Lòng yêu nước: điều kiện tiên quyết cho tu chính hiến pháp 1992

Luật Sư Ðào Tăng Dực

Như những người con dân đất Việt sinh sống tại hải ngoại, bên ngoài sự kềm tỏa, khống chế thông tin của chính quyền cộng sản Việt Nam, lòng chúng ta đôi khi quặng thắt, khi nhận được những thông tin về sự tiến bộ trên nhiều phương diện tại những quốc gia khác.

Dĩ nhiên, ai cũng biết và hổ thẹn về sự suy kém của dân ta khi so sánh với các quốc gia cùng khu vực và văn hóa như Nam Hàn, Nhật Bổn, Ðài Loan và ngay cả Trung Hoa Lục Ðịa. Các phương diện chúng ta thua kém bao gồm:

Mức độ phát triển kinh tế (economic development)

Trình độ lành mạnh xã hội (societal moral integrity)

Khả năng bảo vệ sự vẹn toàn lãnh thổ (territorial integrity)

Thể chế dân chủ thực sự (true democracy).

Tuy nhiên sự hổ thẹn của chúng ta khó kềm tỏa được khi thỉnh thoảng chúng ta đọc tin trên báo chí hoặc qua các trang mạng tin tức như sau:

Theo tờ Sydney Morning Herald, một tờ nhật báo hàng đầu tại Úc Ðại Lợi ngày 27 tháng 8, 2010 cho biết, tại nước Kenya các lãnh tụ các quốc gia Phi Châu tụ tập, dưới sự chứng kiến của hàng vạn người dân , để tham dự buổi lễ ban hành một bản hiến pháp dân chủ mới, dựa trên căn bản giới hạn quyền lực của hành pháp, và một hệ thống chính trị theo mô thức của Hoa Kỳ với một hệ thống kiểm soát và quân bình (checks and balances) quyền lực tương tự.

Tổng thống Kenya là Mwai Kibati ký ban hành bản tân hiến pháp, được coi như là hiện tượng chính trị quan trọng nhất trong lịch sử Kenya kể từ ngày quốc gia này giành được nền độc lập từ Anh Quốc vào năm 1963.

Chính quyền và quốc hội Kenya tiếp đến sẽ thành lập một Tối Cao Pháp Viện thực sự độc lập và một Thượng Viện theo đúng hiến pháp.

Theo website của đài BBC thì Kenya là một quốc gia Phi Châu trình độ phát triển thua Việt Nam.

Các chỉ dẫn về quốc gia này cho thấy:

Về quốc hiệu:

Nước Kenya quốc hiệu giản dị là Cộng Hòa Kenya (Republic of Kenya)

Việt Nam quốc hiệu màu mè hơn là Cộng Hòa Xã Hội Chủ Nghĩa Việt Nam

Dân số:

Nước Kenya có khoảng 40 triệu dân, thuộc gốc da đen

Việt Nam khoảng 88 triệu dân, thuộc gốc da vàng

Diện tích đất:

Nước Kenya diện tích khoảng gần 600,000 cây số vuông

Việt Nam diện tích khoảng 330,000 cây số vuông

Tuổi thọ:

Ðàn ông Kenya tuổi thọ trung bình 54 năm, đàn bà 55 năm.

Việt Nam đàn ông tuổi thọ 72 năm, đàn bà 76 năm

Lợi tức đổ đầu (GNI per capita):

Kenya 770 mỹ kim

Việt Nam 890 mỹ kim.

Thời điểm độc lập:

Kenya lấy lại độc lập từ Anh Quốc năm 1963

Việt Nam giành độc lập từ Pháp năm 1954

Theo cơ quan UNICEF, mức độ biết đọc và viết chữ tại Kenya là 74% và mức độ biết đọc và viết chữ tại Việt Nam là 90%.

Tuy trình độ phát triển kinh tế và dân trí thua Việt Nam, nhưng tiến trình dân chủ hoá Kenya vẫn nhanh hơn Việt Nam.

Lý do tại sao?

Lý do thì nhiều, không thể phân tách tường tận nơi đây. Nhưng lý do quan trọng nhất là người cộng sản Việt Nam không yêu nước bằng các lãnh tụ chính trị Kenya. Cũng vì họ không có lòng yêu nước đầy đủ, nên họ đã không kính trọng sự thông minh của người Việt Nam bằng các lãnh tụ chính trị Kenya kính trọng sự thông minh của dân chúng họ.

Kể từ ngày độc lập, Kenya là một chế độ độc đảng. Tuy nhiên từ năm 1990, các lãnh tụ chính trị đã chấp nhận đa đảng và ngày hôm nay, họ đã có những bước tiến vững chãi trên tiến trình dân chủ hóa.

Chúng ta đã bị các nước láng giềng như Nam Hàn, Ðài Loan, Nhật Bổn qua mặt đã đành. Chúng ta cũng phải ngậm ngùi nhìn các quốc gia khác lần lượt qua mặt như Thái Lan, Nam Dương, Phi Luật Tân. Ðến nỗi một quốc gia mới ra đời như Ðông Timor (2002) cũng ngang nhiên qua mặt chúng ta trong tiến trình dân chủ.

Bây giờ đã đến thời điểm các quốc gia Phi Châu qua mặt chúng ta.

