nhưng quốc hội , dù tối cao bao nhiêu đi nữa, theo Ông Nguyễn Văn Thuận, cũng phải chờ lệnh của đảng CSVN.

Cũng theo Ông Nguyễn Văn Thuận, chủ điểm của tu chính hiến pháp trong tương lai là làm sao cải tổ hệ thống luật pháp cho được nghiêm minh hơn, các tòa án độc lập hơn và không lệ thuộc vào đơn vị hành chánh, chuyển Viện Kiểm Sát thành Công Tố Viện.

Ông Nguyễn Văn Thuận, như nhiều người CS bảo thủ khác, mơ ước làm sao có một ngành tư pháp độc lập, công minh, không tham nhũng, nhưng vẫn giữ điều 4 hiến pháp, chế độ độc đảng. Ông cũng mơ ước rằng không những chính Ông không bao giờ phải đối diện với lá phiếu của người dân, trong một cuộc bầu cử công khai, công bằng, mà Ông còn mơ xa hơn nữa. Mơ rằng con và cháu của ông cũng sẽ được ưu đãi như thế, tiền bạc và vinh dự nhiều đời, cùng với con cháu những lãnh đạo cộng sản khác. Ông biết rằng điều đó chưa bao giờ xảy ra trên bất cứ quốc gia nào trên thế giới. Tuy nhiên Ông không cần suy nghĩ xa vời như thế. Đảng biết tất cả và đảng, chứ không phải cử tri của ông, đã trao cho ông chiếc ghế đại biểu quốc hội, cũng như chức vụ chủ nhiệm Ủy Ban Pháp Luật của Quốc Hội. Ăn cây nào thì ráo cây ấy. Ông cần phải chờ lệnh, không phải của dân, mà của Ban Chấp Hành Trung Ương Đảng CSVN.

Như những nhân vật huyền thoại đi tìm lông rùa và sừng thỏ, giấc mơ xây dựng một nền tư pháp độc lập, công minh, theo “tư tưởng pháp quyền Hồ Chí Minh” mà không cần hủy bỏ điều 4 hiến pháp, không cần tam quyền phân lập, không cần dân chủ đa nguyên, của các Ông Thuận, Mạnh, Dũng và những tai to mặt lớn khác trong Đảng CSVN chứng minh rằng, vì ham mê quyền lợi và quyền lực, họ đã hoàn toàn xa rời thực tại khách quan và đã rời xa dân tộc Việt Nam.

Trong những giờ phút quan trọng của lịch sử, có hai khuynh hướng lãnh đạo chính trị tương phản. Một khuynh hướng là lãnh đạo lắng nghe ý dân và hành động nhanh chóng theo ý dân. Hai là lãnh đạo dậm chân tại chỗ, chờ cho dân không còn chịu đựng nổi và đứng lên lật đổ.

Ngày hôm nay, đứng trước hai niềm quốc nhục. Một là hiểm họa Bắc Phương, hai là ngoan cố duy trì độc tài toàn trị, khinh thường sự thông minh của cả dân tộc, người CSVN đang tự đào mồ chôn chính mình.

Thời điểm gặp gỡ định mệnh giữa con thuyền CSVN và tảng băng sơn dân chủ ngấm ngầm dưới mặt phẳng êm đềm của lòng đại dương dân tộc, đã không còn xa.

Sydney ngày 21 tháng 7 năm 2010

Luật Sư Đào Tăng Dực

 

Trở về trang mặt