Giai Cấp và Ðấu Tranh Giai Cấp

 

Bài của Luật Sư Ðào Tăng Dực

Trong bài “Yếu tính viễn kiến trong cách mạng” cùng một tác giả, chúng ta đã nhìn thấy giai cấp như là một yếu tố tối quan trọng, trong cuộc cách mạng Magna Carta tại Anh Quốc 1215, tại Pháp 1789 và tại Nga 1917. Tuy yếu tố giai cấp không phải là yếu tố quyết định trong cuộc cách mạng Hoa Kỳ 1776, cuộc cách mạng Tân Hợi tại Trung Quốc 1911 và cuôc cách mạng Hồi Giáo tại Iran 1979, nhưng vai trò của giai cấp trong các biến cố này vẫn vô cùng quan trọng.

Có nhiều định nghĩa về danh từ giai cấp. Tuy nhiên khi duyệt qua các nền văn hóa khác nhau của nhân loại, chúng ta có thể khẳng định rằng, một trong những yếu tính của giai cấp, là tạo ra một trật tự xã hội để biện minh cho một sự phân chia quyền lực (power) và quyền lợi (wealth) bất bình đẳng.

Sau đó, chúng ta phải hiểu thế nào là đấu tranh giai cấp. Một cách tổng quát, đấu tranh giai cấp xảy ra khi một hay nhiều giai cấp không còn chấp nhận hiện trạng phân chia quyền lực và quyền lợi (current state of distribution of power and wealth) trong xã hội, đứng lên đòi hỏi sự tái phối trí quyền lực và quyền lợi (redistribution of power and wealth).

Cường độ của sự đấu tranh có thể đi từ các tình trạng khác nhau:

  1. Ôn hòa hoặc bạo động, tiệm tiến hoặc đột biến. Tương quan quyền lực và quyền lợi được tái phối trí nhưng các giai cấp đương thời vẫn tiếp tục hiện hữu.
  2. Ôn hòa hoặc bạo động, tiệm tiến hoặc đột biến. Tương quan quyền lực và quyền lợi tái phối trí. Các giai cấp đương thời cáo-chung, và được thay thế bằng các giai cấp mới.

Sự ôn hòa hoặc tiệm tiến, thông thường, đưa đến kết quả là duy trì các giai cấp đương thời. Sự bạo động hoặc đột biến, thông thường, đưa đến sự thay đổi giai cấp. Tuy nhiên, đó không phải là một quy luật bất di bất dịch. Chẳng hạn, cuộc cách mạng kỹ nghệ (industrial revolution), khởi đầu tại thành phố Liverpool, Anh Quốc vào thế kỷ 16, có tính ôn hòa và tiệm tiến, nhưng đã thay đổi sâu đậm cấu trúc giai cấp, không những tại Âu Châu, mà trên toàn thế giới như sẽ phân tích sau.

Cuộc cách mạng kỹ nghệ có hậu quả là chuyển trọng tâm của phương tiện sáng tạo của cải (wealth creation), từ nông thôn đến thành thị, từ nông nghiệp sang kỹ nghệ, từ sở hữu đất đai đến sở hữu tư bản, từ tay các giới vương quyền và quý tộc làm lãnh chúa các vùng đất đai hoặc lãnh thổ rộng lớn, đến tay các kỹ nghệ gia, thương gia cư trú tại các thành phố lớn và sở hữu các phương tiện sản xuất.

Tiếp theo đó, vào hậu bán thế kỷ 20, cuộc cách mạng này đi xa thêm một bước nữa với sự hủy bỏ kim bảng vị, để thả nổi trị giá của tiền tệ trên thị trường tự do. Từ đó, trị giá của tư bản không còn bị sự hiện hữu của một vật hiện thực như hiện-kim (vàng) ràng buộc nữa.

Ði xa hơn nữa, cuối thế kỷ 20 và đầu thế kỷ 21, khi cuộc cách mạng kỹ nghệ bước vào giai đoạn toàn cầu hóa, thì của cải (wealth), dưới hình thức tư bản, không những vượt qua biên giới giữa nông thôn và thành thị, vượt qua sự ràng buộc của vàng, mà còn vượt qua biên giới các quốc gia. Nơi nào sản sinh lợi nhuận nhiều thì tư bản sẽ đổ dồn vào đó. Thông thường thì các nơi này có nhân công tay nghề tương đối cao nhưng giá rẻ. Các vùng Ðông Á (Trung Quốc, Việt Nam), và Nam Á (Ấn Ðộ, Tích Lan) hiện là các vùng sinh động nhất.

Sau cuộc cách mạng kỹ nghệ tại Âu Châu, các vùng nông thôn và tính chiến lược truyền thống của đất đai, đã mất đi tầm mức tối quan trọng của nó. Vì thế quan điểm bình quân địa quyền của Tam Dân Chủ Nghĩa, do nhà cách mạng Trung Quốc Tôn Dật Tiên đ ư a ra (xem bài “Yếu tính viễn kiến trong cách mạng” cùng một tác giả) cũng mất đi phần lớn ý nghĩa của nó. Nếu quan điểm bình quân địa quyền của Tôn Dật Tiên là một phương tiện để tiết chế tư bản, thì quan điểm này cần phải duyệt lại vì đã mất đi phần lớn hiệu năng của nó trong thời đại mới.

Trên bình diện tư tưởng chính trị, cuộc cách mạng kỹ nghệ tại các thành thi (cities), hầu như là hiện thân tiêu biểu nhất của nền văn minh và văn hóa tây phương. Tuy nhiên, nền văn hóa tây phương không phải chờ đến cuộc cách mạng kỹ nghệ tại Anh Quốc mới mang nặng yếu tính thành thị. Thật sự yếu tính này đã tiềm tàng trong văn hóa của họ từ thủa xa xưa, trong các thành phố Nhã Ðiển và La Mã rồi.

Trong khi đó, nền văn hóa Ðông Á, từ thủa khai sinh cho đến cận kim, luôn luôn căn bản trên nông thôn và nông nghiệp. Chính vì thế, trong bốn giai cấp sĩ nông công thương, thì giai cấp nông rất được coi trọng và xếp thứ hai chỉ sau giai cấp sĩ phu mà thôi.