Khi duyệt lại các thông tin về vấn đề tu chính bản hiến pháp 1992 do Ông Nông Ðức Mạnh ban hành, với những điều khoản ngây ngô phản dân chủ như điều 4 hiến pháp, làm trò cười cho các luật gia và chính khách quốc tế trong nhiều thập niên qua, chúng ta thấy các chính trị gia CSVN loay hoay vât lộn với những vấn đề căn bản mà người dân của bất cứ một quốc gia dân chủ nào cũng đã thụ hưởng từ lâu.

Các ông Nguyễn Văn Quyền (Trưởng Ban Thư Ký Ban Chỉ Ðại Cải Cách Tư Pháp Trung Ương), Lê Hồng Hạnh (Viện Trưởng Viện Khoa Học Pháp Lý, Bộ Tư Pháp), Trần Ngọc Ðường (Chuyên Gia cao cấp Viện Nghiên Cứu Lập Pháp) được VietNamNet phỏng vấn ngày 13 tháng 9, năm 2010, và Ðinh Xuân Thảo (Viện Trưởng Viện Nghiên Cứu Lập Pháp) được phỏng vấn ngày 16 tháng 8 năm 2010.

Ông Nguyễn Văn Quyền cho biết sẽ có Hội Ðồng Sửa Hiến Pháp. Quy trình rất chặc chẽ “không phải do Bộ Chính Trị hay ai đó quyết định”

Ông Lê Hồng Hạnh trả lời: “Nguyên tắc quyền lực nhà nước thống nhất, có sự phân công giữa lập pháp, hành pháp, tư pháp chưa cụ thể hoá trong hiến pháp, chưa xây dựng cơ chế kiểm soát giữa các cơ quan quyền lực”. Trả lời các câu hỏi của chuyên gia quốc tế về thời điểm sửa, Ông Hạnh nói” đây là yêu cầu cấp bách, cả xã hội và cấp cao nhất cũng điều nhận thức được vấn đề.”

Ông Trần Ngọc Ðường khẳng định:” Nếu không có người thật sự am hiểu, dám vượt lên trên chính mình để quyết đoán thì công việc cứ dậm chân tại chỗ. Sức ỳ của tổ chức bộ máy theo lối cũ là sức ỳ lớn nếu không có quyết tâm.”

Quý vị trên nêu ra các vấn đề rất đúng trên nguyên tắc. Nhưng trên thực tế thì thiện chí cải tổ thực sự của giới lãnh đạo CSVN như thế nào?

 Các câu trả lời của Ông Ðinh Xuân Thảo thực tế hơn và sẽ làm cho việc tu chính hiến pháp, như là một đóng góp vào tiến trình dân chủ hoá, hoàn toàn vô ích:

Ðó là giới lãnh đạo CSVN vẫn còn bám víu các quan điểm bảo thủ như “nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa”, “kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa”, “vai trò chủ đạo của nhà nước và quốc doanh” và “lưu ý bản hiến pháp 1946”.

Nếu chúng ta tạm chấp nhận nhà nước pháp quyền như là một quan điểm tương tự với quan điểm pháp trị (rule of law) của người tây phương, thì quan điểm pháp trị này, một khi ghép chung với quan điểm xã hội chủ nghĩa, cũng sẽ trở thành một thứ độc tài đảng trị gỉa hiệu.

Quan điểm “kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa” cũng bị định hướng xã hội chủ nghĩa không giống ai này phá bỉnh tương tự mà thôi.

Trong một thế giới cạnh tranh quyết liệt giữa các quốc gia ngày hôm nay, mà còn chủ trương bao cấp qua “vai trò chủ đạo của nhà nước và quốc doanh” như là sách lược kinh tế, và chủ trương tiếp tục hiến định hóa nó, thì quả thật tham quyền cố vị và hoang phí tài nguyên quốc gia đến mức điên rồ.

Bám víu vào một bản hiến pháp nửa vời, thiếu cập nhật tính và thiếu biên giới khẳng định tam quyền phân lập, như bản hiến pháp 1946, chứng tỏ tính tham quyền cố vị và thiếu lòng yêu nước của giới lãnh đạo CSVN hôm nay.

Vì sự thiếu vắng lòng yêu nước của người CSVN, chúng ta đã tụt hậu trên phương diện kinh tế, ung thối trong tình trạng xã hội, mất Hoàng Sa và một phần lãnh thổ và lãnh hải (mà CSVN đang che dấu chưa công khai hóa), và toàn dân mất nhân phẩm trong một chế độ toàn trị phi nhân.

Chính vì thế, trước khi quyết định tu chính hiến pháp 1992, có lẽ quý Ông Nông Ðức Mạnh, Nguyễn Tấn Dũng, Nguyễn Minh Triết và Lê Hồng Anh, cần phải được gởi đi Kenya, xin xách dép đi hầu cho ông Tổng Thống Kenya da đen là Mwai Kibati, để hầu mong học hỏi được thế nào là lòng yêu nước chân chánh. Khi trở về Việt Nam thì nên vào đền thờ quốc tổ, sám hối với tổ tiên rồi mới đại hội đảng và tu chính hiến pháp sau đó.

Lý do đơn giản là vì nếu không có lòng yêu nước chân chính, thì đối với giới lãnh đạo CSVN, tu chính hiến pháp chỉ còn là một thủ thuật chính trị rẻ tiền để lừa gạt toàn dân, vào một thời đại tin học, không còn dối gạt được ai nữa mà thôi.

Sydney 16 tháng 9 năm 2010

Luật Sư Ðào Tăng Dực

Trở về trang đầu