Trong thế kỷ 21, tiến trình kỹ nghệ hóa các xã hội Ðông Á, trên bình diện nào đó, có thể coi là tác động của nền văn minh Tây Phương, để thay thế cho nền văn minh Ðông Á, trên chính cứ địa của nền văn minh này. Muốn tiếp tục sống còn, phản ứng của nền văn minh Ðông Á là nền văn minh này phải chuyển mình để dung hợp nhiều yếu tố căn bản của nền văn hóa Tây Phương.

Trong phạm vi ngắn ngủi của bài này chúng ta sẽ coi hai danh từ văn minh (civilization) và văn hóa (culture) như đồng nghĩa với nhau.

Tuy nhiên trên nguyên tắc, có sự khác biệt. Văn minh bao gồm những cấu trúc phức tạp của xã hội như chính quyền, giai cấp, trình độ khoa học kỹ thuật và những thành tố của xã hội dân sự khác nhau.

Văn hóa như một giòng sông tư tưởng bao gồm tâm tư, truyền thống tinh thần, được lưu truyền, không những xuyên xã hội mà còn từ thế hệ này sang các thế hệ mai sau.

Có thể nói rằng, văn hóa là nội dung tinh thần và văn minh là sự kết tụ và thể hiện bên ngoài của một nền văn hóa.

Trước khi đi sâu vào vấn đề chúng ta cần nhận diện yếu tố giai cấp trong các nền văn minh khác nhau của nhân loại.

Một các vắn tắc chúng ta có các nền văn minh và văn hóa lớn sau đây trên quả địa cầu:

  1. Nền văn minh Tây Phương và nền văn hóa La Hy (Greco-Roman) còn gọi là Judeo- Greco-Roman.
  2. Nền văn minh Trung Ðông và nền văn hóa Hồi Giáo
  3. Nền văn minh Ấn Ðộ và nền văn hóa Ấn Ðộ Giáo, và
  4. Nền văn minh Ðông Á và nền văn hóa Tam Giáo (Trong giai đoạn cận kim, nền văn hóa Tam Giáo tại Nam Hàn, Hồng Kông và Viêt Nam đã du nhập hài hòa nhiều yếu tố của Thiên Chúa Giáo Tây Phương)

Vì chúng ta đang muốn phân tách vai trò của giai cấp trong các xã hôi khác nhau, nên tôi sẽ xử dụng danh từ văn minh nhiều hơn vì danh từ này bao gồm những cấu trúc xã hội.

Trước khi phân tách sâu xa hơn, chúng ta phải nhận định ngay rằng, dưới ảnh hưởng của tiến trình kỹ nghệ hóa, hầu như mọi quốc gia trên thế giới đều có 3 giai cấp hiện đại:

  1. Gia cấp thượng lưu và tư bản
  2. Giai cấp trung lưu và trí thức
  3. Giai cấp lao động và nông dân

Trong một quốc gia ngày hôm nay, mức độ công bằng xã hội tỷ lệ thuận với ba yếu tố sau đây:

  1. Giai cấp trung lưu và trí thức đông đảo.
  2. Hố sâu tài chánh giữa những giai cấp giảm thiểu.
  3. Cường độ vận hành xuyên giai cấp cao.

Chẳng hạn tại Hoa Kỳ và các nước Âu Châu, giai cấp trung lưu có thể lên đến 80% dân số. Trong khi đó tại Ấn Ðộ, Trung Quốc và Việt Nam thì tỷ lệ thấp hơn nhiều. Ðiều này cho thấy nhiều bất công xã hội tại Ấn Ðộ, Trung Qu ốc và Việt Nam hơn.

Tại các nước Tây Phương, lợi tức của một người trung lưu có thể cao gấp 2 hoặc 3 lần lợi tức môt ngừ ơi lao động. Tuy nhiên tại Việt Nam, sự sai biệt lợi tức có thể lên đến 5 hoặc 10 lần.

Tại các nước Tây Phương nhi ều t ỷ phú hoặc triệu phú phát xuất từ bàn tay trắng. Tại Việt Nam phải là con ông cháu cha trong đảng CSVN mới có hy vọng làm giàu. Mức độ vận hành xuyên giai cấp tại Việt Nam rất thấp.

Bên cạnh những giai cấp của thời đại này, chúng ta còn có những giai cấp truyền thống đặc thù của từng nền văn minh như sẽ phân tách sau.

Dưới ảnh hưởng của nền văn minh Tây Phương, Việt Nam đang chuyển mình từ một quốc gia nông nghiệp sang một quốc gia kỹ nghệ, từ đông đúc cư dân sống tại nông thôn sang đông đúc cư dân sống tại các đô thị. Vai trò của các công nhân sẽ lấn lướt vai trò của các nông dân và nền văn hóa truyền thống đang bị sức ép mạnh của nền văn hóa Tây Phương.

Nền văn minh Tây Phương:

Trong chiều hướng so sánh và phân tách, chúng ta cần nhận diện và đánh giá quan niệm giai cấp trong nền văn minh Tây Phương.

Sự hình thành của các giai cấp trong xã hội truyền thống Tây Phương vô cùng phức tạp vì bối cảnh lịch sử. Trước hết, một trong những nền văn minh lâu đời nhất của nhân loại, có thể sánh với nền văn minh Ấn Ðộ và Trung Quốc, là nền văn minh Hy Lạp, xuất phát cả ngàn năm trước công nguyên. Nền văn minh này căn cứ trên những đô thị quốc gia tự trị (independent city states) mà tiêu biểu nhất là thành phố Nhã Ðiển (Athens).

Trong những thành phố như thế có 5 giai cấp chính:

  1. Giai cấp giàu có, triết gia và các anh hùng
  2. Giai cấp công dân
  3. Gia cấp công dân nghèo
  4. Giai cấp phụ nữ và trẻ em
  5. Giai cấp nô lệ

Sau đó, đế quốc La Mã hùng mạnh xâm chiếm Hy Lạp và du nhập nền văn minh Hy Lạp vào đế quốc của mình.

Ðế quốc La Mã cũng gồm những giai cấp tương tự như sau:

  1. Giai cấp quý tộc (senators)
  2. Giai cấp phú ông (equestrian)
  3. Giai cấp công dân (plebeians)
  4. Giai cấp người tự do (free men)
  5. Giai cấp nô lệ.
  6. Các phụ nữ không có giai cấp và lệ thuộc vào giai cấp người chồng hoặc cha mẹ.

Sau khi đế quốc La Mã bị suy tàn tại Âu Châu thì xã hội bước vào giai đoạn phong kiến (feudalism).

Các giai cấp xã hội căn bản bao gồm:

  1. Hoàng gia
  2. Giáo hội
  3. Quý tộc
  4. Những người tự do gồm các thương gia và thợ thuyền tại các thành phố
  5. Các nông nô

Các giai cấp Tây Phương nêu trên rất cứng nhắc, bất công và (trừ giai cấp giáo sĩ), căn cứ trên cha truyền con nối, hầu như không cho phép bất cứ sự vận hành xuyên giai cấp nào. Như đã trình bày trên, Tây Phương là nơi xuất phát cuộc cách mạng kỹ nghệ (industrial revolution). Cuộc cách mạng này một mặt đem lại sự phồn thịnh cho xã hội và nâng các quốc gia Tây Phương lên hàng ngũ những chủ nhân ông các thuộc địa tại Phi Châu và Á Châu. Tuy nhiên cuộc cách mạng kỹ nghệ lại tạo ra nhưng giai cấp mới với sự phân hóa sâu rộng: đó là giai cấp tư bản và giai cấp vô sản. Dĩ nhiên các giai cấp uy quyền thủa xưa như hoàng gia, quý tộc và giáo sĩ không triệt tiêu. Trái lại họ liên kết với giai cấp tư bản và hầu như sát nhập vào giai cấp này. Trong khi đó giai cấp nông nô, sau khi được khai phóng, lại gia nhập hàng ngũ giới thợ thuyền vô sản. Sự kết hợp giữa hai hệ thống giai cấp cũ và mới nhưng đều khắc nghiệt như nhau, sự bóc lột của giai tư bản không bị kềm chế, sự nghèo khổ, lam lũ của những thợ thuyền làm việc trong các nhà máy sản xuất phi nhân, chính là những động cơ đấu tranh giai cấp mãnh liệt nhất của loài người.

Cũng vì thế, Âu Châu là nợi sản sinh ra chủ nghĩa Mác Lê sắc máu và đầy thù hận. Tuy là nợi sản sinh, nhưng Âu Châu lại “xuất cảng” chủ nghĩa Mác-Lê này sang các nước nhược tiểu tại Á Châu và Phi Châu, gieo rắt đau thương và tang tóc cho các dân tộc khốn khổ này.

 Trong khi đó thì chỉ có một số dân tộc Ðông Âu bị hiểm họa cộng sản cho đến đầu thập niên 90. Sau đó hiểm họa cộng sản bị hoàn toàn đào thải khỏi Âu Châu với sự sụp đổ của bức tường ô nhục Bá Linh.

Nền văn minh Trung Ðông:

Trước khi Ðấng Tiên Tri Mohamad khai đạo và hậu duệ của ngài chinh phục toàn cõi Trung Ðông, bắc phi châu, tòan bộ Bồ Ðào Nha và Tây Ban Nha (suốt 750 năm từ thế kỷ thứ 8 đến thế kỷ thứ 15) đến Bắc Ấn Ðộ và quần đảo Nam Dương, thì những vùng đất bao la này bao gồm nhiều truyền thống văn hóa khác nhau, cũng như những cấu trúc xã hội đa dạng. Các giai cấp tại Bồ Ðào Nha và Tây Ban Nha phản ảnh các giai cấp xã hội Âu Châu thời Trung Cổ nói trên. Bắc Ấn phản ảnh các giai cấp Ấn Ðộ Giáo như sẽ trình bày sau. Tuy nhiên, dưới ảnh hưởng của Hồi Giáo, thì trên nguyên tắc, giáo lý Hồi Giáo đến đâu thì các giai cấp đều phải triệt tiêu đến đó.

Thánh kinh Hồi Giáo Koran ghi rõ:

“Hỡi loài người, ta tạo ra các ngươi từ một người đàn ông và một người đàn bà, và tạo các ngươi thành quốc gia và bộ lạc, để các ngươi biết nhau. Thật vậy kẻ vinh dự nhất trong các ngươi đối với Thượng Ðế là kẻ tín đồ có niềm tin.”

Theo Imaam Ahmad 22391; Al Silsilad Al Sahe eh 2700, “Ðấng Tiên Tri (xin Thượng Ðế ban bố bình an và phước lành cho Người) phán rằng:

‘Hỡi loài người! Dĩ nhiên là chỉ có một đấng tối cao và chỉ có một tổ tông là Adam. Một người Á Rập không tốt hơn là một người không phải Á Rập, và một người không Á Rập không tốt hơn là một người Á Rập. Một người da đỏ không tốt hơn là một người da đen và một người da đen không tốt hơn một người da đỏ, trừ phi (hiểu theo nghĩa so sánh) có niềm tin’.”

Ðiều trên chứng tỏ rằng, trên nguyên tắc, Hồi Giáo chủ trương bình đẳng trên mọi giai cấp, sắc tộc và màu da. Sự khác biệt đối với đấng toàn năng chỉ duy nhất là sự khác biệt giữa mức độ niềm tin tôn giáo mà thôi. Ðây là một ưu điểm lớn của Hồi Giáo và ưu điểm này giải thích vì sao ngoài vùng các Trung Ðông và Bắc Phi ra, Hồi Giáo còn lớn mạnh và phát triển tại nhiều quốc gia Nam Phi, có nhiều trăm triệu giáo dân tại Ấn Ðộ, cũng như Mã Lai và Nam Dương.

Ðó là trên nguyên tắc.

Trên thực tế, ngay cả ngày hôm nay, các quốc gia Hồi Giáo vẫn có những giai cấp còn tệ hại hơn các quốc gia khác.

Chúng ta nhìn thấy các giai cấp sau đây:

  1. Giai cấp thống trị (hoặc quân phiệt, quân chủ hoặc giáo phiệt)
  2. Giai cấp giáo sĩ
  3. Ðàn ông
  4. Ðàn bà

Khi chúng ta xem tin tức hoặc các phim ảnh thời sự về các xứ Hồi Giáo, chúng ta nhìn thấy cảnh những người dân tham gia các cuộc biểu tình do các chính quyền độc tài tổ chức, chống lại các nước Tây Phương, hoặc chống lại các quốc gia đối nghịch. Những người dân này hầu như mất tự chủ, reo hò các khẩu hiệu, tung hô lãnh tụ, bày tỏ tình yêu và sự ngưỡng mộ lẫn phục tùng các lãnh tụ một cách nồng nhiệt và công khai. Tuy nhiên một khi những lãnh tụ ấy bị lật đổ, cũng những người dân này reo hò, phỉ bán và công khai đạp đổ tượng hình của các vị lãnh tụ mà trong quá khứ họ đã tôn thờ.

Ðiểm then chốt khác biệt giữa Hồi Giáo và Thiên Chúa Giáo, mặc dầu cả hai đều tôn thờ Thượng Ðế phát xuất từ Kinh Thánh Cựu Ước của Do Thái Giáo, là ngưòi Hồi Giáo tự coi mình là những nô lệ của Thiên Chúa không hơn không kém. Hầu như sự tôn thờ và sợ hãi thượng đế tột cùng của Hồi Giáo, một phần nào đó, thể hiện nơi sự sợ hãi của người dân đối với kẻ cầm quyền. Kẻ cầm quyền có thể là tập đoàn giáo phiệt như tại Iran, quân phiệt như tại Libya hoăc vương quyền độc đoán như tại Saudi Arabia. Biên giới và sự khắc khe tàn ác giữa giai cấp thống trị và giai cấp bị trị thật sự xa vời, và ý niệm phi giai cấp của kinh Koran hoàn toàn không được áp dụng trong xã hội.

Ngoài hố sâu chia rẽ giữa giai cấp thống trị và giai cấp bị trị, còn có sự thống trị của đàn ông đối với phụ nữ Hồi Giáo. Các giáo sĩ Hồi Giáo thường ca tụng những quyền lợi của người phụ nữ trong xã hội truyền thống của họ theo lời dạy của kinh Koran. Tuy nhiên mặc dầu những quyền lợi của phụ nữ có thể khá hơn, khi Ðấng Tiên Tri khai đạo và ban cho họ một số quyền. Nhưng đó là so sánh với những bất công lớn hơn, trước thời ngài khai đạo.

Từ thủa ấy, nhân loại đã có những bước tiến dài và phụ nữ không những ở Tây Phương, mà trên năm châu bốn bể, đã đạt những thành quả lớn lao trên phương diện bình quyền. Dĩ nhiên, những người đàn ông Hồi Giáo cũng biết điều này. Nhưng bây giờ họ là giai cấp được ưu đãi. Muốn người đàn ông Hồi Giáo, như một giai cấp, bỏ đi vị thế ưu việt của giai cấp mình đối với phụ nữ, không phải là một việc dễ thực hiện. Nó đòi hỏi một một sự phản tỉnh sâu xa từ giai cấp đàn ông và một cuộc cách mạng từ phía phụ nữ Hồi Giáo. Các giai cấp từ chính quyền đến giáo sĩ, liên kết với đàn ông, sẽ là những lực lượng bảo thủ lớn lao.

Chúng ta có quyền nghi ngờ rằng, những tay khủng bố cuồng tín nhất, hy sinh tính mạng và giết nhiều người vô tội, không những vì niềm tin và lòng kính sợ vô biên đối với Thượng Ðế, mà còn muốn, hoặc bị xúi dục, phải hy sinh để bảo vệ quyền lợi giai cấp phái tính của đàn ông Hồi Giáo.

Dĩ nhiên công cuộc đấu tranh giữa giai cấp thống trị và giai cấp bị trị tại các quốc Gia Hồi Giáo sẽ tiếp diễn, trên cả hai bình diện: chính trị và phái tính.

Nền Văn Minh Ấn Ðộ:

Nền văn minh Ấn Ðộ không phải giới hạn trong lãnh thổ Ấn Ðô hoặc trong phạm vi Ấn Ðộ Giáo. Nền văn minh này ảnh hưởng rất lớn và bao gồm từ Tích Lan đến Miến Ðiện, Thái Lan, Lào, Cam Bốt và Ðảo Bali thuộc Nam Dương.

Qua Phật Giáo là một tôn giáo phát xuất từ Ấn Ðô, nền văn minh này còn lan tràn đến Trung Hoa, Hàn Quốc, Mông Cổ, Tây Tạng, Nhật Bản, Ðài Loan, Việt Nam, Singapore và trở thành một cột trụ trong hệ thống tư tưởng Tam Giáo truyền thống tại các quốc gia này.

Trong xã hội truyền thống Ấn Ðộ có các giai cấp sau đây:

  1. Giai cấp giáo sĩ và trí thức (Brahmans)
  2. Giai cấp vua chúa và chiến sĩ (Kshatriyas)
  3. Giai cấp địa chủ và thương gia (Vaisyas)
  4. Giai cấp nông dân và lao động (Sudras)
  5. Giai cấp hạ tiện (Panchamas- untouchables)

Ấn Ðộ và Ðông Á là hai nền văn minh bền bỉ và liên tục nhất của nhân lọai. Các nền văn minh Hy Lạp, Ai Cập, Mesopotamia, Chiêm Thành…tuy có sáng ngời nhưng đều bị gián đọan và hòan toàn thay thế trên mảnh đất khai sinh ra chúng.

Tuy nhiên, nét đặc thù và cũng là khuyết điểm lớn lao nhất của văn hóa Ấn Ðộ là hệ thống giai cấp khắc khe. Hệ thống này không những không cho phép bất cứ một sự vận hành xuyên giai cấp nào, mà còn mang một ý nghĩa tôn giáo siêu hình nữa. Tóm lại, mỗi cá nhân phải có nghĩa vụ thiêng liêng là chấp nhận giai cấp của mình, dù là giai cấp hạ tiện, thì mới có hy vọng giải thoát trên bình diện tâm linh.

Ðức Phật Thích Ca, hơn 25 thế kỷ về trước, đã đả phá quan điểm giai cấp này. Ðạo Phật phát triển tại Ấn Ðộ khoảng 1000 năm, nhưng sau đó Ấn Ðộ Giáo lại lấn lướt và quan điểm giai cấp lại được củng cố. Hồi Giáo tràn đến miền bắc Ấn Ðộ nhưng cũng không xóa được Ấn Ðộ Giáo và quan điểm giai cấp khắc khe này. Thánh Mahatma Ghandi (Cam Ðịa) cũng cố gắng xóa bỏ hệ thống giai cấp này nhưng cũng thất bại. Ngày hôm nay, tuy Ấn Ðộ là một nước dân chủ và mọi công dân đều bình đẳng trên nguyên tắc, nhưng hệ thống giai cấp vẫn hiện hành, và bất công vẫn tiếp tục. Cuối cùng Phật Giáo trở thành một tôn giáo nhỏ tại Ấn Ðộ và những người Ấn theo Hồi Giáo thành lập hai quốc gia theo tôn giáo này, tách rời khỏi Ấn Ðộ: Hồi Quốc (Pakistan) và Bangladesh.

Dĩ nhiên với tiến trình kỹ nghệ hóa hiện hành, Ấn Ðộ có những giai cấp đặc thù của cuộc cách mạng kỹ nghệ toàn cầu:

  1. Giai cấp tư bản giàu có
  2. Giai cấp trung lưu và trí thức
  3. Giai cấp thợ thuyền lao động và nông dân

Cả hai hệ thống giai cấp cũ và mới song hành hiện hữu và bổ khuyết cho nhau trong xã hội Ấn Ðộ đương thời.

Dĩ nhiên sự hiện hữu của những giai cấp mới phần nào thúc đẩy mạnh hơn tiến trình cải tổ để giúp cho sự vận hành xuyên giai cấp trong hệ thống giai cấp cũ được thông suốt hơn.  

Nền văn minh Ðông Á:

Nền văn minh Ðông Á tuy chịu ảnh hưởng của Tam Giáo, nhưng mỗi tôn giáo có lãnh vực riêng của mình. Nền văn minh này cũng li ên tục và bền bỉ như nền văn minh Ấn Ðộ. Việt Nam tuy trên phương diện địa dư thuộc về Ðông Nam Á nhưng trên phương diện văn hóa, thuộc khối Ðông Á này. Văn hóa Việt Nam, cũng như văn hóa Nam Hàn và Hồng Kông, đã du nhập nhiều bản giá trị của Thiên Chúa Giáo.

Trong hệ thống Tam Giáo, Phật Giáo chú trọng đến những vấn nạn siêu hình, Lão Giáo trên các lãnh vực nghệ thuật và Khổng Giáo trên các lãnh vực chính trị và xã hội. Dĩ nhiên nói như thế không có nghĩa là Lão và Khổng Giáo không có những tư tưởng vô cùng sâu sắc trên bình diện siêu hình, hoặc Phật Giáo không có những thiền sư làm thơ trác tuyệt, và biên giới giữa một nhà nho có khả năng bình thiên hạ và một thiền sư ẩn cư chốn núi rừng đôi khi không mấy xa vời.

Tuy nhiên vì khía cạnh bình thiên hạ của nó, quan điểm giai cấp của xã hội truyền thống là quan điểm của Nho Giáo.

Các giai cấp của Ðông Á được nhắc đến lần đầu tiên trong kinh Xuân Thu của Ðức Khổng Phu Tử và bao gồm bốn giai cấp:

  1. Nông
  2. Công
  3. Thương

Tại các quốc gia như Trung Quốc, Nhật Bổn, Ðại Hàn và Việt Nam bốn giai cấp này đã là một phần của xã hội truyền thống và còn ảnh hưởng đến hôm nay.

(Theo Wikipedia: The four divisions of society refers to the model of society in ancient China and was a meritocratic social class system in China, and other subsequently influenced Confucian societies. The four castes -- gentry, farmers, artisans and merchants -- are combined to form the term Shìnónggōngshāng (士農工商). The concept was first brought up in the Confucian classic Spring and Autumn Annals, and was influential in countries with Confusian influence. It has been adapted into Japanese as "Shi,nō,kō,shō" (士農工商, shinōkōshō?), in Korean as "Sa,nong,gong,sang" (사농공상), and in Vietnamese as "Sĩ, nông, công, thương (士農工商).)

Các bình luận gia xã hội học ngày nay coi đó là một hệ thống giai cấp căn cứ trên khả năng xứng đáng (meritocracy).

Tuy nhiên khi nhận định như thế, chúng ta phải biết rằng khả năng xứng đáng này luôn luôn gồm hai khía cạnh: tài (trí tuệ) và đức (đạo đức). Phần lớn những học giả tây phương quá chú trọng vào khả năng trí tuệ của kẻ sĩ, mà quên đi yếu tố căn bản kia của văn hóa Ðông Á. Ðó là yếu tố đạo đức. Theo người viết, giai cấp Ðông Á truyền thống được đặt trên căn bản đạo đức cổ truyền nhiều hơn là yếu tố trí tuệ. Sĩ phu là giai cấp trên nguyên tắc có căn bản đạo đức cao nhất và có trách nhiệm bảo vệ đạo đức xã hội. Nông dân là giai cấp thứ hai, và trên nhiều phương diện, họ chính là cái nôi để lưu truyền nền đạo đức xã hội. Giai cấp thợ thuyền, chuyên nghiệp (phần lớn là tiểu công nghệ) cũng là những thành phần có vị trí đạo đức và đóng góp lương thiện cho xã hội. Giai cấp thương gia, tuy có thể giàu có hơn những giai cấp khác, nhưng lại bị xếp thứ tự thấp nhất vì nghề buôn bán bị hiểu lầm là dễ vi phạm các căn bản đạo đức.

Một chứng minh hùng hồn hơn nữa cho yếu tố đạo đức, trong sự sắp xếp trật tự giai cấp xã hội, nằm nơi quan điểm “xướng ca vô loại". Tức là những người có nghiệp xướng ca không được vào giai cấp nào cả, vì họ không thỏa mãn những đòi hỏi về đạo đức của xã hội truyền thống.

Trong các nền văn hóa nói trên thì hầu như các giai cấp truyền thống của Ðông Á là tương đối ít bất công, có nhiều tính vận hành xuyên giai cấp năng động, hoàn toàn không mâu thuẫn và dễ dàng dung hợp với các giai cấp của thời đại kỹ nghệ nhất.

Các giai cấp đương thời như:

  1. Tư bản có thể dung hợp giai cấp thương mại cổ truyền
  2. Giai cấp trung lưu trí thức có thể dung hợp giai cấp sĩ phu truyền thống
  3. Giai cấp lao động, thợ thuyền có thể dung hợp các giai cấp nông gia và công nghiệp thủa xưa.

Ðó là nói một cách tổng quát.

Dĩ nhiên có một vài chi tiết cần phải điều chỉnh. Chẳng hạng nhóm “xướng ca vô loại truyền thống”, ngày hôm nay, phải xếp vào giai cấp trung lưu trí thức, vì khả năng sáng tác của họ, hoặc ngay cả giai cấp tư bản, tùy theo mức độ thành công về tài chánh của nhóm này.

Say khi phân tách kỹ, chúng ta nhận thấy dân chủ đến với Tây Phương sớm hơn với Ðông Á, vì chế độ phong kiến, với những quý tộc lãnh chúa phân chia bớt vương quyền, đến trễ với người tây phương. Vì đến trễ, nên vào thời kỳ ánh sáng, các lãnh chúa phong kiến kết hợp với những người được giải phóng tại các thành phố (free men) qua cuộc cách mạng kỹ nghệ, kềm chế bớt vương quyền và dần đà đưa đến chế độ dân chủ.

Ngược lại, chế độ phong kiến đã đến quá sớm với Ðông Á.  Tại Trung Quốc chế độ phong kiến này đã đến cả ngàn năm trước thời Tần Thủy Hoàng. Tại Việt Nam đã có vào thời huyền sử với các Lạc Hầu Lạc Tướng dưới trướng các vua Hùng Vương. Phong kiến đã bị chế độ quân chủ tuyệt đối của Tần Thủy Hoàng tiệu diệt toàn diện quá sớm trong lịch sử Trung Hoa. Nền quân chủ tuyết đối sau đó đã được nhà Hán của Lưu Bang củng cố qua ý thức hệ tôn quân quyền và trọng khoa bảng của Ðức Khổng Phu Tử, trở nên thành trì vững chải cả 2000 năm cho chế độ quân chủ tuyệt đối tại Ðông Á.

Có thể nói rằng, chế độ phong kiến tại Âu Châu, tuy bất công, nhưng ít ra cũng phân chia quyền lực chính trị qua nhiều tụ điểm, để sau đó dân chủ có điều kiện phát triển.

Các trung tâm quyền lực phong kiến (hoặc nhiều tiều quốc, hoặc nhiều lãnh địa nhỏ) tạo nơi trú ẩn cho các tư tưởng gia tiến bộ. Thêm vào đó, cách mạng kỹ nghệ giải phóng sức lao động của phụ nữ và các giai cấp nông nô hoặc nô lệ. Sự kết hợp giữa các thế lực phong kiến và giai cấp công thương tại các thành phố, xảy ra tại Âu Châu, đã đem lại dân chủ nhanh chóng hơn cho vùng đất này của nhân loại.

Tình hình tại Ðông Á khác biệt:

Không có chế độ thống trị nào khó lật đổ bằng sự liên kết giữa vương quyền, giai cấp sĩ phu và giai cấp người lớn tuổi trong xã hội. Ba cột trụ của tương quan xã hội truyền thống, là “Quân, Sư và Phụ”, một cách vô cùng khéo léo, buộc vương quyền (quân) và đồng hóa nó với sự biết ơn thầy (sư) là khai trí cho mình, và lòng hiếu thảo đối với cha (phụ), trong một xã hội phụ quyền. Làm như thế là trao cho kẻ thống trị một căn bản đạo đức mà họ chưa chắc đã có. Trong hoàn cảnh này thì người đi làm cách mạng sẽ bi buộc tội đi ngược với đạo đức truyền thống mà rất ít cá nhân dám vượt qua.

Cũng vì lý do này mà Ðức Khổng Phu tử, khi nêu ra quan điểm tôn quân quyền, đã bị quy vào trách nhiệm làm chậm đi bước tiến, không những của nền dân chủ Ðông Á, mà còn làm chậm bước tiến của toàn xã hội trên nhiều phương diện khác nữa.   

Trong phần kế tiếp, chúng ta sẽ xác định:

Dân chủ và những phạm trù căn bản của nền văn hóa Ðông Á có phải là phản đề của một nền dân chủ hiến định, pháp trị và đa nguyên hay không?

Vị trí của Việt Nam là gì trong tiến trình dân chủ hóa trên toàn cõi Ðông Á? 

Như phần lớn các quốc gia đang phát triển trên thế giới, Việt Nam hiện nay có ba giai cấp tiêu biểu của thời đại:

  1. Gia cấp thượng lưu và tư bản
  2. Giai cấp trung lưu và trí thức
  3. Giai cấp lao động và nông dân

Các giai cấp mới trên hiện hữu song hành với các giai cấp truyền thống trong văn hóa: sĩ, nông, công, thương.

Quan điểm giai cấp, theo kiểu Mác Xít nửa vời, được Mao Trạch Ðông nhào nặn và được Hồ Chí Minh đánh cắp, để áp dụng vào Việt Nam đã không còn giá trị thực tế:

  1. Ðịa chủ giàu có
  2. Phú nông
  3. Trung nông khá
  4. Trung nông thường
  5. Trung nông kém
  6. Bần nông
  7. Bần cố nông

Ðấu tranh giai cấp tại các quốc gia Ðông Á và Vi ệt Nam, dứơi các chính quyền cộng sản, là một tác động điên rồ của CS, có tính cách ý thức hệ, từ thương tầng cơ sở áp đặc trên xã hội, mà không được những yếu tố khách quan trong xã hội truyền thống biện minh.

Vì sự sụp đổ ý thức hệ Mác Lê trên toàn thế giới, người CSVN đã hoàn toàn mất định hướng, chỉ bám víu quyền lực qua quân đội và công an. Thay vì tích cực hủy diệt mọi giai cấp để đi đến một xã hội đại đồng không tưởng, người CSVN hầu như minh thị chủ trương khai thác triệt để vị trí lãnh đạo của đảng để trục lợi cho cá nhân và phe nhóm. Ðảng viên bây giờ đồng hóa với tư bản, chủ nhân, kẻ bóc lột và kẻ thống trị, tiêu xài xa hoa phung phí tại các thành đô hoa lệ, mặc cho giới vô sản mà họ khua môi múa mép đại diện, các thợ thuyền, các nạn nhân bị chính họ bóc lột, những người nông dân lam lũ sống kiếp tôi đòi bị trị trên khắp đất nước. Trong khi đó con cái của đảng viên xuất ngoại đầu tư hằng trăm triệu mỹ kim bằng tiền hối hộ của cha ông.

Dĩ nhiên quy luât bình thường là ở đâu có giai cấp ở đó có bất công và có đấu tranh để đi đến một sự tái phối trí quyền lực và quyền lợi.

Công cuộc đấu tranh, ở một mặt, là trận thư hùng giữa toàn dân Việt Nam bên này và đảng CSVN bên kia. Tuy nhiên trên mặt khác, đây là một trận thư hùng giữa nền văn hóa nhân bản truyền thống của Ðông Á bên này, và chủ nghĩa cộng sản duy vật bên kia, để sau đó toàn dân Việt Nam sẽ thiết lập một nền dân chủ hiến định, pháp trị và đa nguyên chân chính. 

Trong môi trường của những nền dân chủ  nghiêm chỉnh, nền văn hóa duy tâm Ðông Á đã được cởi trói để giúp cho các dân tộc Nhật Bổn, Ðại Hàn, Ðài Loan xây dựng một nền kinh tế phồn thịnh, một xã hội quân bình và xứng đáng với chiều cao thật sự của họ.

Chỉ còn tại Cộng Sản Bắc Hàn, Trung Quốc và chư hầu của họ là Cộng Sản Việt Nam là nền văn hóa duy tâm này còn bị sự khống chế của độc tài đảng trị và duy vật chủ nghĩa.

Ðất nước chúng ta có những điều kiện đặc thù. Chúng ta khác với những quốc gia Tam Giáo kia như Nhật Bổn, Ðại Hàn, Ðài Loan và Trung Quốc. Tuy là một nước đông dân và địa dư tương đối hẹp, nhưng chúng ta có hai bình nguyên rộng rãi và phì nhiêu, từ hai con sông lớn của thế giới (Cửu Long và Hồng Hà), đủ sức sản xuất để không những nuôi dân, mà còn xuất cảng nông phẩm để đóng góp với nhân lọai.

Chúng ta sẽ không phải rơi vào tìn trạng khó khăn của các quốc gia kia: Nam Hàn, sau khi kỹ nghệ hóa đất nước, hầu như phải bỏ rơi nông nghiệp cổ truyền. Nhật Bổn phải duy trì nền nông nghiệp cổ truyền, bằng những hy sinh tài chánh lớn lao, để nuôi dưỡng những nông dân sản xuất thiếu hiệu năng. Ðài Loan dần rơi vào tình trạng của Nhật Bổn.

Nền nông nghiệp Trung Quốc cũng đang đi vào những bế tắc tương tự. Có thể nói rằng, những điều kiện thiên nhiên thuận lợi cho dân tộc VIỆT NAM, giúp cho chúng ta có những vùng nông thôn trù phú, nhưng không quá xa thành thị, cáng cân chênh lệch về kinh tế giữa nông thôn và thành thị không nhiều. Từ đó chúng ta sẽ có mức độ quân bình cao hơn giữa nền văn hóa truyền thống và tiến trình kỹ nghệ hóa, khi so sánh với Nam Hàn, Nhật Bổn hoặc Trung Quốc.

Chính vì lợi điểm của mình, Việt Nam, trong khi kỹ nghệ hóa đất nước, sẽ nuôi dưỡng và phát huy nền văn hóa truyền thống của người Ðông Á tốt hơn trên đất nước chúng ta. VIỆT NAM có xác xuất là quốc gia Ðông Á duy nhất có song hành một nền kỹ nghệ tân tiến, và một nền nông nghiệp truyền thống nhưng hiện đại và hiệu năng.

Trong hiện tại, qua điều 4 hiến pháp, CSVN cai trị nhà nước và xã hội dân sự bằng phương thức độc tài. Sự độc tài và độc đoán trong một chế độ toàn trị, trước hết, là độc tài lừa bịp và dối gạt không giới hạn. Bỡi vì CSVN sở hữu mọi phương tiện truyền thông và thông tin và vì đảng CSVN đứng trên và ngoài luật pháp, sự sợ hãi của người dân vượt lên trên sự sợ hãi của người Hồi Giáo sống trong độc tài như đã nêu trên.

Chính vì thế, tỷ lệ người dối trá, lường gạt tại các quốc gia cộng sản luôn cao hơn các quốc gia dân chủ. Chính quyền lường gạt dân chúng để thống trị và bóc lột. Người dân hiểu được điều này và coi sự lường gạt như là một phản ứng tự nhiên có tính bản năng. Chính vì thế độc tài cộng sản luôn kéo theo sự suy đồi đạo đức trầm trọng.

Người Việt Nam cũng phải chiến đấu trên hai mặt trận.

Trên mặt trận chính trị, chúng ta phải đạp đổ giai cấp thống trị CSVN để xây dựng một nền dân chủ hiến định, pháp trị và đa nguyên chân chính.

Trên bình diện văn hóa, chúng ta phải nhìn nhận thực tế là cuộc cách mạng kỹ nghệ, xuất phát từ Tây Phương, đã đến với Việt Nam. Tư bản sẽ không phân biệt biên giới quốc gia hoặc văn hóa. Làm thế nào để dung hòa những ưu điểm của văn hóa Tây Phương, vào chính mạch của nền văn hóa truyền thống của dân tộc, là trách nhiệm của chúng ta.

Các dân tộc Nhật Bổn, Nam Hàn, Ðài Loan đã làm được xuất sắc và đang vương lên trong kỷ nguyên mới như là những cường quốc thật sự. Dân tộc ta trong qua khứ, vì vị trí địa dư tại ngã ba các trào lưu văn hóa, đã du nhập nhiều tư tưởng đông tây. Chắc chắn chúng ta sẽ vươn lên và đáp ứng tốt đẹp với nhu cầu của kỷ nguyên mới.

Sau khi phân tách cấu trúc xã hội và bản chất của các giai cấp truyền thống trong mỗi nền văn minh của nhân loại, chúng ta nhận thấy nền văn minh Ðông Á, tuy không phải là cái nôi phát xuất của cuộc cách mạng kỹ nghệ, nhưng lại là môi trường thuận tiện và phù hợp nhất cho sự phát huy tột cùng của cuộc cách mạng kỹ nghệ.

Ðiều này tương tự như trường hợp của Phật Giáo. Tuy Phật Giáo phát xuật từ Ấn Ðộ, nhưng môi trường thuận tiện nhất cho sự phát triển Phật Giáo lại là Trung Hoa và Ðông Á (kể cả VIỆT NAM) chứ không phải Ấn Ðộ.

Những giai cấp truyền thống Ðộng Á có thể, dễ dàng và tự nhiên, hội nhập vào ba giai cấp tiêu biểu của nền thời đại kỹ nghệ. Một phần nhờ vào yếu tố vận hành xuyên giai cấp rất cao của nền văn hóa truyền thống.

Các quốc gia Ðông Á như Nhật Bổn, Nam Hàn, Ðài Loan đã chứng minh chân lý này một cách rõ rệt bằng tốc độ kỹ nghệ hóa cực cao, qua mặt không những các quốc gia Nam Mỹ, mà còn vượt trội các quốc gia Ðông Âu, kể cả Nga Sô, trong khi các quốc gia Ðông Âu này đã tiếp xúc nhiều trăm năm trước với cuộc cách mạng kỹ nghệ.

Trở lực lớn lao nhất của đất nước và dân tộc Việt Nam ngày hôm nay không phải là sự nghèo khổ của đất nước hoặc trình độ kỹ thuật của người dân. Nền văn hóa dân tộc 4,000 năm đã trang bị cho con người Việt Nam một khối óc thông minh và đôi bàn tay sáng tạo. Với sự vận hành không biên giới của tư bản, với tốc độ cơ giới hóa và kỹ thuật hóa toàn cầu, với cuộc cách mạng tin học, người Việt Nam đã được nhiều thế hệ cha ông rèn luyện để sẵn sàn sáng tạo của cải, làm dân giàu nước mạnh. Các du học sinh của nước ta, các con em của những kiều bào tỵ nạn hải ngoại, đã vượt trội dễ dàng những sắc dân khác, trên mọi phương diện từ kỹ thuật đến tư duy.

Dân tộc và con người Việt Nam không thua kém bất cứ dân tộc và con người nào khác trên thế giới. Chỉ có Ðảng CSVN và các lãnh tụ CSVN là hèn kém so với những chính đảng và chính quyền nghiêm chỉnh khác trên thế giới.

Ðất nước chúng ta vẫn lạc hậu và chậm tiến bỡi vì sự hiện diện của một đảng CSVN bảo thủ và ươn hèn. Bao lâu mà độc tài đảng trị còn, thì ngày ấy dân tộc Việt Nam chưa đạt được chiều cao thật sự mà nền văn hóa của dân tộc cho phép.

Nêu trên là lý do đầy đủ tính thuyết phục rằng tại sao trách nhiệm hàng đầu của toàn dân ngày hôm nay, trong lúc sơn hà nguy biến, là phải đạp đổ gông cùm CSVN để khai thông sinh lộ cho dân tộc.

Ngòai Bắc Hàn là một con quái vật CS, thì Trung Quốc và Việt Nam là hai quốc gia trong nền văn minh Ðông Á còn thống khổ dưới ách độc tài CS. Sự giải thoát của dân tộc này sẽ đưa đến sự giải thoát cho dân tộc kia. Nếu có cơ may và tiến trình dân chủ hóa đến với dân tộc VIỆT NAM trước, thì trách nhiệm của chúng ta là phải trở thành căn cứ địa, để đem tự do và dân chủ đến cho Trung Quốc và Bắc Hàn. Bao lâu mà chế độ CS còn tồn tại ở Trung Hoa thì ngày đó, lãnh địa, lãnh hải, quyền tự quyết dân tộc của từng quốc gia trong cõi Ðông Á và toàn cõi Á Châu còn bị đe dọa. Ðó là chưa kể sự suy đồi văn hóa và đạo đức truyền thống.

VIỆT NAM sẽ không bao giờ thái bình thịnh trị thật sự, nếu chúng ta không có quân lực hiện đại, và Trung Hoa chưa phải là một quốc gia dân chủ, tôn trọng nhân quyền, dân quyền và các công ước quốc tế mà mọi quốc gia tiến bô trên thế giới tôn trọng.

Tính độc tài đảng trị của điều 4 hiến pháp có hậu quả ngăn cản mọi sự vận hành xuyên giai cấp, tạo ra một giai cấp thượng lưu tư bản đỏ, sống trên xương máu của toàn dân. Hiện trạng này là phản đề không những của quan điểm giai cấp đương thời, mà cũng là phản đề của quan điểm giai cấp truyền thống. Tiến trình dân chủ hóa tại Việt Nam cũng vì vậy mà mang tính đấu tranh giai cấp từ trong bản chất.

Với những lợi điểm đặc thù của Việt Nam, đất nước chúng ta sẽ nhanh chóng đạt được chiều cao thực sự của mình, sau khi giai cấp thống trị của người Cộng Sản VIỆT NAM cáo chung.

 

Sydney 1 Th áng 11 N ăm 2009

Luật Sư Ðào Tăng Dực

 

Trở về trang đầu